Vì sao Hoàng Dược Sư tài cao Bắc Đẩu, lại luôn bị thế nhân gọi là “tà”?

11/05/20, 08:57 Góc Nhìn

Trong tiểu thuyết của Kim Dung, nếu nói về nhân vật tài hoa nhất, văn võ song toàn, mọi sở học đều đạt đến đỉnh cao, thì chính là Hoàng Dược Sư. Tuy vậy, rất ít người tôn trọng Hoàng Dược Sư, lại thường gọi ông là “tà”. Vì sao lại như vậy? Chúng ta hãy cùng nhau đàm luận. 

Trong tiểu thuyết của Kim Dung, nếu nói về nhân vật tài hoa nhất, văn võ song toàn, mọi sở học đều đạt đến đỉnh cao, thì chính là Hoàng Dược Sư.
Trong tiểu thuyết của Kim Dung, nếu nói về nhân vật tài hoa nhất, văn võ song toàn, mọi sở học đều đạt đến đỉnh cao, thì chính là Hoàng Dược Sư. (Ảnh: Kknews)

Hoàng Dược Sư là một trong Võ Lâm Ngũ Bá, võ công của ông không hẳn là cao nhất, nhưng chắc chắn là một trong những người cao nhất. Hơn nữa không chỉ xét về võ công, mà về cơ trí, năng lực sáng tạo, sự khéo léo trong kĩ thuật, mức độ am hiểu về khoa học,… thì có rất ít người có thể theo kịp.

Ngoài ra trong các lĩnh vực văn chương nghệ thuật, cầm kỳ thư họa, học thuyết của bách gia, cho tới thuật số ngũ hành,… ông cũng đều nhất mực tinh thông. Nói chung, ông chính là nhân vật tài năng nhất mà Kim Dung đã xây dựng.

Tuy vậy, rất ít người tôn trọng Hoàng Dược Sư, ông bị gọi là “Đông tà” hay “Hoàng lão tà”, bị người đời coi là “tà”. Vì sao tà? Vì Hoàng Dược Sư cả đời thích nhất chính là bài xích cổ nhân, hay tìm lỗi trong sách của bách gia, “khinh Chu Khổng mà bạc Thang Vũ”. Bởi ông không tuân thủ lễ giáo, không tôn trọng Thánh Hiền, nên mới gọi ông là “tà”.

Mà không phải Hoàng Dược Sư chỉ suông miệng chê bai, mỗi gia mỗi phái ông đều vạch ra được chỗ sơ sót, khiến chính những người trong lĩnh vực đó phải á khẩu không biết trả lời thế nào!

Lấy ví dụ về Mạnh Tử, Hoàng Dược Sư từng làm bốn câu thơ: “Ăn mày làm sao lấy hai vợ?; Láng giềng liệu có mấy con gà?; Đương thời thiên tử nhà Chu đó; Tề Ngụy sao lòng vẫn thiết tha?”.

Bốn câu này khiến những Nho sinh, thậm chí người đã đỗ trạng nguyên, cũng phải cứng họng. Nguyên trong sách Mạnh Tử có câu chuyện về người ăn mày lấy hai vợ, cũng có câu chuyện về một người mỗi ngày ăn trộm một con gà của hàng xóm. Hoàng Dược Sư đặt ra mấy câu hỏi vặn lại “ăn mày tiền đâu mà lấy hai vợ?”, “hàng xóm có được bao nhiêu gà mà mỗi ngày trộm một con?”, ý muốn nói Mạnh Tử giảng chuyện không có thật.

Thật ra 2 chuyện đó còn có thể cãi rằng Mạnh Tử chỉ là đang lấy ví dụ, nhưng còn hai câu sau quả thật khó mà đáp. Thời Chiến Quốc, Chu thiên tử rõ ràng vẫn còn đó, Mạnh Tử sao không phò tá đế vương chân chính mà lại đi theo Tề vương, Ngụy vương? Điều này chẳng phải cũng là lỗi đạo Thánh Hiền?

Tất nhiên không phải Kim Dung mượn nhân vật Hoàng Dược Sư để bài xích Mạnh Tử, tư tưởng “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không phóng đãng, nghèo khó không thay lòng, uy vũ không khuất phục) vẫn là tiêu chuẩn để đánh giá “đại trượng phu” trong tiểu thuyết Kim Dung. Chẳng qua ông xây dựng Hoàng Dược Sư là người như vậy.

Hoàng Dược Sư bắt đúng chỗ “bí”, các Nho sinh không có lý luận sắc bén bằng ông, kiến thức cũng không uyên thâm như ông, nên đành chịu phục. Nhưng nếu Hoàng Dược Sư gặp phải Đoàn Dự, chắc chắn cuộc tranh luận của hai người sẽ rất gay cấn.

Đó là một Hoàng Dược Sư mà Kim Dung đã miêu tả, một người có tài hoa hơn đời nhưng lại không xem trọng cổ nhân, thường làm khác lời dạy của Thánh Hiền, nên bị gọi là “tà”. Có thể ở đây Kim Dung đã dùng Hoàng Dược Sư để ám chỉ Nhật Bản, bởi vì Hoàng Dược Sư ở phương Đông, làm chủ đảo Đào Hoa – đều là các biểu tượng của Nhật Bản.

Người Nhật rất siêng năng và tài giỏi, trong lịch sử họ cũng từng tiếp thu văn hóa Trung Quốc rất sâu, nhưng khi tràn vào Trung Quốc trong chiến tranh Trung -Nhật, họ đối với văn minh 5000 năm của Trung Quốc lại tỏ vẻ khinh miệt và chê bai. Đây cũng giống như Hoàng Dược Sư, tuy học sách của cổ nhân nhưng rất thích bắt lỗi Thánh Hiền.

Bỏ qua dụng ý chính trị ấy, thử đi sâu vào con người của Hoàng Dược Sư, thật ra ông cũng có nỗi khổ tâm, đó là cái khổ của một người quá tài giỏi! Con người ta khi có chút tài năng thì thường rất được xưng tụng và cũng rất thích nghe lời xưng tụng. Nhưng khi họ càng tài giỏi hơn nữa thì bên cạnh lại càng ít người, dù người ta có muốn vây lấy họ thì tự họ cũng rời khỏi đám đông, bởi vì điều mà người ta nói thì họ cho là quá tầm thường không đáng để nghe, còn những điều mà họ đang nghĩ thì có nói người khác cũng không hiểu, trong tâm họ rất tịch mịch.

Với những người “tài cao bắc đẩu” cỡ Hoàng Dược Sư, quả thật như một câu thơ mà Tô Đông Pha đã viết “Cao xứ bất thắng hàn” – ở nơi cao thì khó chịu nổi cái lạnh (của sự cô độc) – không có bạn thân, không có tri kỷ, không có ai trò chuyện, tuy có tài năng hơn đời mà hoàn toàn không ai hiểu được, dù sống ở nơi kinh kỳ hay ở chốn hải đảo thì cũng hiu quạnh như nhau.

Đương thời Hoàng Dược Sư không tìm được một bằng hữu nào cùng “cảnh giới” với mình, dù muốn tìm người để đàm đạo về những sở học tâm đắc thì cũng không có ai
Đương thời Hoàng Dược Sư không tìm được một bằng hữu nào cùng “cảnh giới” với mình, dù muốn tìm người để đàm đạo về những sở học tâm đắc thì cũng không có ai. (Ảnh: Kknews)

Đương thời Hoàng Dược Sư không tìm được một bằng hữu nào cùng “cảnh giới” với mình, dù muốn tìm người để đàm đạo về những sở học tâm đắc thì cũng không có ai, ông nên làm sao đây? Cách “giải trí” của ông chính là tranh hơn với cổ nhân, với Thánh Hiền!

Ông không thật sự muốn bài xích Khổng – Mạnh, không thật sự “khinh Chu Khổng mà bạc Thang Vũ”, nhưng ông cho rằng với tài năng của mình thì chỉ có thể tìm những bậc Thánh Hiền ấy mà nói chuyện, chứ người thường thì không thể nữa rồi. Nhưng những vị ấy đều đã ra người thiên cổ, ông chỉ đành hàng ngày xem sách của họ, bới móc ra chỗ sai sót mà chỉ trích. Thật ra đó chính là cách giúp ông vơi đi “cái lạnh” của một người ở “cao xứ”.

Hoàng Dược Sư cũng như đỉnh của một cây thông vậy, Thánh Hiền ở trên trời thì ông không với tới chỉ có thể ngước nhìn, nhưng cành lá bên dưới thì không xứng bám vào ông nữa. Ông trơ trọi một mình, ngạo nghễ thật, nhưng cũng rất khổ tâm.

Lại nói rằng Hoàng Dược Sư không thật sự bài xích Khổng – Mạnh, không thật sự “khinh Chu Khổng mà bạc Thang Vũ”, điều khiến ông chê bai là sự rườm rà của lễ giáo, sự khô cứng của các nguyên tắc do con người đặt ra, mà những cái đó không phải là điều trọng yếu trong tư tưởng Khổng – Mạnh. Nho giáo giảng những tiêu chuẩn cơ bản để làm người là “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín”, cùng với “Trung” và “Hiếu”. Hoàng Dược Sư không đến mức vi phạm những tiêu chuẩn đó.

Về “Trí” thì không cần phải nói nhiều, Hoàng Dược Sư vốn tài cao bắc đẩu, ông cũng không hề có chuyện vì bất trí mà không phân thiện ác. Tuy là một người tính khí thất thường, Hoàng Dược Sư cũng không phải kẻ không có lòng “Nhân”, trái lại ông đã từng cứu mạng rất nhiều người, nếu không thì tại sao có những người tới chết vẫn không quên ơn đức của ông?

Mặc dù từ cách hành xử khinh đời của Hoàng Dược Sư và sự nghịch ngợm của Hoàng Dung con gái ông, người ta cảm thấy dường như ông chẳng coi “Lễ” ra gì. Nhưng thật ra, hãy xem những đệ tử của Hoàng Dược Sư, những người được ông giáo dục từ nhỏ, họ đối với sư phụ một lòng tôn kính, dù bị ông đuổi đi thì trong tâm vẫn không oán ông lấy một chút nhỏ. Ngay cả Mai Siêu Phong dù là kẻ phản đồ nhưng tới lúc nguy cấp cũng xả thân để cứu ông. Đây chẳng phải do ông đã dạy dỗ lễ số và rất nhiều đạo lý ở đời cho họ? Một người thật sự chà đạp “Lễ” thì sao có thể dạy ra những đệ tử giữ gìn lễ độ với sư phụ như vậy?

“Tín” và “Nghĩa” là hai điều mà các nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp vô cùng xem trọng. Không giống như trong phim truyền hình Trung Quốc hiện nay thổi phồng lên, nào là người ta dùng đủ thứ mưu hèn kế bẩn để lừa gạt nhau, nào là nói xong lại cố tình quên ngay, nào là vừa hứa rồi phản bội, nào là không nói nghĩa khí,… đó đều là người Trung Quốc hiện đại dùng quan niệm đã bị biến dị bởi tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà đo lường người xưa.

Nhưng cổ nhân không phải như vậy đâu. Ngay cả trong tiểu thuyết võ hiệp là đã khoa trương quá mức rồi, nhưng tác giả vẫn giữ lấy mực thước nhất định cho nhân vật, chính là hai chữ “Tín Nghĩa” này, đây có thể nói là giá trị phổ quát của các cao thủ đi lại trên giang hồ.

Phổ quát như thế nào? Nếu ai vi phạm “Tín Nghĩa”, ai hứa không giữ lời, ai lấy oán báo ân, ai thừa lúc người ta nguy nan mà làm hại,… thì người đó còn thua cả hạng lưu manh thấp hèn nhất, bị gọi là “y quan cầm thú” (cầm thú biết đội nón mặc áo), tự người đó cũng không còn mặt mũi nào mà nhìn ai.

Ngay cả người chuyên làm chuyện ác như Tây Độc Âu Dương Phong cũng phải nói sao làm vậy. Điển hình chính là việc Âu Dương Phong trót hứa với Quách Tĩnh sẽ không dùng vũ lực bức bách Hoàng Dung, sau đó dù đã bắt được Hoàng Dung và rất khao khát muốn nàng dịch Cửu Âm Chân Kinh cho mình, ông ta cũng chỉ có thể năn nỉ chứ không dám ép uổng.

Âu Dương Phong cùng Hoàng Dung đi từ Trung Nguyên lên Mông Cổ, lại từ Mông Cổ về Trung Nguyên, đường xa đâu chỉ vạn dặm, thời gian đâu chỉ vài tháng, ông ta lại là kẻ làm ác như cơm bữa, nhưng vẫn kiên trì không làm khó Hoàng Dung. Đơn giản chỉ là vì ông ta đã “trót hứa”, và không thể không giữ lời. Tất nhiên nếu ông ta nuốt lời thì Hoàng Dung cũng phải chịu trận chứ không làm gì được, nhưng lòng tự trọng không cho phép ông làm vậy. Kẻ ác cũng phải tuân thủ “Tín Nghĩa” như vậy đó.

Âu Dương Phong còn vậy, huống hồ Hoàng Dược Sư so ra vẫn tốt hơn nhiều!

Về “Trung, Hiếu”, thì đây thật sự là “điểm tốt” của Hoàng Dược Sư. Hoàng Dược Sư tuy hay bài xích cổ nhân nhưng rất kính trọng trung thần Nhạc Phi.

Có lần Âu Dương Phong giết chết một nhà Nho rồi mang thủ cấp đến đưa cho Hoàng Dược Sư xem, Hoàng Dược Sư không hiểu là chuyện gì, Âu Dương Phong nói: “Ta đi ngang thấy gã hủ Nho này dạy học trò phải làm trung thần hiếu tử gì đó, cảm thấy đáng ghét nên giết đi. Ngươi và ta kẻ Tà người Độc, rất là hợp nhau”.

Hoàng Dược Sư vô cùng giận dữ, nói lớn: “Ta kính trọng nhất là trung thần và hiếu tử!”, rồi mang thủ cấp đi chôn cất, lại quỳ xuống lạy ba lạy.

Âu Dương Phong cảm thấy bẽ mặt nên nói móc: “Hoàng lão tà mà bị lễ giáo câu thúc, hóa ra chỉ có hư danh”. Hoàng Dược Sư đáp: “Trung hiếu không phải là lễ giáo rườm rà, mà là thứ vốn phải có của con người”.

Những điều nói trên chỉ ra rằng Hoàng Dược Sư không đến nỗi “tà”, cũng không thật sự khinh miệt Khổng – Mạnh, ông vẫn không đánh mất tiêu chuẩn “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín Trung Hiếu” của Nho gia. Chẳng qua ông không hợp với lễ giáo thế tục, trong lòng lại mang theo nỗi tịch mịch không thể giải tỏa với ai, nên người ta không thể hiểu ông mà thôi.

Nhưng cũng nhờ vậy mà con người ông trước sau vẫn nhất quán, giữ nguyên được bản sắc của mình, không bị cuốn theo dòng chảy của xã hội.

Thế Di

Ad will display in 09 seconds

Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Đạo gia: Ông Thọ vì sao lại có cái đầu hình hồ lô?

Ad will display in 09 seconds

Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

Ad will display in 09 seconds

Người sống thọ có 4 cái lười

Ad will display in 09 seconds

Quan Công truyền kỳ: Chuyển sinh từ rồng lửa

Ad will display in 09 seconds

Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

Ad will display in 09 seconds

Dương gian có kẻ bẻ cong pháp luận, âm gian trả nợ không hết

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

    Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

  • Chuyện cổ Đạo gia: Ông Thọ vì sao lại có cái đầu hình hồ lô?

    Chuyện cổ Đạo gia: Ông Thọ vì sao lại có cái đầu hình hồ lô?

  • Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

    Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

  • Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

    Sét đánh có phải sự ngẫu nhiên?

  • Người sống thọ có 4 cái lười

    Người sống thọ có 4 cái lười

  • Quan Công truyền kỳ: Chuyển sinh từ rồng lửa

    Quan Công truyền kỳ: Chuyển sinh từ rồng lửa

  • Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

    Kẻ xấu xí vì sao đắc quả La Hán?

  • Dương gian có kẻ bẻ cong pháp luận, âm gian trả nợ không hết

    Dương gian có kẻ bẻ cong pháp luận, âm gian trả nợ không hết

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

x