Vì sao chính quyền ông Tập ban hành lệnh cấm nhập than từ Triều Tiên ?
Chính quyền Trung Quốc vừa mới thông báo sẽ cho tạm ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên trong thời gian 1 năm. Động thái này, theo các nhà phân tích, có thể nảy sinh hàng loạt vấn đề trong mối quan hệ Mỹ – Trung hay Trung – Triều, và mở rộng cuộc đấu tranh giữa các phe phái trong chính quyền Trung Quốc.
Ngày 18/2, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa tuyên bố ngừng nhập khẩu toàn bộ than từ Triều Tiên. Thông tin này đến sau vụ thử nghiệm tên lửa mới của Bình Nhưỡng và vụ ám sát anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam.
Trung Quốc đã ra lệnh cấm nhập khẩu mọi mặt hàng than từ Triều Tiên cho đến ngày 31/12/2017 mà không đưa ra lí do cụ thể nào. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chính trị phán đoán rằng, vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới và việc Triều Tiên bị tình nghi ám sát ông Kim Jong-nam là nguyên nhân đằng sau vụ việc.
Thông tin này đến sau khi vào hôm 15/2, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, khối lượng than trị giá 1 triệu USD của Triều Tiên đã không thể thông quan mặc dù đã đến cảng Wenzhou của Trung Quốc vào hôm 13/2. Lí do Trung Quốc đưa ra lúc đó là hàm lượng thủy ngân trong than đá vượt mức cho phép.
Thoáng nhìn qua, người ta sẽ nghĩ rằng Triều Tiên sẽ bị tác động mạnh bởi lệnh cấm than này của chính quyền Trung Quốc. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho hay, 40% than của Triều Tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên xét kĩ hơn, động thái này cho thấy sự phức tạp hơn thế. Stephan Haggard, giảng viên của Viện Kinh tế Quốc tế Peteson tại Washington DC, đã đăng một bài trên blog viết rằng, việc chính quyền Trung Quốc viện dẫn lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trên thực tế chỉ là “cái cớ”, bởi quy định mà Liên Hợp Quốc đưa ra vẫn cho phép nước này mua bán than với Triều Tiên, do vậy động thái từ Bắc Kinh không đơn giản chỉ là lệnh “cấm than”.
Bởi vì mục tiêu của “lệnh cấm than” là “rõ ràng không phải để hạ bệ chính quyền Triều Tiên”, Haggard tin rằng biện pháp trừng phạt của chính quyền Trung Quốc đang cố ý thúc đẩy Washington đàm phán trực tiếp hay đa phương với Triều Tiên về việc cắt giảm chương trình hạt nhân.
Chen Pokong, nhà phân tích và là tác giả của cuốn sách văn hóa chính trị Trung Quốc, cho rằng động thái của chính quyền Trung Quốc liên quan đến vụ ám sát Kim Jong-nam nhiều hơn là nhằm mục đích vào mối quan hệ Mỹ-Trung.
“Bắc Kinh bị gây phiền hà và trở ngại vì vụ anh trai của [lãnh đạo Triều Tiên] Kim Jong-un bị ám sát”.
Lý Thiên Tiếu, một nhà bình luận chính trị cấp cao của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân tin rằng, việc đình chỉ nhập khẩu than của Triều Tiên cho phép lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình xây dựng một mối quan hệ tốt với chính quyền ông Trump trước khi lãnh đạo hai nước này quyết định gặp nhau. Sau cuộc điện đàm ngày 10/2, Ông Tập và ông Trump đã lên kế hoạch “tổ chức một cuộc gặp mặt sắp tới”, theo Tân Hoa xã.
Ông Lý cũng tin rằng việc đình chỉ nhập than chỉ là một hình thức trả đũa Triều Tiên của ông Tập Cận Bình đối với vấn đề thử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày 12/2 và vụ ám sát ông Kim Jong-nam ngày 13/2. Riêng vụ ám sát Kim Jong-nam là một thách thức trực tiếp đối với lãnh đạo Tập Cận Bình, ông Lý nói.
Có một mối quan hệ đáng chú ý và được ghi nhận giữa phe cánh của ông Giang Trạch Dân và các nhà lãnh đạo của Triều Tiên: Cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang đã đến thăm quốc gia bí ẩn vào năm 2010. Lưu Vân Sơn, một thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị cùng một đồng minh khác của Giang, đến thăm Bình Nhưỡng vào năm 2015.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình, cũng đã không cố gắng hâm nóng mối quan hệ với Triều Tiên kể từ khi nhậm chức vào năm 2012. Tháng 6/2016, ông Tập đã đón phái viên của Triều Tiên, nhưng chưa từng gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Thay vào đó, ông đã có buổi gặp mặt với Tổng thống Hàn Quốc bà Park Geun-hye và phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Hàn Quốc.
Nếu thực sự có một mớ những mối quan hệ lâu dài giữa phe phái của Giang và lãnh đạo của Triều Tiên, cái chết đột ngột của Kim Jong-nam rõ ràng chính là cú đấm móc Tập Cận Bình và hạn chế các chính sách đối ngoại của ông ấy nhằm đối phó với Triều Tiên, Lý Thiên Tiếu nói.
Vụ sát hại diễn ra ngay trong quá trình điều tra tỷ phú người Canada gốc Hoa, Tiêu Kiến Hoa, người tham gia vào hàng loạt vụ rửa tiền cho các lãnh đạo thời đầu Trung Quốc, nổi bật nhất là những người có liên quan đến Giang Trạch Dân.
Theo ông Lý Thiên Tiếu, “lệnh cấm nhập khẩu than của Triều Tiên có liên quan đến cuộc chiến chính trị giữa phe cánh Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân”.
Theo Epoch Times