Vì sao các quốc gia Bắc Âu lại được bình chọn là nơi đáng sống nhất thế giới?
Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018, các quốc gia Bắc Âu gồm Phần Lan, Đan Mạch và Na Uy được xếp hạng là 3 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Điều này không có gì ngạc nhiên vì các quốc gia này vẫn liên tục được xếp đầu trong các nghiên cứu tương tự vài năm qua. Vậy tại sao xã hội Bắc Âu được xem là nơi hạnh phúc và đáng sống nhất?
Có nhiều lý do cho việc này, nhưng dưới đây là 5 lý do tiêu biểu.
Con người nơi đây ăn uống lành mạnh
Người dân ở các nước Bắc Âu ăn uống rất lành mạnh, họ chỉ tiêu thụ một lượng thực phẩm bổ dưỡng vừa phải. Trái với Hoa Kỳ, quốc gia hiện đang nổ ra “dịch ăn vặt”, thì ở những nước Bắc Âu này người ta thường rất ít ăn đồ vặt.
Người sống ở Bắc Âu chủ yếu ăn cá tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu. Họ chuộng hải sản hơn thịt. Thói quen ăn uống trên giúp người dân ở những vùng này phát triển khỏe mạnh và ít mắc bệnh, đặc biệt là những bệnh do chế độ ăn uống kém gây ra.
Ngày nay, “chế độ ăn uống kiểu Bắc Âu” được các chuyên gia thể hình khuyên dùng cho những người muốn giảm cân và sống khỏe mạnh.
Ít tham nhũng
Trong một nghiên cứu năm 2015 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện, các quốc gia Bắc Âu là nơi có ít tham nhũng nhất trên thế giới.
Theo chỉ số Nhận thức Tham nhũng thì Đan Mạch đứng đầu với 91 điểm, Phần Lan và Thụy Điển về nhì với 89 điểm, Hà Lan và Na Uy có mặt ở vị trí thứ tư với 87 điểm.
Ít tham nhũng hơn đồng nghĩa với việc công dân có niềm tin lớn hơn vào các cơ quan chính phủ, và các chương trình do nhà nước điều hành thực sự có lợi cho người dân hơn là các chính trị gia.
Hệ thống giáo dục
Hệ thống giáo dục ở các quốc gia Bắc Âu thuộc hàng đỉnh cao. Không giống như giáo dục Mỹ với nhiều giờ học dài đằng đẵng và hàng tấn bài tập về nhà, các nước Bắc Âu hạn chế tối đa việc cho bài tập về nhà mà tập trung vào một hệ thống giáo dục toàn diện hơn, không dựa hết vào việc học vẹt.
Mục đích của nhiều chính sách giáo dục Bắc Âu là xây dựng tính cách của trẻ em và cung cấp cho chúng kiến thức thực tế để tồn tại trong cuộc sống. Giáo dục, gồm cả hệ đại học, đều được miễn phí ở hầu hết các quốc gia này và trẻ em còn được ăn những bữa ăn miễn phí tại trường.
Cha mẹ được nghỉ phép để chăm sóc con cái
Các quốc gia Bắc Âu không có “phép thai sản dành cho người mẹ”. Thay vào đó, họ tuân theo chính sách “nghỉ phép gia đình”, tức là cả cha và mẹ đều có thể dành thời gian cho con cái.
Việc tiếp xúc với bố ngay từ khi sinh ra sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nuôi nấng con trẻ. Ngược lại, trẻ em Mỹ thường lớn lên cùng mẹ trong khi bố chúng bận rộn với công việc cả ngày. Ở Na Uy, các bậc cha mẹ sẽ được nghỉ phép gia đình tổng cộng 47 tuần và riêng các ông bố được nghỉ ít nhất 14 tuần.
Văn hóa hợp tác
Các lý luận trong thuyết tiến hóa và chủ nghĩa Mác Lê cho rằng thế giới vận hành dựa trên cơ sở “cá lớn nuốt cá bé”, “mạnh được yếu thua”. Lý thuyết này được xem là sự sống còn của những người ích kỷ và bạo lực.
Nhưng ngược lại, các quốc gia Bắc Âu xem trọng vấn đề hợp tác để cùng nhau phát triển hơn. Ở nơi ấy, mọi người cùng giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau đóng góp cho sự thịnh vượng của cộng đồng.
Các mô hình phát triển mới dường như đều hướng đến ý tưởng văn hóa hợp tác, người ta thấy rằng những nhóm người có tinh thần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cao thường có xu hướng vượt trội hơn và thậm chí bỏ xa những nhóm người hay tranh đấu, ích kỷ.
Chia sẻ với trang Science Nordic, Nina Witoszek, tác giả một cuốn sách viết về mô hình xã hội Bắc Âu cho biết: “Các quốc gia Bắc Âu đang là tấm gương về lợi thế cạnh tranh của sự hợp tác”. Và nhìn vào chỉ số hạnh phúc của những nước này, ta biết được rằng Nina Witoszek đã có một nhận định vô cùng chính xác.
Vũ Tuấn
Nguồn: Vision Times
Xem thêm: