Vì sao các danh y cổ đại có thể bắt mạch bằng một sợi tơ?
Trong y học cổ đại, có một loại tuyệt kỹ gọi là “huyền ti bắt mạch”, tức bắt mạch qua một sợi tơ, khiến người ngày nay cảm thấy không thể tưởng tượng nổi. Vậy loại y thuật thần kỳ này có thực sự tồn tại hay không?
Ngoài 72 phép thần thông biến hóa, Tôn Ngộ Không còn có thể “huyền ti bắt mạch”
Mọi người xem trên các bộ phim truyền hình điện ảnh cổ trang, có thể đã từng thấy hình ảnh một vị lang y dùng một sợi tơ để bắt mạch. Ngô Thừa Ân trong “Tây Du Ký”, cũng từng dùng lời lẽ vô cùng kinh ngạc “Huyền ti bắt mạch, bọn ta chưa từng nghe thấy, chưa từng nhìn thấy”, để cho độc giả biết “huyền ti bắt mạch” là hiếm lạ đến mức nào. Sau đó miêu tả Tôn Ngộ Không lén nhổ lấy 3 sợi lông biến thành 3 sợi kim tuyến dài hơn 24 thước bắt mạch và khám bệnh cho quốc vương Chu Tử:
“Tôn Hành Giả cùng vị thái giám, đi vào trong hoàng cung, đến ngoài cửa tẩm cung thì dừng lại, đem 3 sợi kim tuyến cho thái giám cầm vào bên trong, dặn đem vào buộc vào tay trái của vua, một sợi ngay bộ thốn, một sợi ngay bộ quan, một sợi ngay bộ xích, rồi trao 3 mối chỉ ra ngoài.
Tôn Hành Giả để 3 đầu kim tuyến trên 3 ngón tay trái, lấy 3 ngón tay phải đè lên 3 mối kim tuyến mà coi mạch…”. Cuối cùng, Tôn Ngộ Không không hổ danh là Tề Thiên Đại Thánh, dễ dàng chẩn đoán bệnh của quốc vương Chu Tử là chứng “song điểu thất quần”.
Mặc dù nói “Tây Du Ký” là tiểu thuyết về các điển cố thần tiên ma quái, tuy nhiên Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không thông thạo 72 phép thần thông biến hóa vốn không phải là hư danh. Cũng từ đó để biết rằng, không phải ai cũng đều biết sử dụng “huyền ti bắt mạch”, có thể dùng nó để phán đoán bệnh tật, thì chứng tỏ y thuật của vị đó cao đến cỡ nào.
“Huyền ti bắt mạch” trong truyền thuyết
Tương truyền rằng, “huyền ti bắt mạch” bắt nguồn từ cung đình. Bởi vì lễ nghi thời cổ đại là nam nữ thụ thụ bất thân, cho dù là thầy thuốc khám chữa bệnh cho người bệnh, thì cũng phải tuân thủ quy tắc này. Mà lễ nghi trong hoàng cung đương nhiên lại càng thêm nghiêm ngặt, tuyệt đối không thể đảo loạn cung đình. Vậy nên, ngự y trị bệnh cho hậu cung nương nương hoặc công chúa thì sẽ buộc một sợi tơ trên cổ tay của nàng, còn bản thân mình thì cầm một đầu sợi tơ để tiến hành chẩn đoán bệnh. Hơn nữa, ngự y có thể phải ngồi ở một phòng khác hoặc nếu ngồi cùng phòng thì sẽ cách một tấm rèm che, dùng sợi tơ để phán đoán bệnh tình, tiếp đó kê đơn thuốc. Đây chính cách bắt mạch đoán bệnh mà người ta gọi là “huyền ti bắt mạch”.
Tương truyền rằng, Tôn Tư Mạc cũng từng dùng phương thức “huyền ti bắt mạch” để khám chữa bệnh cho hoàng hậu bởi bà mang thai mãi mà không sinh được. Nhưng mà, thái giám cố ý kiểm tra Tôn Tư Mạc, xem xem y thuật của ông có thật sự lợi hại như lời đồn đại hay không, nên đã lén đem sợi tơ cột vào chân một con vẹt.
Không ngờ rằng, Tôn Tư Mạc lập tức biết ở đầu sợi tơ bên kia thực sự không phải là mạch người. Vị thái giám lắp bắp kinh hãi, vội vàng đem sợi tơ cột vào cổ tay hoàng hậu. Tôn Tư Mạc dễ dàng chẩn đoán được nguyên nhân hoàng hậu chậm sinh, sau đó kê một phương thuốc. Sau khi hoàng hậu uống, liền sinh nở dễ dàng, sinh hạ được một hoàng tử. Các ngự y trong cung nghĩ hoài không ra, không biết Tôn Tư Mạc vì sao có thể dựa vào “huyền ti bắt mạch” để bắt đúng bệnh mà kê thuốc. Tuy vậy, trước sự truy vấn của mọi người, Tôn Tư Mạc chỉ cười một tiếng mà không nói gì.
Tôn Tư Mạc vốn y thuật cao siêu, bởi vậy tuyệt đối không cần phải hoài nghi, nếu có hoài nghi mà kiểm tra thì kết quả cũng sẽ đúng. Nhưng lại nói một ví dụ khác kể rằng, một vị ngự y gặp phải sự kiểm chứng của hoàng đế, suýt nữa thì bại lộ bí mật.
Càn Long có một ngày truyền ngự y vào xem bệnh, ngự y sau khi “huyền ti bắt mạch”, vì để được lòng vua, bèn hoan hỉ chúc mừng Càn Long, nói phi tần có thai, là mạch báo tin vui. Nào ngờ, Càn Long không tin, nói rằng với một sợi tơ làm sao có thể đoán biết được, ngự y vội vàng nói lời thề thốt chắc chắn rằng mình không hề đoán sai.
Sau đó để rõ ràng, Càn Long lệnh cho thái giám dẫn ngự y đi nhìn đầu sợi dây tơ bên kia, hóa ra sợi tơ được buộc vào một cái ghế. Vị ngự y sợ hãi đến thiếu chút nữa thì ngất đi. May mắn là, hắn cũng nhanh trí, nói rằng bên trong ắt có huyền cơ. Sau khi thái giám bổ chiếc ghế ra, mới phát hiện bên trong có mấy con mọt. Lúc này ngự y vội vàng biện luận, nói chiếc ghế này đại biểu cho việc mang thai, là hỉ mạch. Càn Long lúc ấy mới gật đầu thấy có lý, lệnh cho ngự y đi coi bệnh cho công chúa đang bị bệnh. Sự cố chiếc ghế tuy rằng đã êm xuôi, nhưng vị ngự y đã có một phen sợ đến tái mặt, run rẩy không thôi.
“Huyền ti bắt mạch” có thể tin?
Trong lịch sử thực sự có loại y thuật thần kỳ như “huyền ti bắt mạch” sao? Rất nhiều người đã tỏ ra ngờ vực.
Theo “Cổ đại y học tuyệt kỹ: Huyền ti bắt mạch” có viết rằng, “Huyền ti bắt mạch” chính là Chướng nhãn pháp, tức là thủ thuật che mắt người khác. Các vị danh y xưa đều không phải là dựa vào sợi tơ mỏng manh kia để chẩn đoán bệnh, mà thực tế là đã dựa vào Thiên mục của bản thân mình.
Những danh y thời cổ đại có thể “huyền ti bắt mạch” đều là những người có đạo đức cự kỳ cao, còn có Thiên mục, có công năng thấu thị; ví dụ như Tôn Tư Mạc đã kể ở trên, còn có Biển Thước, Hoa Đà xem bệnh cho tào Tháo…. Chỉ là những vị thần y này đã sử dụng phương thức chẩn đoán bệnh như vậy để người bình thường có thể tiếp nhận được. Nếu không, người bình thường sẽ nhận ra vị thầy thuốc đã sử dụng thiên mục để nhìn ra chỗ có bệnh.
Bởi vậy có thể thấy rằng, “huyền ti bắt mạch” là những điều thần kỳ mà con người không nhìn thấy được. Nhiều người vẫn cho rằng y học cổ đại là lạc hậu, không bằng công nghệ chữa bệnh hiện đại ngày này. Chúng ta cần phải thay đổi loại quan niệm này. Bởi, bạn hãy thử nghĩ xem: Chỉ bằng một sợi tơ nhỏ, mà các danh y thời cổ đại có thể đoán đúng bệnh; chẳng phải còn thuận tiện hơn những thiết bị khám chữa bệnh hiện đại cồng kềnh của ngày nay hay sao?
Bảo An, theo kannewyork.com