Vì sao Bhutan dù chỉ xếp thứ 84, nhưng vẫn luôn được coi là quốc gia hạnh phúc nhất?
Trong danh sách những quốc gia hạnh phúc nhất do Liên Hợp Quốc xếp hạng, thì đất nước Bhutan xếp thứ 84. Thế nhưng, vì sao rất nhiều người đều coi Buhtan mới là quốc gia hạnh phúc nhất?
Nhiều người có thể không biết Bhutan nằm ở đâu, người dân ở đó như thế nào. Nhưng có lẽ, đa phần đều biết đến quốc gia này với danh hiệu: Đất nước hạnh phúc nhất thế giới.
Tuy nhiên sự thật là nếu tính trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc của Liên hợp Quốc (UN – LHQ), Bhutan chưa bao giờ đứng đầu, thậm chí lọt vào top 10. Theo bảng xếp hạng gần nhất là năm 2016, quốc gia đứng đầu về độ hạnh phúc là Đan Mạch, kế đó là Thụy Sĩ – quán quân 2015.
Còn Bhutan đứng ở đâu? Câu trả lời là thứ 84!
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 ra đời là do đề xuất của thủ tướng Bhutan lên UN vào năm 2012. Quốc gia này thậm chí là nơi đầu tiên khai sinh ra chỉ số GNH (Gross National Happiness – chỉ số hạnh phúc quốc gia). Vậy phải chăng, thứ hạng này có gì đó không đúng?
Có thể Bhutan không đứng đầu, nhưng đó vẫn là đất nước hạnh phúc đỉnh cao
Bảng xếp hạng khảo sát của UN vốn dựa trên 7 tiêu chí: những người sống tại các đất nước hạnh phúc cần có tuổi thọ cao hơn, phúc lợi xã hội tốt hơn, tự do quyết định cuộc sống, tỉ lệ tham nhũng thấp hơn, người dân hào phóng hơn, GDP cao và mức độ bất bình đẳng thấp. Dựa trên tiêu chuẩn này, Đan Mạch chính là nước đứng đầu.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với bảng xếp hạng do Liên Hợp Quốc đưa ra, và cho rằng tiêu chuẩn này quá nghiêng về văn hóa Tây Âu.
Trên thực tế, hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng, phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần và kỳ vọng của con người, nên việc so sánh không phải là điều dễ dàng. Trong bảng xếp hạng của Liên Hợp Quốc, các chuyên gia đã đưa vào khá nhiều biến số, nhưng về vấn đề văn hóa thì không.
Về thứ hạng của Bhutan, không phủ nhận rằng có vẻ như độ “hạnh phúc” của quốc gia này đã bị thổi phồng quá mức. Thế nhưng cần biết rằng với một quốc gia Phật giáo tại Nam Á, Bhutan rõ ràng có một nền văn hóa khác biệt so với Tây Âu. Tiêu chuẩn hạnh phúc của một người sống tại Bhutan vì thế sẽ khác so với người ở Đan Mạch, ở Mỹ, hay thậm chí là những quốc gia khác trong cùng châu lục.
Người Bhutan, dưới góc nhìn của khách du lịch, thì rất giản dị. Họ tập trung vào những việc thường ngày, không nề hà làm việc tốt để “tích đức”. Với người dân nơi đây, hạnh phúc là sự giác ngộ trong tâm hồn, không nằm ở những “thỏa mãn” về vật chất. Và có lẽ cũng vì vậy, tỉ lệ phạm tội ở Bhutan luôn nằm ở nhóm thấp nhất thế giới.
Ngoài ra, trong nghiên cứu của UN cũng đồng thời chỉ ra rằng ở những quốc gia có mức độ bất bình đẳng về tài sản thấp, người dân sẽ hạnh phúc hơn. Và với tiêu chí này, Bhutan vượt lên tất cả, chính là đất nước đứng thứ nhất về chỉ số bình đẳng hạnh phúc.
Hơn nữa xét trên về chỉ số Hạnh phúc quốc gia GNH, đây là một chỉ số do chính Bhutan đề ra vào thập niên 70. Quan điểm của đức vua Bhutan – Jigme Singye Wangchuck đưa ra là một xã hội không cần quá ưu tiên cho phát triển kinh tế, vì điều đó sẽ làm xấu đi bản chất của con người. Yếu tố này, nếu so với tiêu chí bình đẳng hạnh phúc trong nghiên cứu của UN thì hoàn toàn phù hợp.
Cũng cần để ý đến rằng, những quan điểm trên không có nghĩa Bhutan là một đất nước nghèo. Họ chỉ không có tiềm lực kinh tế mạnh như nhiều quốc gia khác, nhưng tốc độ phát triển GDP của Bhutan vẫn đang ngày một tăng nhanh.
Tóm lại, dẫu cho con số thống kê ở một thứ hạng không cao, nhưng bản thân Bhutan vẫn đang là quốc gia hàng đầu về mức độ hạnh phúc. Khác biệt chỉ nằm ở cách chúng ta nhìn nhận hạnh phúc như thế nào mà thôi.
Theo Kenh14