Về một đề thi HSG văn, và cái vô nghĩa của văn nhà trường với cuộc sống
Một đề văn cho học sinh giỏi cấp III mà ngỡ như là đề tài dành cho những triết học gia tầm cỡ mà Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đang tìm cầu.
Một bạn đồng nghiệp dạy chuyên vừa gửi cho mình cái đề thi học sinh giỏi tỉnh nơi bạn ấy đang công tác. Cả hai câu đều đáng bàn, nhưng chỉ xin nói về câu 2 (Nghị luận văn học).
Đề như sau: Trả lời câu hỏi “Viết để làm gì ?” Sartre cho rằng: Tác giả viết để mời gọi tự do của người đọc và anh trưng tập cho tác phẩm của mình hiện tồn. Nhưng anh không chỉ dừng lại ở đó, anh còn đòi người đọc trả lại cho anh niềm tin mà anh đã cho họ, đòi họ công nhận sự tự do sáng tạo của anh và đến lượt họ khêu gợi nó dậy bằng một tiếng gọi đối xứng và đảo nghịch”, (Dẫn theo Cao Thị Hồng – Văn học từ những góc nhìn – NXB ĐHQGHN 2018 – tr239). Bằng hiểu biết văn học của mình, anh / chị hãy bình luận ý kiến trên.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là… quá khó. Khó vì nhiều nhẽ: có những từ rất lạ lẫm với ngay cả chính tôi (trưng tập), cách dùng lạ (khêu gợi, đối xứng, đảo nghịch), đấy là chưa kể đến từ “hiện tồn”. Cái khó thứ hai là bản thân nhận định này của Sartre, ông là một nhà triết học, bàn về văn học trên tinh thần của triết học; câu văn lại quá dài và có nhiều vế, khiến thí sinh khó mà lần ra trọng tâm của vấn đề. Đề yêu cầu “Bình luận ý kiến của Sartre”, nhưng một khi chưa hiểu được ý kiến của tác giả thì làm sao để bình luận. Mà tôi dám chắc, đa số thi sinh sẽ không thể hiểu được, nhất là khi nền tảng tri thức về triết học và văn học của hs phổ thông VN còn quá thấp. Mà không chỉ hs đâu, mấy câu trên được trích trong cuốn “Văn học là gì” của Sartre (Nguyên Ngọc dịch), một cuốn sách không dễ đọc với hầu hết giáo viên phổ thông. Ai tự tin hiểu điều Sartre viết trong cuốn sách này, xin giơ tay giúp!
Trích vài câu văn trong một cuốn sách lớn, mà nhiều khi còn chưa hiểu cuốn ấy nói gì, rồi mang ra để làm đề thi cho những học sinh phổ thông, đó là cái tệ lậu đã tồn tại quá lâu trong thi cử của môn văn nhà trường VN.
Nói riêng với các nhà chuyên môn: Ai có đủ dũng khí để chỉ quy nhận định trên của Sartre chỉ vào vấn đề của Lý thuyết tiếp nhận? Nó không giản đơn là câu chuyện của Tiếp nhận văn học đâu. Đó là câu chuyện của triết học về Tự Do. Làm sao để học sinh việt Nam “muôn thuở vợ chồng A Phủ” có thể bàn về một vấn đề như thế?
Đề văn cần trong sáng, tường minh, gắn văn học với cuộc sống. Không thể bắt người học phải vượt qua “tường lửa ngôn ngữ” với bao nhiêu cạm bẫy chết người như thế này chỉ để hiểu được cái ý mà câu nói muốn truyền tải. Đó là một sự “đánh bẫy” trong thi cử. Cái anh cần kiểm tra là quan điểm, là nhìn nhận, là kiến giải của người học (thi) chứ không phải đánh đố họ bằng một lối ngôn ngữ xa lạ với lứa tuổi và nhận thức của họ.
Cái thứ văn chương tầm chương trích cú này cần phải bị tống tiễn ra khỏi nhà trường; loại sính chữ mà rỗng ruột này lại càng phải nhanh chóng quay lưng. Văn học vốn là cuộc sống, hãy đưa nó về cuộc sống. Cái nỗ lực của Sartre cũng chỉ là một cố gắng để nối kết văn học với con người và đời người mà thôi. Đừng làm mãi cái việc vô ích mà tổn hại thanh xuân của bao người khi cố tách nó ra khỏi cội nguồn cuộc sống bằng một lối “tháp ngà” lòe loẹt như đang vẫn…
Nếu có thể, hãy làm một công việc nền tảng, trang bị cho giáo viên và học sinh những tư tưởng căn bản bằng những sách vở kinh điển (không quá nhiều đâu) rồi hãy ra đề theo kiểu “cao siêu” này. Mà tôi nghĩ, một nền giáo dục đúng hướng dứt khoát phải làm cái công việc có tính căn cơ này: tiếp thu tinh hoa và các giá trị phổ quát của nhân loại.
Theo Thái Hạo