Văn hóa 5.000 năm Trung Hoa: Bên đập bên xây
Năm 1967, trong khi những di sản văn hóa hàng ngàn năm đang bị hủy hoại bởi cuộc “Cách mạng Văn hóa” tại Trung Quốc thì ở Đài Loan, nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch lại bắt đầu phong trào phục hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa, mang lại ảnh hưởng sâu rộng cho đến tận ngày nay.
Văn hóa là linh hồn của một dân tộc. Đối với nhân loại yếu tố tinh thần này cũng quan trọng không kém yếu tố vật chất như giống nòi và đất đai. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có nền văn minh cổ với nhiều tinh hoa văn hóa liên tục trải qua trên 5.000 năm.
Năm 1966, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – Mao Trạch Đông đã phát động “Cách mạng Văn hóa”. Cuộc “Cách mạng” kéo dài 10 năm đã phá hoại nặng nề không chỉ các di tích văn hóa, di tích lịch sử và sách cổ mà còn cả những giá trị vô hình như quan điểm truyền thống về đạo đức, cuộc sống và thế giới liên quan đến tất cả các khía cạnh đời sống nhân dân.
Cùng một lúc tiêu diệt ‘Tam Giáo’
Từ tháng 8/1966, ngọn lửa của “Phá Tứ Cựu” – phá bỏ quan niệm, văn hóa, phong tục và thói quen cũ đã cháy trên toàn bộ vùng đất Trung Quốc. Những thứ bị xem là thuộc “chế độ phong kiến, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xét lại”, các đền chùa Phật giáo, Đạo giáo, các tượng Phật, danh thắng cổ tích, tranh thư pháp, hội họa và các tác phẩm mỹ thuật cổ đã trở thành những mục tiêu phá hủy của Hồng quân.
Phá hoại văn vật
Hủy hoại các di tích văn hóa là một phần quan trọng trong sự phá hoại văn hóa truyền thống của ĐCSTQ. Trong chiến dịch “Phá Tứ Cựu”, nhiều cuốn sách độc nhất, tranh thư pháp, và bức họa được sưu tập bởi những người trí thức đã bị đốt trong lửa hoặc cắt vụn thành bột giấy.
Sự phá hủy các niềm tin tinh thần
Bên cạnh sự phá hủy các hình thái vật chất của tôn giáo và văn hóa, ĐCSTQ cũng sử dụng khả năng lớn nhất của mình để phá hủy các đặc tính tinh thần được tạo ra bởi tín ngưỡng và văn hóa.
ĐCSTQ xem các truyền thống của những người theo đạo Hồi là một trong “Tứ Cựu”, họ bắt những người theo đạo Hồi phải ăn thịt. Hồng vệ binh còn ép cả Đức Đệ Nhị Đại Hoạt Phật, Lạt Ma Ban Thiền phải ăn phân người. Họ đã bắt ba thầy tu từ chùa Cấp Lạc ở thành phố Cáp Nhĩ Tân phải dương một tấm bảng biểu ngữ viết, “Địa ngục với kinh – chỉ toàn là đồ bỏ đi”. Hay những hành động “Phê bình Khổng Tử”… Theo cách này, sự cảm nhận thần thánh trang nghiêm của tôn giáo và văn hóa đã bị phá hủy trầm trọng.
Cải tạo trí thức
Vào tháng 9/1951, ĐCSTQ khởi xướng cuộc “vận động cải tạo tư tưởng” trên diện rộng bắt đầu với những phần tử trí thức tại trường Đại Học Tổng Hợp Bắc Kinh, và yêu cầu “tổ chức một phong trào (giữa các giáo viên trong các trường đại học, trung học và tiểu học, và giữa các sinh viên đại học) thú nhận lịch sử của họ một cách trung thành và thành thực, để thanh lý các phần tử phản cách mạng”.
Những chính sách của ông Mao Trạch Đông đã làm những trí thức Quốc Dân đảng ở eo biển bên kia cảm thấy xót xa.
Vào ngày kỷ niệm Cách mạng Tân Hợi, ông Tưởng Giới Thạch đã xuất bản sách “Nói với đồng bào cả nước”. Tháng 11/1966, 1.500 người đã ký vào bức thư chung gửi Viện Hành chính, kiến nghị “Phong trào phục hưng văn hóa Trung Hoa”. Ý tưởng này đã được ông Tưởng Giới Thạch biểu dương.
Ngày 28/7/1967, chính quyền Đài Loan tổ chức Ủy ban Thúc đẩy phong trào phục hưng văn hóa Trung Hoa (sau đổi thành Tổng hội Phục hưng Văn hóa Trung Hoa), ông Tưởng Giới Thạch làm Hội trưởng.
Mục đích của phong trào này nhằm xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, những giá trị như trung, hiếu, nhân, ái, tín, nghĩa, hòa, bình; trong đó nền tảng triết học quan trọng nhất là chữ “nhân”.
Dưới chỉ đạo của ông Tưởng Giới Thạch, Ủy ban đã xây dựng nhiều cơ quan chuyên môn, trong đó quan trọng nhất là Hội đồng Xúc tiến xuất bản học thuật để chỉnh lý xuất bản những sách tư tưởng cổ đại giúp thế hệ trẻ được đọc những tư tưởng tinh hoa, chương trình đã cho ra đời nhiều sách cổ Trung Quốc, tiêu biểu như “Chu dịch”, “Lão tử”, “Kinh Thi”, “Mạnh tử”, “Bạch thoại sử ký”, “Bạch thoại tự trị thông giám”…
Ăn, mặc, ở, đi lại
Ủy ban đề ra khẩu hiệu “Văn hóa là biểu trưng của cuộc sống, là luân lý kỷ cương để phát dương đạo đức nhằm dẫn dắt quốc dân, giúp mọi người biết lập thân xử thế, hiểu đạo lý làm việc vì người, cư xử với con người và hiểu sự vật. Văn hóa để đưa luân lý đạo đức vào cuộc sống thường ngày của quốc dân, để xác lập quy tắc ứng xử và chung sống giữa người với người, không để mọi việc đi quá giới hạn cho phép”.
Ủy ban còn ban hành “Quốc dân cuộc sống cần biết”, trong đó có những quy tắc cụ thể về ăn, mặc, ở, đi lại, vui chơi giải trí,… theo tinh thần khơi dậy văn minh và lễ nghĩa làm nguyên tắc sống.
Giáo dục
Tưởng Giới Thạch đặc biệt xem trọng giáo dục lịch sử và quốc ngữ, nhà trường đặc biệt xem trọng chính sách “giáo dục quốc dân” và “giáo dục đạo đức”. Tưởng Giới Thạch yêu cầu: Quốc văn là nền tảng văn hóa quốc gia, học trò dù theo đuổi khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên cũng đều phải chú ý.
Tưởng Giới Thạch chống lại cách phá hủy học thuyết Khổng tử của ĐCSTQ, vì thế đã cho thành lập “Học hội Khổng Mạnh” để thực hiện sứ mạng bảo vệ học thuyết Khổng tử ở Đài Loan, lấy phục hưng văn hóa Trung Hoa làm mục đích của giáo dục, cho thành lập Đại học Văn hóa Trung Quốc để đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển văn hóa Trung Hoa.
Văn nghệ
Hoàn toàn khác với cách làm phá hoại văn hóa truyền thống, Tưởng Giới Thạch cho thành lập Quỹ Văn nghệ Quốc gia và Tổ chức Trung tâm Văn hóa từ Trung ương đến các địa phương, tổ chức tọa đàm văn nghệ trong giới văn nghệ toàn quốc, tổ chức các loại hình hoạt động văn nghệ như triển lãm thư họa, diễn hí kịch, múa, diễn tấu âm nhạc… theo tôn chỉ cải tiến và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống. Cho xuất bản Lịch sử văn nghệ Trung Hoa, sửa chữa lại sai lầm trước hành vi phá hủy nền văn nghệ truyền thống của ĐCSTQ.
Nhờ nỗ lực của Tưởng Giới Thạch, văn hóa truyền thống Trung Quốc được lưu giữ rất tốt tại Đài Loan, giúp cho văn hóa Đài Loan có sức hấp dẫn, đến nay trở thành vùng đất đặc biệt được người Trung Quốc Đại Lục yêu thích.
Tổng hợp theo Đại Kỷ Nguyên