Vải thiều để gần 3 tháng vẫn tươi ngon
(TNO) Công nghệ CAS bảo quản vải thiều của Nhật Bản nếu được các doanh nghiệp áp dụng rộng rãi thì người tiêu dùng có thể thưởng thức loại quả này quanh năm, không còn phụ thuộc vào mùa vụ.
Lô vải thiều được bảo quản bằng giới thiệu tại hội nghị tổng kết mùa vụ tiêu thụ diễn ra tại Bắc Giang ngày 14.8 khiến nhiều người ngạc nhiên.
Quả vải đông lạnh sau khi để ra môi trường bình thường, lớp đá mỏng bọc quanh bắt đầu tan dần, lộ ra lớp vỏ tươi sáng. Khi bóc, vỏ vải vẫn có độ giòn róc như quả tươi hái từ trên cây.
Vải thiều được lấy ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) từ tháng 6, dù trải qua gần 3 tháng bảo quản đông lạnh nhưng cùi vải vẫn giữ được độ dẻo, bóc róc tay, mọng nước. Khi ăn, cùi vải vẫn có độ ngọt sắc, thơm như khi ăn quả tươi.
Dự án nghiên cứu quy trình bảo quản vải thiều bằng công nghệ CAS do Viện nghiên cứu Phát triển vùng, Bộ Khoa học – Công nghệ trực tiếp triển khai.
Một lãnh đạo của Viện nghiên cứu Phát triển vùng cho biết, các nhà khoa học Việt Nam đã bước đầu thành công trong xây dựng hoàn thiện quy trình bảo quản vải thiều bằng công nghệ do chuyển giao, hỗ trợ nghiên cứu. Năm 2014, quy trình này đã bảo quản thành công 10 tấn vải thiều để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Trong mùa vải năm 2015, Viện nghiên cứu Phát triển vùng đã thử nghiệm bảo quản 20 tấn vải thiều tươi. Ngoài xuất khẩu sang Nhật Bản, một phần số vải bảo quản thành công được gửi đi chào hàng tại thị trường Đức, Pháp và một số quốc gia châu Âu.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, ngoài mục tiêu xuất khẩu, công nghệ CAS sẽ là giải pháp kéo dài mùa vụ tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước. Dự kiến trong năm tới, công nghệ này sẽ được chuyển giao cho một số doanh nghiệp để ứng dụng trên diện rộng.
Giải thích vì sao quả vải vẫn tươi ngon, lãnh đạo Viện nghiên cứu Phát triển vùng, cho biết vải được bảo quản bằng công nghệ đông lạnh tươi. Khi chiếu xạ ở một môi trường nhất định, các tế bào quả vải được bảo vệ hoàn toàn. Sau khi thời gian rã đông, nghĩa là để ra ngoài điều kiện môi trường không khí bình thường, quả vải “hồi sinh” về màu sắc, chất lượng gần như vải tươi.
Qua thống kê, sản lượng vải thiều của Bắc Giang năm 2015 đạt 195.000 tấn, có tổng doanh thu khoảng 2.900 tỉ đồng. Giá bán bình quân vải thiều năm nay đạt mức giá 15.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông Trần Quang Tấn cho biết, bình quân một kg vải tăng lên 1.000 đồng, người dân trồng vải ở địa phương này sẽ có thêm 118 tỉ đồng. Theo ông Tấn, nếu công nghệ CAS được ứng dụng rộng rãi trong bảo quản vải thiều thì giá trị quả vải sẽ tăng cao. Cũng theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, trong tương lai nếu bảo quản được trong vòng 40 ngày, vải thiều Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận ở thị trường châu Âu.
Phan Hậu |
Theo Thanh Niên