Vách đá bao năm “đẻ trứng” ở Trung Quốc khiến các nhà khoa học đau đầu
Một vách đá ở Trung Quốc cứ 30 năm lại “đẻ” ra những viên đá tròn nhẵn như quả trứng khiến các nhà khoa học không khỏi ‘đau đầu’. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng vẫn chưa thể đi đến kết luận cuối cùng về vách đá bí ẩn này.
Vách đá kỳ lạ này mang tên Chan Dan Ya (Sản Đản Nhai), nghĩa là “vách đá đẻ trứng”, nằm ở khu vực phía đông nam ngôi làng Gulu Zhai, thuộc tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Đây cũng là nơi sinh sống của người dân tộc Shui, họ đã cư trú tại đây khoảng 1000 năm nay.
Vách đá “đẻ trứng” này là một khu vực kỳ lạ, dài khoảng 20m, rộng khoảng 6m, nằm trên một ngọn núi trong làng. Cứ khoảng 30 năm một lần, ở những vị trí lồi lên lại “đẻ” ra một quả trứng hình tròn hoặc hình bầu dục.
Những quả trứng đá có bề mặt nhẵn thín, đường kính từ 30-60cm, quả nặng nhất lên đến tận 300kg. Nhìn gần, những quả trứng đá này có màu xanh dương đậm, trông khá giống trứng khủng long. Người dân làng Gulu Zhai đã rất bối rối khi phát hiện những viên đá tròn nhẵn hoàn hảo này.
Từ lâu, người dân ở đây tin rằng những quả trứng này sẽ mang lại may mắn. Khoảng hơn 100 gia đình sống trong làng đã thu thập tổng cộng hơn 100 quả trứng đá. Đây có thể là một phần nguyên nhân tại sao tại vách đá hiện nay, chỉ còn khoảng 70 quả. Người làng tin rằng, trứng đá sẽ mang tới may mắn trong cuộc sống, giúp các cặp tân lang tân nương sớm sinh quý tử.
Những “quả trứng đá” này được hình thành như thế nào?
Tồn tại trong nhiều thập kỷ, hiện tượng vách đá Chan Dan Ya “đẻ trứng” đã thu hút được đông đảo sự chú ý của giới khoa học và khiến họ phải đau đầu. Các nhà địa chất học ở Trung Quốc đã đến tận nơi để nghiên cứu, và đưa ra một số giả thuyết về sự hình thành của những quả trứng đá này. Tuy nhiên, tới nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Theo TS Wang Shangyan thuộc Cục Thăm dò Địa chất và Phát triển Khoáng sản tỉnh Quý Châu, những “quả trứng đá” được hình thành từ các phân tử canxi cacbonat ở vùng biển sâu vào khoảng 500 triệu năm trước trong kỷ Cambri.
Qua hàng chục triệu năm, các đại lục dâng lên chìm xuống, biển trở thành đất liền, và đất liền trở thành biển. Những vùng biển sâu đã trồi lên mặt nước, vươn cao để trở thành những ngọn núi, bên trong chứa những quả trứng đá này.
Trên cao nguyên, đồi núi có thành phần cấu tạo chủ yếu từ đá bùn, đá bùn bị mài mòn và phong hóa nhanh hơn rất nhiều so với những quả trứng đá, khi sườn núi bị bào mòn sâu vào bên trong thì những quả trứng đá lộ ra ngoài. Điều này qua vài chục năm sẽ khiến người ta có cảm giác rằng vách đá “đẻ ra” các quả trứng vậy.
Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của Giáo sư Xu Ronghua đến từ Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Giáo sư Xu, quả trứng đá có chất liệu chính là silicon điôxit, không phải canxi cacbonat.
Về nguyên nhân tạo nên hình dáng tròn trịa của quả trứng, GS Xu cũng cho hay: “Hình cầu là hình có diện tích bề mặt nhỏ nhất so với các dạng hình học khác có cùng thể tích. Do đó, các phân tử sẽ dễ dàng tạo nên dạng hình cầu hơn so với các dạng hình học khác”.
Ngoài ra, nước chảy mài mòn quanh năm cũng có thể là một nguyên nhân khiến các khối đá có hình tròn.
Theo ĐKN