USD tăng giá, kẻ được người mất
TT – Trong khi DN xuất khẩu VN lo lắng, các nhà nhập khẩu lại ủng hộ việc ổn định tỉ giá VND/USD hiện nay. Ổn định tỉ giá vẫn là ưu tiên số 1 .
Dù tỉ giá VND/USD đang chịu áp lực lớn do hàng loạt đồng tiền tại các thị trường xuất khẩu chính của VN đều sụt giảm so với đồng USD, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng việc giữ ổn định tỉ giá vẫn là ưu tiên số 1 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Theo các chuyên gia, trong khi hoạt động xuất khẩu VN gặp khó khăn nhất định, các nhà nhập khẩu đang được hưởng lợi và người tiêu dùng có thể mua được hàng giá rẻ, nhờ hàng nhập khẩu từ các nước (trừ Mỹ) có giá rẻ hơn. Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi? Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết từ hơn tháng nay, hai nhóm hàng mà siêu thị nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu là bánh kẹo và hàng gia dụng đã được điều chỉnh giảm nhẹ nhờ đồng euro giảm. “Bánh kẹo nhập từ Tây Ban Nha, nhựa gia dụng nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ tất cả đều được thanh toán bằng đồng euro nên siêu thị cũng giảm giá theo tỉ lệ giảm giá của đồng euro với đồng VN. Với một số mặt hàng đã nhập khẩu trước đó, siêu thị chọn hình thức giảm giá thông qua các chương trình khuyến mãi” – bà Thảo cho biết. Đại diện hệ thống siêu thị đồng giá Daiso, cửa hàng bán lẻ hàng Nhật Bản cho biết đồng yen Nhật giảm giá liên tục so với đồng VN đã giúp việc nhập khẩu hàng hóa của công ty “dễ thở” hơn. “90% hàng hóa của siêu thị được nhập khẩu từ Nhật đều được thiết kế để bán đồng giá, đồng yen giảm, việc lựa chọn mặt hàng nhập về dễ dàng và thoải mái hơn, đa dạng hơn” – vị này cho biết. Theo các nhà nhập khẩu, trước đây tỉ giá quy đổi 200 đồng/yen nhưng hiện còn khoảng 180 đồng/yen nên với đơn hàng lớn, doanh nghiệp nhập khẩu có thể bỏ túi một khoản kha khá. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, phần lời này được dùng để bù các chi phí bán hàng, mặt bằng, điện nước… chứ người kinh doanh không hưởng trọn. Vì vậy trong ngắn hạn, dù đồng yen có giảm thêm cũng khó có điều chỉnh giá. Chủ một cửa hàng thực phẩm ngoại nhập trên đường Hai Bà Trưng, Q.3 cho biết các loại phô mai, rượu, thực phẩm đóng hộp có giảm giá thông qua chương trình khuyến mãi. “Đồng euro giảm giá tạo điều kiện cho cửa hàng mạnh dạn khuyến mãi 5-10% tùy mặt hàng, chứ chúng tôi chưa đủ mạnh dạn giảm giá ngay” – bà này cho biết. Theo ông Cao Tiến Vị – tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn (SGP), việc tỉ giá đồng USD tăng mạnh so với các đồng ngoại tệ khác sẽ ảnh hưởng không nhiều đến khối doanh nghiệp sản xuất nếu tỉ giá VND/USD tiếp tục được ổn định. Theo ông Vị, dù phải nhập khẩu nguyên liệu giấy các loại từ nhiều thị trường khác nhau, từ Nhật, Mỹ cho đến cả EU, nhưng đồng tiền dùng thanh toán vẫn được phía đối tác đồng ý giao dịch bằng đồng USD. Với lượng nguyên liệu cần nhập khẩu của năm 2015 ước khoảng 25 triệu USD, ông Vị cho rằng nếu ngay tại thời điểm thanh toán mà giá USD được điều chỉnh tăng thêm, doanh nghiệp chắc chắn sẽ phải bù lỗ. “Nên việc ổn định tỉ giá tại thời điểm này là hết sức quan trọng đối với chiến lược bán hàng và sản xuất của doanh nghiệp” – ông Vị nói. Nhà nhập khẩu phải chủ động ứng phó “Không chỉ VN, ngay cả Mỹ cũng gặp khó do đồng USD tăng giá. Tuy nhiên nếu tăng tỉ giá, VN sẽ khó khăn nhiều hơn vì dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời gây áp lực phải điều chỉnh giá xăng dầu và nhiều mặt hàng khác. Cân nhắc giữa các yếu tố đó, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn được ưu tiên nhiều hơn” – PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, nói. Theo ông Ngân, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã cam kết tăng tỉ giá không quá 2% trong năm nay, nên doanh nghiệp cứ theo đó mà tính toán phương án kinh doanh, xây dựng những biện pháp để hạn chế rủi ro tỉ giá trên thị trường. TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng những biến động vừa qua là bài học cho các doanh nghiệp. Trong điều kiện cạnh tranh hiện nay có rất nhiều bất trắc, trong đó bất trắc về tỉ giá xảy ra liên tục buộc các doanh nghiệp phải chủ động quản trị rủi ro. Bên cạnh đó phải có các giải pháp để dự phòng rủi ro, sử dụng các công cụ phái sinh, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần cho rằng phần lớn các ý kiến đề xuất tăng tỉ giá để hỗ trợ xuất khẩu chủ yếu xuất phát từ lo ngại hàng hóa VN sẽ giảm sức cạnh tranh với các đối thủ khác, khi hầu hết các đồng tiền khác đều mất giá mạnh so với đồng USD, chẳng hạn như đồng euro. Tuy nhiên, bên cạnh một số khó khăn, việc ổn định tỉ giá VND/USD cũng giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thể tính toán được giá thành và tránh được cảnh mua đắt bán rẻ. Vị này cũng khẳng định sự sụt giảm của đồng euro không gây nhiều bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của VN vào thị trường này như một số ý kiến.
N.BÌNH – TR.V.NGHI – A.HỒNG
|
Theo Tuổi Trẻ