Tỷ phú Marc Andreessen bàn về nền kinh tế rẽ đôi của Mỹ hiện nay
Marc Andreessen, nhà đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon đã có một cuộc phỏng vấn dài với kênh VOX về trí thông minh nhân tạo, nhưng phần thú vị nhất lại là chuyện về: Nền kinh tế rẽ đôi của Mỹ hiện nay.
Ở thung lũng công nghệ Silicon, các công ty đang hoạt động khá tốt. Điển hình là mức lương của các kỹ sư công nghệ khá cao, giá nhà đất tăng vọt, các cần cẩu đang xây dựng ở khắp nơi. Trong khi 5 công ty có giá trị nhất nước Mỹ đều ở đây như: Apple, Alphabet (Google), Microsoft, Amazon, và Facebook.
Nhưng ở nhiều nơi khác, tiền lương lại trì trệ, công ăn việc làm tốt khan hiếm, và thu nhập của người dân đang bị ăn mòn bởi giá cả thị trường tăng mạnh.
Nhìn chung, tốc độ kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp và lãi suất tiến gần đến 0, thấp nhất trong 8 năm gần đây. Điều gì đang diễn ra?
Andreessen lập luận rằng, thực sự có 2 nền kinh tế song song đang tồn tại trên đất nước này. Và một bên hoạt động kém đang kéo tất cả mọi thứ khác đi xuống.
Giá cả sản phẩm của một số ngành công nghiệp như thiết bị điện tử, máy tính, thực phẩm và công nghệ thông tin đang giảm chóng mặt. Nhiều người đổ lỗi cho sự trì trệ này là do những cải cách cơ cấu gần đây đã khiến cho họ mất việc.
Nhưng Andreessen chỉ ra, giá cả đang tăng nhanh ở một số lĩnh vực, chủ yếu là chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ông tin rằng sự thay đổi này đã làm những đổi mới công nghệ trở thành vô dụng và làm cho toàn bộ nên kinh tế trở nên chậm chạp.
Tại sao lại có sự thay đổi này? Ông cho rằng:
“Bạn sẽ thấy có những tập đoàn độc quyền, những thị trường đã được chính phủ ấn định giá. Chính phủ sẽ bơm vốn để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những thị trường này. Nhưng đó là những thị trường không co giãn, các khoản trợ cấp chỉ làm cho nó đắt giá hơn so với những thị trường khác. Và đó là những gì đang xảy ra với các trường đại học”.
Vì vậy theo quan điểm của Andreessen, để giải quyết vấn đề này cần phải thiết lập các thị trường tự do bằng cách loại bỏ các biến dạng mà chính phủ đã gây ra cho thị trường. Sau đó, ổn định giá sẽ đưa tất cả cùng phát triển.
Ông cũng không đồng ý rằng việc tăng tự động hóa sẽ giết chết công việc. Thay vào đó, ông nghĩ rằng nó sẽ làm tăng nhu cầu cung cấp những dịch vụ chất lượng mà máy móc không thể làm. Ví dụ như: Ngày càng có nhiều nhân viên bán lẻ và giao dịch viên ngân hàng hơn mặc dù ngành công nghiêp này ngày càng tự động hóa hơn.
Hoàng An