Tuyên Quang: Bị mèo cào, bé trai 11 tuổi lên cơn dại rồi tử vong
Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhi Hoàng Văn N. (11 tuổi, Tuyên Quang) bị nhiễm bệnh dại do mèo cào. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cháu đã không qua khỏi và tử vong ngay ngày hôm sau.
Gia đình N cho biết, trước khi nhập viện khoảng 3 tháng, bé trai này có bị mèo nhà hàng xóm cào vào lưng nhưng vì thấy vết thương không nghiêm trọng nên em không nói với người nhà.
Trước khi nhập viện 1 ngày, cháu H. mệt mỏi, thường rùng mình nhiều lần, không ăn, không uống được, rất sợ gió… nên gia đình đã đưa cháu đến BVĐK tỉnh để khám và điều trị.
Theo nguồn tin từ các bác sĩ thì trước đó không lâu, bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Vi Thị H. (80 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) bị chó cắn vào cẳng chân trái nhưng chủ quan không đi tiêm phòng, không theo dõi chó mà đã giết thịt chó ngay ngày hôm sau.
Sau 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện tình trạng sợ gió, cứng hàm, nuốt khó, choáng váng, sợ ánh sáng… nên được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để khám bệnh. Tại BV, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh dại. Sau 2 ngày phát cơn dại, bệnh nhân đã tử vong.
Video: Bé trai 11 tuổi ở Tuyên Quang bị mèo cào lên cơn dại tử vong.
Sự lây truyền của virus dại từ vùng cơ tại vết thương
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm thuộc BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết, bệnh dại này chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người.
Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vắc xin dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày. Ngay khi bị nhiễm virus, nếu không tiêm vắc xin dại kịp thời, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương.
Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 – 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Nhưng nếu bệnh nhân bị cắn ở mặt, cổ, tay thì có thể phát bệnh chỉ sau 10 ngày.
Khuyến cáo của bác sĩ
BS khuyến cáo, khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy kết hợp với xà phòng liên tục trong 15 phút. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu.
Đối với vết cắn nhẹ, người bệnh vẫn nên tiêm vaccine dại để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể. Sau đó nên theo dõi vật nuôi trong 15 ngày. Nếu bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay hoặc bất kể vùng gần hệ thần kinh trung ương, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để để tiêm phòng dại.
Đối với các gia đình nuôi ‘thú cưng’ hoặc động vật hoang dã, cần phải cho đi chích ngừa và nên rọ mõm, không thả rông vật nuôi ngoài đường.
Vũ Tuấn (t/h)