Từ trí tuệ “vượt khó” của thực vật, chúng ta học được điều gì?
Sinh ra và lớn lên, gặp được hoàn cảnh tốt là may mắn của sinh mệnh, gặp phải hoàn cảnh khó khăn đó là lúc ý chí được rèn luyện.
Thông đỏ là loài cây cao nhất trong tất cả các loại thực vật. Cây thông đỏ cao nhất có thể đạt tới hơn 100m, cao vút tầng mây, đây thật sự là “kẻ khổng lồ trong rừng xanh”. Trên bờ biển Thái Bình Dương của phía Bắc San Francisco ở Mỹ, rừng thông đỏ rậm rạp mọc trải dài tới 700km, tại phía Bắc của khu rừng này, chính là rừng quốc gia thông đỏ nổi tiếng, được đưa vào danh sách Di sản thế giới vào năm 1980.
Các cành khô của thông đỏ rất giàu axit, hầu như không bị sâu mọt, hơn nữa sau khi khô héo mấy mươi năm cũng không bị mục nát. Chịu đựng những đợt mưa to gió lớn, trải qua thời kỳ tuyệt chủng của khủng long, đi qua thời đại của Kỷ băng hà,… cây thông đỏ vẫn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và phát triển trên Trái Đất trong hơn 100 triệu năm.
Tôi ngưỡng mộ sức sống mãnh liệt của cây thông đỏ, càng ngưỡng mộ lối sống đặc biệt của nó.
Đây là một chương trình về khoa học. Trên một số bờ biển thuộc Thái Bình Dương, nước biển thường hay biến động, việc này dẫn đến việc một số cây thông đỏ sẽ bị ngập sâu hơn trong nước biển, dần dần nó học được cách hô hấp trong nước biển, dựa vào lúc thủy triều xuống để bổ sung ánh nắng mặt trời và tiến hành quang hợp, để bảo đảm vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng lúc bị ngập, để bản thân không bị chết trong nước biển.
Cây thông đỏ bị ngập trong nước còn phải đối mặt với một khó khăn khác, đó chính là thành phần muối trong nước biển rất cao, nếu hấp thu quá nhiều sẽ chết vì bị ngạt thở. Trong quá trình tiến hóa từ năm này qua năm khác, cây thông đỏ dần dần học được cách hóa giải, nó sẽ sử dụng quá trình bốc hơi thông qua các mạch ở gân lá để đưa lượng muối hấp thu được tập trung trên mặt lá, tạo thành một lớp màng bảo vệ nhẵn bóng trên bề mặt lá, đôi lúc còn lấp lánh trong ánh nắng, tạo thành một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp; thông minh hơn nữa, thông đỏ còn biết đưa lượng muối dư đến các mặt lá khô, lá khô rụng thì lượng muối này cũng theo đó tan biến đi.
Đương nhiên, không chỉ có cây thông đỏ biết giải quyết khó khăn. Tại Trung Quốc, dọc theo các bãi biển do hàm lượng muối trong đất khá cao, gần như không có cây trồng nào có thể sống sót. Trước đây, người ta sử dụng phương pháp dẫn nước ngọt rửa mặn để cải tạo các bãi biển, nhưng công sức bỏ ra quá nhiều mà hiệu quả rất thấp.
Các nhà khoa học đã gây trồng ra một loại thực vật rất kỳ diệu – cây cút vu, chỉ vỏn vẹn trong vài năm, vùng đất mặn trước đây giờ đã trở nên màu mỡ. Cúc vu, còn được gọi là gừng tây, gừng ma quỷ, là một loại thực vật rất cứng cáp, không đòi hỏi cao về đất trồng, có thể sinh trưởng ở rất nhiều nơi khác nhau, củ của nó thường được chế biến thành dưa chua rất ngon và giòn.
Cúc vu thông thường có thể sinh trưởng ở các vùng đất có độ mặn nhẹ, các nhà khoa học đã trải qua 10 năm nỗ lực nghiên cứu để gây trồng ra loại cúc vu có khả năng chịu mặn cao, khả năng lớn nhất của nó chính là có thể làm giảm độ mặn trong đất một cách nhanh chóng chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Cúc vu chịu mặn trong giai đoạn nuôi cấy đầu tiên, được đặt trong vùng đất có độ mặn cao, liên tục được tưới bằng nước biển, những cây không thể nảy mầm sẽ bị thối rữa; những cây có thể nảy mầm sẽ tiếp tục sinh trưởng trong nước biển, lại tiếp tục được tưới bằng nước biển có hàm lượng cao; những cây không thể sinh trưởng hoặc sinh trưởng yếu sẽ bị loại bỏ trực tiếp; những cây sinh trưởng khỏe mạnh sẽ được tiến hành nuôi cấy bằng nước biển nồng độ cao năm này qua năm khác, lặp đi lặp lại nhiều lần, các thí nghiệm trải qua gần 10 năm chịu mặn mới được chọn làm giống. Có thể nói, quá trình nuôi cấy chính là ngâm chúng trong nước biển từ thế hệ này qua thê hệ khác.
Cúc vu chịu mặn, làm cách nào có thể hóa giải độ mặn?
Trong nước biển và các bãi biển có hàm lượng muối cao, cúc vu thông qua quá trình hô hấp để hấp thụ lượng muối, sau đó thông qua quá trình bốc hơi để đưa hàm lượng muối trữ trong thân và lá cây, hoặc để cho lá cây đào thải trực tiếp, hoặc đợi cho lá cây khô héo sẽ được người ta lấy đi, hoặc đợi lúc thu hoạch, người ta sẽ lấy lá và thân cây ra khỏi mặt đất, cũng đồng nghĩa với việc lấy đi hàm lượng muối trong cây. Như vậy, chỉ cần vài năm, hàm lượng muối trong đất sẽ được nó đem đi gần hết, độ mặn cũng sẽ giảm đến mức có thể trồng các loại cây khác.
Đời người cũng vậy, cũng gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Đối mặt với đau khổ và bất hạnh, hoặc là lặng lẽ chết đi, hoặc sẽ học được cách đối mặt, cách giải quyết vấn đề, biết được cách tận hưởng những buồn vui trong cuộc sống.
Bởi vì, người mỉm cười không phải họ không đau khổ, chỉ là họ khéo léo giải quyết đau khổ của mình; người thành công không phải họ không có nước mắt, chỉ là vì họ khéo biến nước mắt trở thành ngọn đèn trong tâm hồn, soi sáng con đường phía trước. Học được cách hóa giải những đau khổ là một loại khí chất, là một loại cảnh giới, cũng chính là trí tuệ trong cách đối nhân xử thế.
Tiểu Minh, theo Secretchina