Từ sự việc Đoàn Thị Hương, ngẫm về ‘những người không có tự sự’
Ngày hôm nay ở Malaysia, một công dân Việt Nam đang phải đối mặt với bản án sinh tử. Trước phiên tòa ngoại quốc, cô vẫn luôn khẳng định mình vô tội…
Hôm 1/3, hai nữ nghi phạm trong vụ ám sát người đàn ông Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam đã ra tòa tại Malaysia. Như thông tin đã đưa, nữ nghi phạm Siti Aisyah đã được Indonesia chỉ định 5 luật sư bào chữa cho cô. Còn về trường hợp nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương, hiện vẫn chưa thấy phía Việt Nam có động thái gì để bảo vệ cho công dân nước mình. Điều này đang dấy lên nhiều ý kiến trong dư luận.
Dưới đây là bài viết của một Việt kiều hiện đang sống ở Úc, bày tỏ một góc nhìn từ sự kiện này:
NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ TỰ SỰ
Ngày hôm nay ở Malaysia, một công dân Việt Nam đang phải đối mặt với bản án sinh tử. Trước phiên tòa ngoại quốc, cô vẫn luôn khẳng định mình vô tội.
Công dân đó có tên là Đoàn Thị Hương. Cô bị buộc tội mưu sát anh trai lãnh tụ Triều Tiên, ông Kim Jong Nam. Nếu bị kết tội, cô sẽ đương nhiên chịu án tử hình.
Nhưng hãy khoan nói về Hương, cô gái mà câu chuyện của cô sẽ không nhiều người biết đến. Chúng ta hãy nói về một người gốc Việt khác. Cách đây 15 năm, Nguyễn Tường Vân bị bắt ở sân bay Changi, Singapore khi đang quá cảnh để chờ về Australia. Cảnh sát Singapore tìm thấy trong hành lý của Vân chứa 396gr heroin (gấp 26 lần số heroin bị tội chết theo luật Singapore). Vân khai anh về Việt Nam và qua Cambodia, nơi anh lấy heroin để đem về Úc. Bằng một lý do diệu kỳ nào đó, hải quan Cambodia đã “bỏ sót” 2 túi thuốc phiện – 1 quấn quanh người, 1 trong vali của Vân.
Phiên tòa xử Vân kéo dài 2 năm và 1 năm sau ngày anh bị tuyên án, Vân bị treo cổ. Đó là ngày 2/12/2005.
Vân khác Hương điểm nào? Vân khác Hương ở chỗ anh mang quốc tịch Úc. Ngày đó, chính quyền và người dân Úc nổi lên một làn sóng xin ân giảm án tử hình cho Vân. Thủ tướng Úc bấy giờ nói thẳng với người đồng cấp Singapore – Lý Hiển Long – là ông “rất thất vọng” vì không được thông báo về ngày thi hành án Vân. Ngoại trưởng Singapore sau đó đã phải xin lỗi người đồng cấp Úc. Các nghị viên liên bang và tiểu bang Úc đồng thanh lên tiếng yêu cầu Singapore hoặc giảm nhẹ hình phạt cho Vân, hoặc dẫn độ anh ta về Úc. Chính phủ liên bang Úc cũng đã nghĩ đến chuyện kiện Singapore ra Tòa án Công lý Liên Hiệp Quốc (ICJ) vì hành quyết công dân mình mà không xem xét vấn đề thẩm quyền. Ý định này sau đó bị loại bỏ vì Singapore chắc sẽ không công nhận thẩm quyền của ICJ cho vụ án đó. Tổng chưởng lý bang Victoria, nơi Vân là công dân, cũng liên tục hối thúc Bộ trưởng Tư pháp Singapore xem lại bản án. Tất cả trở nên vô nghĩa khi ý chí trừng trị tội phạm ma túy của Singapore quá mạnh mẽ.
Nhiều người nghĩ, giá như Vân bị bắt ở Cambodia, có lẽ nỗ lực của Úc đã thành công.
Một ngày trước khi Vân bị thi hành án, một luật sư Úc (chưa bao giờ gặp Vân) cố gắng dùng thủ thuật pháp lý cuối cùng để cứu mạng Vân. Ông khởi kiện Vân ra một tòa án của Úc về tội danh sở hữu ma túy trái phép. Theo luật, chính phủ Úc sẽ phải dẫn độ Vân về Úc để hầu tòa. Và khi Vân đặt chân lên đất Úc, nơi không có án tử hình, anh ta xem như được cứu sống. Rất tiếc, nỗ lực này cũng thất bại. Hai tháng sau khi Vân bị treo cổ, Úc từ chối đề xuất của Singapore Airlines được khai thác đường bay thẳng Sydney – Hoa Kỳ. Nhiều người tin rằng đây là động thái trả đũa của Úc vì Singapore đã treo cổ công dân của họ, dù tội của anh ta là rành rành.
Tuy vậy, những nỗ lực đó vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận Úc. Vì họ tin rằng Vân đáng chết ư? Không, họ nghĩ rằng chính phủ Úc làm quá ít, không đủ để cứu Vân. Họ phẫn nộ vì chính phủ không thể bảo vệ công dân mình.
Thật khó hình dung những thái độ và động thái như vậy ở Việt Nam dành cho Hương. Hương cũng giống như Vân, là một người không có tự sự. Không ai biết cô từ đâu đến, không ai biết câu chuyện của cô, không ai biết con đường nào dẫn cô sang Malaysia, không ai biết tại sao cô lại phạm tội như vậy.
Câu chuyện của cô giờ đây thu gọn trong những tấm ảnh nóng bỏng, những clip thi Vietnam Idol, là câu chuyện phiếm trên bàn nhậu của đám thanh niên. Cô phạm hai tội đáng khinh nhất với người Việt và do đó cô không xứng đáng được quan tâm. Thú vị là, giữa vô vàn tờ báo Việt khai thác các khía cạnh giựt gân của phiên tòa, chỉ một nhà báo Việt lục lọi câu chuyện của Hương và hành trình, tự sự của cô ấy từ vùng chiêm trũng lên Hà Nội, qua Cambodia, và đến Malaysia. Nhà báo Việt ấy đang làm cho tờ New York Times của Mỹ.
Nhìn lại câu chuyện của Vân, và câu chuyện của Hương ngày hôm nay, thật không khỏi ngậm ngùi. Lịch sử bắt Vân lưu vong từ khi còn bé và từng phút vấp ngã trong đời, cũng như sự nghĩa hiệp ra tay cứu người anh tên Khoa, đã đẩy Vân vào cái án tử. Cái nghèo có lẽ cũng là nguyên nhân khiến Hương tha phương. Sự ít học và áp lực xã hội chắc đã đẩy Hương vào con đường ngày hôm nay. Ai cũng có số phận, ai cũng có tự sự của họ cả. Với chúng ta, họ là một cái tên, một dòng tin, một câu chuyện phiếm. Cả Vân và Hương họ đều cũng là người Việt cả, là những người mà ta được dạy gọi là “đồng bào”.
Nhưng khi Vân gặp nạn, lại chính là những người dân nước Úc đã lên tiếng giúp anh, một người nhập cư. Hương chẳng biết trông cậy vào ai cả, ngoài những đồng bào của cô. Ba mẹ cô không đủ tiền qua dự phiên xử con gái mình tội chết vì chẳng ai muốn giúp họ. Xung quanh cô chỉ có một luật sư Malaysia do tòa chỉ định và một đại diện sứ quán Việt Nam mà phát ngôn và ý kiến của người này về vụ án cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn.
Sau khi đăng tải bài viết, tác giả đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi đa dạng. Tác giả đã viết bổ sung thêm Vài lời thưa lại, với hy vọng mọi người dành thời gian đọc nó để hiểu thêm về thông điệp của bài viết.