Tự kỷ luật giống như đang giam hãm chính mình, thực ra đó mới là tự do nhất
Tự kỷ luật quyết định sự vận hành của mỗi một cỗ máy trong từng cá nhân, quyết định liệu bạn có thể trở thành một con người ưu việt hơn so với con người hiện tại hay không.
1. Những người “lợi hại” đều đóng vai “tàn nhẫn”
Người ta nói rằng Steve Jobs thức dậy lúc 4 giờ sáng khi còn trẻ và kết thúc một ngày trước 9 giờ tối. Ông từng nói: “Tự do đến từ đâu? Chính là từ sự tự tin. Mà sự tự tin lại đến từ tính tự kỷ luật”.
Tỷ phú người Hoa – Lý Gia Thành, được biết đến với sự siêng năng và tự kỷ luật. Lịch trình làm việc và nghỉ ngơi của ông ấy rất nổi tiếng: Bất kể là mấy giờ đi ngủ, thì đều phải thức dậy lúc 5:59 sáng, sau đó đọc tin tức, chơi golf một tiếng rưỡi. Tiếp theo đó là đến văn phòng để bắt đầu làm việc. Trong mấy mươi năm, ngày nào cũng như ngày nào, sự tự kỷ luật của ông gần như là đang tự ngược đãi bản thân.
Nhiều người kinh doanh quản lý vấn đề công việc – nghỉ ngơi, chế độ ăn uống, thói quen, sở thích, thể lực, ham muốn… của họ như các vận động viên chuyên nghiệp. Nếu làm được điều này, bạn sẽ sớm chạm tay vào cánh cửa của người “lợi hại”. Một người tối nào cũng kiên trì chạy bộ, ăn ít và luyện tập nhiều thì đảm bảo trong công việc không thua kém bất kỳ ai.
Tự kỷ luật chính là nền tảng của cuộc sống: Nếu luật lệ nghiêm minh, bạn sẽ dễ dàng đi đúng quỹ đạo, tìm ra sai lầm, sửa chữa sai lầm, biểu hiện càng ngày càng tốt, cuộc sống tươi sáng và tràn đầy nhiệt huyết. Nếu luật lệ không nghiêm minh, thì mọi thứ sẽ hỗn loạn lộn xộn, sai lầm nối tiếp sai lầm, nản lòng và thấy tội lỗi, mọi thứ thành một mớ hỗn độn.
2. Thành công của người tự kỷ luật khiến người ta phải suy ngẫm
Steve Nash là cầu thủ NBA được nhiều người yêu thích, anh là một người đàn ông da trắng người Canada, bị chấn thương dây thần kinh lưng nghiêm trọng và được coi là “siêu sao bóng rổ tài năng nhất”.
Một người như vậy, đã giành được danh hiệu “Cầu thủ có giá trị nhất trong hai mùa giải liên tiếp”. Trong lịch sử chỉ 10 người đã làm được điều này, chín người còn lại đều là những siêu sao như Jordan, Chamberlain…
Sự tự kỷ luật nổi tiếng của Nash chính là không ăn đường, thực phẩm chiên; vào ngày tập luyện, anh ăn sáu bữa một ngày, chủ yếu là cháo (không có gluten), hạnh nhân cắt lát, các loại hạt thô, trái cây, rau, cà rốt và cần tây sống.
Anh và đồng đội Grant Hill thuyết phục nhau không ăn socola, không ăn thức ăn nhiều calo. Hill cũng “thỉnh thoảng phạm giới và bị bắt”, còn Nash quả thật chưa bao giờ bị bắt gặp phá vỡ luật lệ.
Nash giới thiệu thực đơn của mình cho các đồng đội. Kết quả là, những thành viên trẻ tuổi trong đội Phoenix Suns đã nối gót học theo Nash, sau đó ai cũng được thay da đổi thịt. Cả đội đều đang cố gắng theo sát Nash: từ ăn, uống, luyện tập, rèn luyện, duy trì bầu không khí lành mạnh…
Thành công của Nash khiến những người bình thường phải suy ngẫm: Nếu bạn không có tài năng, bạn không bao giờ có thể trở thành Kobe hay McGrady, nhưng nếu bạn siêng năng và tự kỷ luật, ít nhất bạn vẫn có cơ hội trở thành Nash. Tài năng là do trời ban nhưng tự kỷ luật là do bạn quyết định.
3. Người tự kỷ luật không để dục vọng chi phối
Kiểm soát dục vọng là một kỹ năng sống quan trọng, đó là sự dày công tu dưỡng và phải được rèn luyện hàng ngày.
Từ góc độ cảm tính, dục vọng quá đà sẽ nhấn chìm bạn. Nếu dục vọng gắn liền với lương tâm, thì không có gì phải sợ hãi, nhưng dục vọng quá mức sẽ nuốt chửng bạn.
Từ góc độ nhân sinh, chúng ta nhất định phải biết cách tiết chế, không được tùy ý dung túng cho dục vọng. Không tin ư? Hãy đi hỏi Tùy Dương Đế Dương Quảng, một nhân vật phóng túng dục vọng quá độ trong lịch sử.
Dung túng giống như ngọn núi bị đổ, tự kỷ luật giống như se tơ. Đừng nuông chiều bản thân, đừng tự bào chữa cho mình. Hãy nghiêm khắc với bản thân, theo dòng thời gian, tự kỷ luật sẽ trở thành thói quen, trở thành một phương thức sống. Trong tương lai, bạn sẽ cảm ơn chính mình.
Nhiều người không biết tầm quan trọng của việc tu tâm, họ lấy cớ là do áp lực cuộc sống nên dung túng cho dục vọng. Khi bạn còn trẻ bạn phải nỗ lực đi lên, phải gạt bỏ hết mọi tạp niệm, giống như khi bạn dọn dẹp sân nhà phải cắt hết cỏ dại, tập trung vào sự trưởng thành của chính mình.
Từ góc độ lý tính, việc kiểm soát dục vọng có thể hạ thấp ngưỡng giá trị. Khi còn là một học sinh nghèo, một chút đồ ăn vặt cũng khiến chúng ta say sưa hứng thú, một bữa KFC giống như bữa ăn mừng năm mới. Khi bạn lớn lên, bạn có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng những món như tôm, bào ngư, hải sản tươi sống chưa chắc đã thu hút được sự hứng thú của bạn. Tại sao lại như vậy? Là do ngưỡng giá trị gây nên, sự kích thích liên tục đã làm tăng điểm kích động của dục vọng.
Mọi người thường nói: “Thời trẻ chịu khổ không phải là khổ, mà là phúc khí”. Đây không đơn thuần chỉ nói cho vui, mà điều này có cơ sở logic: tuổi trẻ chịu khổ là niềm hạnh được tung bay ngược gió, tuổi già chịu khổ là sự bi thương như một ngọn nến tàn đang đứng trước gió. Khổ trước sướng sau thì trong sự sung sướng vẫn có thể hồi tưởng lại mùi vị của cái khổ. Sướng trước khổ sau, thì chỉ có nước mắt ấm ức mà thôi.
4. Cái gọi là tham công tiếc việc, có thể chỉ là vì chưa đủ tự kỷ luật
Lúc mới đi làm, chưa bắt kịp với nhịp điệu công việc, nhiều người luôn phải làm thêm để hoàn thành công việc. Nhưng nếu biết quản lý thời gian, thì công việc và cuộc sống tất sẽ có cải thiện rõ rệt.
Cố gắng lên kế hoạch, viết nhật ký, kiểm soát sự tập trung, ưu tiên việc quan trọng trước, việc hôm nay không để ngày mai, việc nào ra việc nấy, xây dựng hệ thống quản lý thời gian của riêng mình, cân bằng giữa công việc và gia đình…
Dần dần, bạn sẽ bắt đầu nhấc được mình ra khỏi mớ công việc hỗn độn, “nhảy ra bức tranh để ngắm tranh”, bắt đầu có thời gian để xem xét các mục tiêu của cuộc sống và nhân sinh… Nguồn gốc của tất cả những điều này đều bắt nguồn từ sự tự kỷ luật.
Nhiều người bắt đầu thói quen ngủ sớm và dậy sớm, lúc đầu là “khó chịu và không thoải mái”, nhưng sau đó là “tự giác thức dậy lúc sáu giờ mỗi ngày”. Lợi ích của việc dậy sớm là rất lớn, bạn có thể ung dung nhàn nhã ăn bữa sáng một cách từ tốn mà không phải chen chúc, chất lượng bữa trưa càng cao, thì bữa tối ăn càng ít và có một giấc ngủ ngon…
5. Tự kỷ luật mang lại cho bạn sự tự do
Nếu tự do là mục tiêu của cuộc sống, thì nó cũng bao gồm ba khía cạnh khác, đó là tự do tài chính, tự do thời gian và tự do vai trò.
Để có thể theo kịp mục tiêu này, thì cần rèn luyện thường xuyên, tích lũy liên tục và ổn định, nỗ lực tự kỷ luật không lười biếng. Như vậy, kỷ luật sẽ mang lại cho bạn sự tự do mà những người phóng túng bản thân không cách nào có được.
Nhật Hạ (Biên dịch)