Từ chiến dịch dội bom IS, Putin gửi bốn thông điệp cho thế giới
Tổng thống Nga Putin đã gửi thông điệp khẳng định quyền lực và bản sắc của Nga trên chính trường quốc tế thông qua chiến dịch oanh kích phiến quân IS ở Syria
Ngày 30/9, quốc hội Nga bỏ phiếu nhất trí tuyệt đối việc sử dụng vũ lực quân sự ở Syria để chống lại IS. Vài giờ sau đó, một quan chức cấp cao Mỹ loan báo Nga đã thực hiện các cuộc không kích đầu tiên ở Syria.
Tuy nhiên, điều thực sự gây tranh cãi là phương Tây cho rằng Nga không tấn công các khu vực mà IS chiếm đóng, mà nhắm vào lực lượng của Quân đội Syria tự do (FSA) – phiến quân chiến đấu chống lại Tổng thống Syria Assad.
Trong bài viết đăng trên tờ Washington Post, học giả Samuel Ramani ở Viện Nghiên cứu Đông Âu và Nga, thuộc trường St. Antony, Đại học Oxford, Anh ghi nhận rằng, theo đa số các học giả phương Tây và các tin tức từ truyền thông nhà nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn duy trì vị thế cầm quyền của ông Assad tại ít nhất một phần lãnh thổ của Syria.
Mối quan hệ đồng minh giữa ông Putin với ông Assad thường được giải thích dựa trên các nhân tố chiến lược như Nga muốn duy trì các thương vụ bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho ông Assad và căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria, nơi cung cấp cho Nga một cảng biển quan trọng mở ra Địa Trung Hải. Ngoài ra, Nga cũng thiếu đồng minh ở Trung Đông.
Tuy nhiên, theo ông Ramani, việc Nga đứng về phía Assad mang lại cái giá khá đắt về cả mặt tài chính lẫn ngoại giao, vì các nước Arab khác sẽ hủy các thương vụ mua vũ khí của Nga. Đồng thời, các nước có đa số người Hồi giáo Sunni ở Trung Đông sẽ lạnh nhạt với Nga.
Học giả Ramani cho rằng ông Putin “chống lưng” cho ông Assad là muốn thể hiện quyền lực và bản sắc của Nga trên trường quốc tế. Và chiến dịch không kích của Nga ở Syria truyền đi 4 thông điệp.
Ngăn tầm ảnh hưởng của Mỹ
Nga coi ý đồ phế truất ông Assad là động thái xâm phạm chủ quyền của Syria. Điều này liên quan chặt chẽ đến lo ngại về các sứ mệnh thay đổi chế độ do Mỹ đứng đầu mà điện Kremlin xem là cách để mở rộng tầm ảnh hưởng của Washington, hơn là truyền bá dân chủ thực sự.
Quyền lực của Nga sẽ được thể hiện tối đa trong hệ thống quốc tế đa cực hơn là trong hệ thống quốc tế do Mỹ thống lĩnh. Ông Putin muốn chống lại những gì được xem là nỗ lực của Washington nhằm định dạng lại thế giới theo cách nhìn của Mỹ.
Vì vậy, khi công luận chính trị ở phương Tây ngả về xu hướng chống Assad giai đoạn 2011-2012, Nga đã lên tiếng ủng hộ và trở thành nhà bảo trợ chính cho ông Assad. Ông Putin đã tham vấn với ông Assad về việc giải quyết cuộc xung đột ở Syria, cũng như về việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của nước này. Nga đã bỏ phiếu phủ quyết các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Syria, đồng thời phản đối phương Tây kêu gọi Assad từ chức.
Chính quyền ông Assad không còn kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria, nhưng ông Putin vẫn ủng hộ Assad với tư cách là tổng thống hợp pháp của Syria. Gần đây, ông Putin tuyên bố rằng quân đội chính phủ Syria là lực lượng vũ trang hợp pháp duy nhất của nước này. Nói cách khác, các lực lượng của FSA là những kẻ âm mưu cướp chính quyền bất hợp pháp. Putin cũng tán thành khẳng định bấy lâu nay của ông Assad cho rằng những phần tử jihad cực đoan đã thâm nhập vào lực lượng đối lập ở Syria.
Và nếu không có lãnh đạo đối lập nào có đủ sự tin cậy, Assad sẽ giành được sự tín nhiệm. Liệu có ai bác bỏ lập trường của Putin cho rằng hoặc là chọn ông Assad hoặc là chọn sự hỗn loạn?
Không tin phương Tây
Nga kiên định lập trường về Syria vì không muốn lặp lại sự can thiệp của NATO ở Libya năm 2011. Nga đã không phủ quyết nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cho phép lập vùng cấm bay ở Libya để bảo vệ dân thường. Điện Kremin sau đó cảm thấy bị phản bội, vì phương Tây đã tận dụng vùng cấm bay để phát động sứ mệnh toàn diện nhằm phế truất Tổng thống Libya Moammar Gaddafi mà không có sự đồng ý của Nga. Việc này đã dẫn đến các thương vụ của Nga với chính phủ Libya đổ bể.
Ông Vitali Naumkin, Giám đốc Viện Nghiên cứu phương Đông ở Moscow, đồng thời là chuyên gia về quan hệ Trung Đông – Nga, cho rằng Moscow lo sợ nếu phương Tây tìm cách lật đổ ông Assad với lý do dân chủ, hệ quả trong thực tế sẽ không phải là dân chủ. Nga có thể cho rằng dân chủ được sử dụng như bình phong để phục vụ các lợi ích lớn rộng hơn cho Mỹ.
Trấn an đồng minh
Việc Putin sẵn sàng đẩy mạnh không kích ở Syria bất chấp phí tổn cao cho thấy, ông muốn sử dụng chiến dịch chống IS để định nghĩa lại bản sắc quốc tế của Nga, như là trung gian quyền lực và trung tâm trong một liên minh lớn đối trọng với phương Tây. Hỗ trợ ông Assad sẽ giúp Nga tiến đến mục tiêu đó.
Moscow chứng tỏ cho các đồng minh tiềm năng và bạn hàng thấy độ tin cậy của Nga. Kế đó, thông qua thể hiện sức mạnh, Nga muốn duy trì các hợp đồng bán vũ khí, năng lượng cũng như các mối quan hệ đồng minh với một loạt nước đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Các nước này gồm Iran, Hungary, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và nhiều chính quyền khác ở vùng tiểu Sahara châu Phi. Nga muốn thể hiện họ là một nhà bảo trợ kiên định, chứ không dễ thay đổi như Mỹ từng bỏ rơi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong các cơn khủng hoảng.
Khẳng định vị thế quốc tế
Nga cảm thấy bị gạt ra ngoài lề trong các quyết định quốc tế do phương Tây dẫn dắt kể từ cuộc khủng hoảng Kosovo năm 1999, khi NATO ném bom Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Nga. Tại Syria, Nga tìm cách khẳng định vị thế của mình như là nước đối trọng chính với Mỹ.
Để đạt mục đích này, Nga muốn là người cầm cờ tiên phong trong chiến dịch chống IS hoàn toàn tách biệt với liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, bằng cách ủng hộ ông Assad.
Nga đã mở rộng liên minh chống IS ra ngoài Iran, bằng cách chia sẻ thông tin tình báo về IS với Iraq. Iraq ủng hộ mạnh mẽ việc Nga can dự quân sự vào Syria. Theo hãng thông tấn Fars của Iran, Iraq cho phép Nga tiến hành không kích các phần tử IS tháo chạy từ Syria sang quốc gia này. Lãnh đạo người Kurd tại Iraq cũng nhấn mạnh Mỹ và Nga cần phải hợp tác để chống IS.
Cách tiếp cận của Nga đã giành được một số ủng hộ ở châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ và Đức đã dịu giọng phản đối ông Assad giữ vai trò lãnh đạo một phần lãnh thổ Syria trong tiến trình chuyển tiếp chính trị ban đầu.
Giáo sư Dmitry Suslo, trường cao học Kinh tế ở Moscow, đồng thời là chuyên gia về quan hệ Nga – phương Tây, nhận định Moscow đang sử dụng chiến lược chống IS để xây dựng lại niềm tin ngoại giao vốn bị xói mòi trong khủng hoảng chính trị Ukraine.
Ông Sulso tin rằng Nga muốn tranh thủ sự ủng hộ của Pháp và Italy, vì cả hai nước này đều xem sự thâm nhập của IS ở khu vực phía nam là mối đe dọa an ninh còn nghiêm trọng hơn cả ảnh hưởng của Nga ở đôngUkraine.
Ông chỉ ra việc cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từng kêu gọi Pháp – Nga hợp tác chống IS. Ông xem đây là dấu hiệu cho thấy chiến lược xây dựng liên minh chống IS của Nga đang có hiệu quả. Suslov tin rằng Tổng thống Pháp hiện nay Francois Hollande cũng sẽ cởi mởi về việc hợp tác với Nga, dù Hollande thường đưa ra các phát biểu công kích Nga mạnh mẽ.
“Hành động can thiệp quân sự ở Syria của ông Putin nên được nhìn nhận là một phần nỗ lực của Nga để trở thành ‘người mặc cả’ quyền lực và độc lập trên trường quốc tế. Nga không cam lòng chấp nhận một giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria thiếu sự tham gia của nhà lãnh đạo nắm quyền lâu năm Assad”, Suslov nhận định.
Theo vnexpress