Từ 8 triệu vay qua app, người đàn ông tá hỏa khi nợ đến 100 triệu đồng
Sau 3 tháng kể từ khi vay 8 triệu đồng trên 1 app vay tiền để trang trải chi phí trong thời gian dịch bệnh, anh H, một nhân viên quán ăn ở Hà Nội giờ đây đang phải gánh một khoản nợ gần cả trăm triệu đồng với số tiền lãi tăng theo cấp số nhân mỗi ngày.
Theo báo Lao Động, với mục đích trang trải cuộc sống trong thời điểm dịch bệnh, chỉ trong khoảng 4 tháng, anh N.T.H (nhân viên quán ăn ở Hà Nội) đã vay tiền trên 16 app khác nhau như Cashwagon, Minivay, Tubevay, Vinvay, Wetien, NowC, Vayday, YoYo, Cashdone, Vndong, Andvay, Openvay…
Anh H. cho biết, ban đầu anh chỉ định vay 8 triệu đồng trên app Cashwagon nhưng khi đến hạn, chưa có tiền thanh toán thì nhân viên của app này đã giới thiệu anh nên vay ở các app khác để bù vào trả nợ.
Sau 3 tháng, lãi mẹ đẻ lãi con, từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng, đến nay anh đang phải gánh một khoản nợ gần 100 triệu đồng, với số tiền lãi tăng theo cấp số nhân hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị H. (SN 1980, Hà Nội) bị mất việc làm do dịch bệnh, đối mặt với hàng loạt khó khăn khi không còn nguồn thu nhập cũng buộc phải liều mình tìm dịch vụ vay nóng trên mạng.
Sau khi lướt khắp các hội nhóm, chị được giới thiệu về một dịch vụ cho vay nhanh, không cần tài sản đảm bảo thông qua website có địa chỉ cash24.vn. với các thủ tục vay tiền hết sức nhanh gọn.
Chị H. cho biết, chỉ cần cung cấp đủ thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước, số điện thoại tham chiếu người thân là được cho vay.
Tuy nhiên, lợi có hại có, theo phản ánh thì trên trang cash24.vn này, tuỳ mỗi khoản vay từ 10 triệu đồng, người vay sẽ phải chịu mức lãi từ 20% mỗi tháng và liên tục sẽ bị ‘hỏi thăm’ người thân, bạn bè nếu không trả lãi đúng hạn.
“Trước 1 đến 3 ngày đến hạn, bên cho vay sẽ cho đòi nợ bằng cách điện thoại hoặc nhắn tin liên tục. Trường hợp người vay không nghe điện thoại, trễ hẹn trả nợ, bên cho vay sẽ liên tiếp uy hiếp bằng việc vu khống cho nạn nhân là trốn nợ, đăng truy nã lên mạng xã hội hoặc hù dọa sẽ quấy rối người thân và bạn bè của con nợ”, một độc giả của báo Lao Động chia sẻ về tình trạng đòi nợ kiểu khủng bố của một số app cho vay tiền.
Hoạt động cho vay ngày càng phức tạp với nhiều chiêu thức mới
Thời gian gần đây, hoạt động cho vay tiền online diễn ra ngày càng phức tạp khi xuất hiện nhiều chiêu thức mới.
Theo báo Thanh Niên, lực lượng chức năng Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua cho biết đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi, tín chấp bằng ảnh khiêu dâm.
Thông qua tài khoản cá nhân trên trang web mecash.vn, vợ chồng Vân Anh đã cho gần 1.000 người vay lãi với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỷ đồng. Tổng số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động này là hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó có người bị uy hiếp công khai ảnh khoả thân nên đã phải đi bán dâm để trả lãi hàng ngày cho nhóm này.
Nói về lãi suất, ở một số nền tảng khác dù quảng cáo cho vay 10 triệu đồng với lãi suất 0% trong 10 ngày. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục, người dùng mới tá hỏa khi thấy thời hạn phải thanh toán rút xuống còn 3 – 4 ngày.
Với chính sách mập mờ, nếu thanh toán chậm hoặc vi phạm quy định thì người dùng sẽ bị cộng dồn nợ, thậm chí mất cả trăm triệu đồng khi vay tiền qua app online.
Không chỉ hình thức cho vay nặng lãi trên, hiện nay còn xuất hiện tình trạng giả mạo các tổ chức tài chính công nghệ (Fintech) để lừa đảo khách hàng.
Vừa qua, một Fintech trong lĩnh vực thanh toán điện tử đã phải đưa ra cảnh báo rằng các đối tượng lợi dụng uy tín của đơn vị và thông báo cho vay tín dụng cá nhân, sau đó yêu cầu người dùng đăng nhập vào đường link giả, download app giả mạo, nhập thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền vào 1 tài khoản cá nhân chỉ định để chứng minh thu nhập và chiếm đoạt tài sản.
Với chiêu thức này, người vay có nguy cơ rủi ro cao như bị đánh cắp thông tin ngân hàng, các thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền mà nạn nhân không hề biết.
Khuyến cáo của chuyên gia
Trước thực trạng trên, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc điều hành tại Công ty Luật ANVI khuyến cáo người dân nên cẩn trọng với những app cho vay trực tuyến, đặc biệt là các app cho vay quá dễ dàng vì không có Fintech hay ngân hàng nào cho vay qua mạng với những thủ tục đơn giản như vậy.
Khi cần vay tiền, người dân nên đến trụ sở các ngân hàng, công ty tài chính làm hợp đồng, có chữ ký, xác minh rõ ràng để tránh các rủi ro có thể gặp phải.
Vũ Tuấn (t/h)