TS Lê Duy Bình: Dịch Covid-19 có thể là một liều vaccine tốt cho nền kinh tế Việt Nam
“Dịch virus Corona (Covid-19) tuy là một điều không may, nhưng sẽ là liều vaccine kích thích nền kinh tế sản sinh ra các kháng thể, đồng thời tăng cường hệ thống miễn dịch và nâng cao khả năng chống chọi trước những cú sốc trong tương lai”, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam.
Mặc dù tình hình dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) đang bùng phát ở hầu khắp các châu lục, nhiều cường quốc kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, đây sẽ là liều vaccine kích thích nền kinh tế Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, các ngành hàng, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, dịch virus Corona (Covid-19) sẽ giúp họ nhận rõ một thực tế là chuyển đổi là vấn đề sống còn.
Về du lịch, năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, hơn 2 triệu khách Hàn Quốc, và gần 1 triệu khách Nhật Bản. Đây là những nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Tiến sĩ Lê Duy Bình cho hay, ngành du lịch phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phải yêu quý khách hàng hơn và phục vụ khách hàng tốt hơn, phải đa dạng hóa các đối tượng khách hàng khác như khách du lịch nội địa, khách hàng từ các thị trường châu Âu, châu Úc và Nga.
Đối với ngành nông nghiệp, hiện Trung Quốc chiếm tới gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, ngay sau khi dịch bùng phát, các sản phẩm sầu riêng, thanh long, dưa hấu ngay lập tức ùn ứ, tồn đọng với số lượng lớn.
Do đó, nếu dịch không được sớm kiểm soát, chỉ trong vòng một vài tháng tới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các lời kêu gọi giải cứu với các loại nông sản khác như vải thiều, măng cụt, dừa khi các nông sản này bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Tiến sĩ Lê Duy Bình nhận định, ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục phải đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó cần xúc tiến thương mại, để hàng hóa Việt Nam có thể đến được nhiều nước, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đối với các ngành sản xuất, năm 2019, Việt Nam nhập từ Trung Quốc khoảng 75,3 tỷ USD nguyên liệu cho các ngành sản xuất như cơ khí, dệt may, điện tử,..
Nếu dịch không được kiểm soát, một số ngành như dệt may, da giày, điện tử, cơ khí vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc sẽ không duy trì được năng lực sản xuất để cung ứng hàng hóa, sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tiến sĩ Lê Duy Bình cho biết, các ngành sản xuất và dịch vụ cũng sẽ phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, không thể chần chừ hay lưỡng lự được nữa. Ngành dệt may sẽ phải tự chủ được nguyên liệu cho quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Các ngành chế biến, chế tạo sẽ phải nhập nguyên liệu, linh kiện, máy móc cho quá trình sản xuất từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, dịch virus Corona (Covid-19) cũng có thể là bài học sắp tới cho Việt Nam. Để nhanh chóng hồi phục sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát chúng ta cần đẩy mạnh các nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, cải cách thể chế, cải cách hệ thống chính sách, pháp luật. Bên cạnh đó, nhà nước cần đưa ra chính sách tốt, các quy định pháp luật tốt, môi trường kinh doanh thuận lợi và nhà nước nên tránh việc can thiệp trực tiếp vào thị trường.
“Sau khi dịch bệnh virus Corona (Covid-19) được kiểm soát, nếu thực hiện được những điều này sẽ lại là điều tốt cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Bình cho hay.
Từ Nguyên (t/h)