Truyền thuyết về tượng đá kỳ bí Dol hareubang ở đảo Jeju
VOV.VN – Đảo Jeju (Hàn Quốc) không chỉ đẹp với vô số những cột đá hình hài khác nhau mà còn bởi câu chuyện truyền thuyết về hai pho tượng đá Dolhareubang.
Jeju là hòn đảo được hình thành bởi sự phun trào của núi lửa trong một thời gian dài. Bởi vậy, nơi đây ngập tràn đá núi lửa. Đá không chỉ tạo nên những bức tượng với vô số hình hài khác biệt mà còn có mặt trong đời sống của người dân. Đá được mang ra xây nhà, được đắp thành cổng và tường bao quanh nhà, được dùng làm cột mốc phân chia… Tổng chiều dài đá Jeju ước tính khoảng 36 triệu km, tương đương với chiều dài một vòng Trái đất. Chính đá đã tạo ra sự hấp dẫn đặc trưng rất riêng của Jeju. Không chỉ vậy, đá còn tạo nên truyền thuyết về hai pho tượng đá “Ông nội – Bà nội” vẫn đang sừng sững bảo vệ hòn đảo Jeju.
Truyền thuyết về “Ông nội – Bà nội” Nếu đến với Jeju, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những bức tượng có hình “Ông nội – Bà nội” (hay còn được gọi với những cái tên Dol hareubang, Hareubang hoặc Harubang) ở khắp mọi mọi nơi, từ các điểm thăm quan du lịch, trên đường phố đến trước cổng mỗi căn nhà trong các ngôi làng dân tộc… Người dân trên đảo kể lại rằng, tổ tiên của người Jeju chính là “Bà nội”. Tượng “Bà nội” không chỉ được đặt ở cổng làng để làm “người giữ làng” mà còn được người Jeju sử dụng làm cột mốc đánh dấu một khoảng cách nhất định trên những con đường. Mỗi khi vượt qua một chặng đường, chỉ cần đếm số tượng “Bà nội”, người ta sẽ tính được khoảng cách mà mình đã đi qua. Rồi sau này, để ngăn không cho xe tải vào làng, người Jeju cho tạc thêm tượng “Ông nội” đứng đối diện với “Bà nội” ở phía bên kia cổng làng. Khoảng cách giữa hai pho tượng chính là giới hạn cho phép các loại phương tiện có thể lưu thông trên đường làng. Cho dù một ngày đẹp trời hoặc ngày có giông bão, ông bà đá đều đóng vai trò như những người vệ sỹ bảo vệ hòn đảo thoát khỏi tất cả những điều kỳ quái.
Sau đó, hai pho tượng được gắn thêm ý nghĩa phồn thực với mong muốn phát triển dân số ở nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nếu muốn sinh con trai, người dân Jeju sẽ đặt tay lên mũi “Ông nội”, còn nếu muốn sinh con gái thì đặt tay lên mũi “Bà nội”. Ngày nay, nhiều du khách cũng đến Jeju và đặt tay lên mũi “Ông nội – Bà nội” như một điều may mắn về chuyện con cái. Vườn hóa thạch đặc biệt nhất Jeju Sẽ rất khó tưởng tượng nếu như Jeju không có đá. Đá của Jeju được dùng để tạc tượng, làm bia mộ nên nó tồn tại cùng thời gian với linh hồn những người đã khuất. Đặc biệt, các bức điêu khắc được làm từ đá Bazan chứa đựng sự tồn tại duy nhất của người Jeju. Bởi vậy, đá của Jeju không thể mang ra khỏi hòn đảo. Du khách chỉ có thể mang đi những món đồ kỷ niệm nhỏ mà người nghệ nhân Jeju đã khéo léo tạo ra. Đến thăm Vườn hóa thạch Geumneung, ta sẽ bắt gặp những bức tượng đá với nhiều hình thù khác nhau. Không chỉ là những bức tượng “Ông nội – Bà nội” đã trở nên quen thuộc, mà còn có những bức tượng Phật làm bằng đá, những mô hình đá nhỏ kể lại cuộc sống bình dị của người dân, đặc biệt là những bức tượng đá miêu tả số phận của những người phụ nữ Jeju.
Đây là nơi thể hiện rõ và chân thực nhất cuộc sống sinh hoạt của Jeju thông qua những hòn đá mà nghệ nhân Jang Gong Ik đã điêu khắc trong suốt 60 năm. Ông Jang Gong Ik chia sẻ rằng, với người dân Jeju, những bức tượng đá xung quanh làng là vị thần của họ, là nơi chứa đựng và nuôi dưỡng tâm hồn của họ. Chỉ với niềm tự hào là người con của Jeju, ông đã bắt tay vào thực hiện bức tượng đầu tiên khi mới 16 tuổi. Mỗi ngày, ông Jang Gong Ik nghĩ ra ý tưởng và tạc các bức tượng trong 8 giờ đồng hồ. Nghệ nhân Jang Gong Ik chỉ sử dụng đá Bazan để tạc tượng bởi tính chất xốp, nhẹ, hút nước, bền dáng dưới thời tiết và màu sắc không phai. Đá thường có màu đen hoặc màu xám tro của núi lửa. Tính trung bình, một năm ông tạo ra được khoảng 80 tác phẩm. Đến nay, con số đó lên đến hơn 100.000 bức tượng.
Hiện tại, ở tuổi 86, khi mái tóc đã bạc, khi đôi tay chai sần đã không còn nhiều sức để cầm cái đục, cái đẽo… ông lại cố gắng đem những bức tượng mình đã tạc trong suốt 60 để tạo thành Vườn hóa thạch Geumneung, mở cửa miễn phí cho du khách muốn tìm hiểu về con người và văn hóa Jeju.
Nghệ nhân Jang Gong Ik chia sẻ rằng: “Tôi không thể làm công việc này mãi được, thế nên tôi đã truyền nghề cho con trai tôi. Chỉ có chúng tôi – những con người của Jeju mới tạo ra được những sản phẩm phản ánh cuộc sống và văn hóa của Jeju. Cho dù sau này, khi không còn ai làm công việc này nữa thì những bức tượng như “Ông nội – Bà nội” sống mãi với thời gian sẽ là thứ thuyết minh rõ nhất cho mọi người về Jeju và con người Jeju”./. |
Theo VOV