Việt Nam và Đức đàm phán trả Trịnh Xuân Thanh về Đức
Tờ báo Đức TAZ hôm 1/11 trích nguồn tin cho biết, một đoàn cấp cao Việt Nam hiện đang có mặt tại Berlin để đàm phán với phía Đức về quan hệ hai nước, và khả năng trao trả cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam bị kết tội tham nhũng Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Theo TAZ, cuộc đàm phán được thực hiện theo lời mời của chính phủ Liên bang Đức. Dẫn đầu phái đoàn Việt Nam thực hiện đàm phán là thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận cụ thể về nội dung đàm phán với TAZ nhưng cho biết, họ có cuộc gặp giữa hai bên tại Bộ Ngoại giao Đức ngày 1/11. Bộ Ngoại giao Đức cho biết, cuộc gặp là một phần của “quá trình trao đổi chặt chẽ” với Việt Nam về “các vấn đề quốc tế và song phương”. Bộ Ngoại giao Đức không xác nhận thông tin về đàm phán trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Quan hệ giữa Việt Nam và Đức đã xấu đi từ tháng 7/2017, khi Hà Nội cho an ninh sang Berlin để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam. Ông Trịnh Xuân Thanh lúc đó đang xin tỵ nạn tại Đức. Sau đó, tại phiên tòa ở Hà Nội vào đầu năm 2018, ông Trịnh Xuân Thanh bị kết án chung thân về tội tham nhũng.
Ngay sau vụ bắt cóc xảy ra, phía Đức đã chính thức lên tiếng cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, vi phạm luật pháp Đức và quốc tế. Vì điều này, Đức đã đóng băng quan hệ chiến lược với Việt Nam. Đức yêu cầu Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức để làm đúng thủ tục pháp lý cần thiết. Đây cũng là một điều kiện ràng buộc trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Hà Nội từ trước đến nay vẫn khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã tự về nước đầu thú.
Theo nguồn tin của TAZ, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn không có quyền quyết định để đưa ra bất cứ lời hứa nào về việc trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức. Tuy nhiên, “Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam đang gây sức ép đòi trả ông Thanh về lại Đức”.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Slovakia, nước có liên quan đến việc cho đoàn của Bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn máy bay công vụ hồi năm 2017 để đưa Trịnh Xuân Thanh sang Moscow.
Hôm 19/10 vừa qua, Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết, quan hệ song phương giữa Slovakia và Việt Nam sẽ bị đóng băng. Thông báo này được đưa ra sau khi có những kêu gọi từ đảng đối lập ở quốc gia này đòi chính phủ Slovakia phải có điều tra nghiêm túc về việc cho mượn máy bay tham gia vụ bắt cóc và trục xuất đại sứ Việt Nam về nước, đồng thời đòi hỏi Việt Nam phải có lời giải thích chính thức với Slovakia về những cáo buộc được nói tới.
Theo RFA