Trung Quốc: Tù nhân bị ép lao động 16h/ngày và không được trả lương
Khi các quốc gia trên thế giới liên tục lên án, coi chế độ nô lệ là một hành vi tội phạm và tưởng chừng nó chỉ tồn tại trong quá khứ thì tại Trung Quốc, các trại lao động nô lệ lại rất thịnh hành…
Các tù nhân Hồi giáo tại những trại giam giữ ở miền viễn tây Trung Quốc đang phải còng lưng làm việc với những chiếc máy may, đặt thành nhiều hàng liên tiếp. Họ nằm trong số hàng trăm ngàn người bị giam giữ, trải qua nhiều tháng bị ép buộc từ bỏ tín ngưỡng tôn giáo của mình.
Triển lãm ‘Four Corners’ về các trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc
ABC News, một trong những kênh truyền hình uy tín có trụ sở tại Úc mới đây đã phát sóng một buổi triển lãm về các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc trong chương trình Four Corner.
Trao đổi với phóng viên, Dilnur – Một trong những người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ mới được thả khỏi trại lao động cưỡng bức trước đây cho biết, cô và chồng khi ấy đều bị bắt vào tháng 2/2017. Sau đó, cô bị đưa đến làm việc trong một nhà máy tại một trại giam.
Được biết, chị gái của Dilnur là Gulnur (sống tại Melbourne, thành phố lớn thứ 2 nước Úc) là người đã cung cấp thông tin vụ việc cho Four Corners.
Qua theo dõi, nhóm nghiên cứu của chương trình Four Corners phát hiện nhà máy nơi Dihur bị ép làm việc là công ty dệt may Urumqi Shengshi Huaer Culture Technology Co, cách 20 dặm về phía bắc Tân Cương.
Mỗi sáng cô đều phải ngồi trước máy may và bắt đầu công việc của mình từ lúc 7 giờ. Tuy nhiên, thay vì kết thúc công việc vào 9 giờ tối như bình thường thì cô phải làm đến tận 11 giờ khuya và đôi khi còn muộn hơn mới được nghỉ ngơi.
Không những thế, ngoài việc bị vắt kiệt sức lao động, Dihur còn chẳng nhận được một đồng lương nào sau bao ngày tháng làm việc chăm chỉ. Và nếu may mắn lắm thì tháng đó cô sẽ nhận được một khoản tiền nho nhỏ chỉ ‘đủ để uống nước cầm hơi’.
Hàng ngàn phụ nữ Duy Ngô Nghĩ bị bóc lột sức lao động
Dilnur không phải là trường hợp duy nhất, cô chỉ là một trong số hàng ngàn phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đang bị ép buộc phải làm việc không công hoặc với đồng lương ít ỏi ở Tân Cương và các vùng lân cận.
Theo giải thích của chính quyền Bắc Kinh thì đây là điều cần thiết để loại bỏ những ‘tư tưởng cực đoan’ của người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, nhiều người dân lại cho rằng, trại lao động cưỡng bức trên chỉ là một cách khác tước đi quyền tự do làm việc theo sự lựa chọn của họ.
Viện sĩ hàn lâm Adrian Zenz, người đã nghiên cứu trại cải tạo Tân Cương khẳng định, bằng cách ép buộc những người phụ nữ trên làm việc trong những trại lao động được nhà nước phê duyệt, Bắc Kinh sẽ luôn theo dõi và định hình tư tưởng của người Duy Ngô Nhĩ.
Ngoài ra, vị viện sĩ này còn tin rằng vẫn còn một âm mưu ngấm ngầm nữa đang núp đằng sau các trại lao động cưỡng bức – tách trẻ em khỏi cha mẹ chúng.
“Cách tái thiết kế và thay đổi một nhóm dân tộc, một xã hội là chia tách các thành viên nòng cốt của họ. Bạn chia tách các gia đình bằng cách khiến cha mẹ làm việc toàn thời gian ở những nơi khác nhau.
Đó cũng là cách bạn ức chế cái gọi là văn hóa và tôn giáo di truyền qua các thế hệ. Có nghĩa là khả năng mà cha mẹ truyền lại di sản văn hóa và tinh thần cho thế hệ tiếp theo. Nếu bạn có thể kiểm soát điều đó, thì về cơ bản bạn có quyền kiểm soát toàn bộ thế hệ tiếp theo của các nhóm dân tộc này”, Adrian Zenz cho hay.
Tuyên bố đóng cửa trại lao động cưỡng bức?
Theo một báo cáo của tổ chức WOIPFG (Tổ chức Thế giới điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công) thì chính phủ Trung Quốc đã buộc những tù nhân bị giam tại Trại Lao động Cưỡng bức Phụ nữ Thượng Hải Qingsong sản xuất đồ chơi ‘My Doll’ vào những năm 2000.
Hầu hết những tù nhân này đều là học viên Pháp Luân Công, một môn tập luyện tinh thần, luyện khí công theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn bị chính quyền Trung Quốc xếp vào ‘mối đe dọa đối với xã hội’ và đàn áp nghiêm trọng từ năm 1999.
Tại trại giam này, những tù nhân trên đều bị ép phải tuân thủ theo chế độ làm việc hà khắc. Làm việc liên tục từ sáng sớm cho đến đêm khuya.
“Những sản phẩm đóng gói và xuất khẩu đều có thời hạn sản xuất. Các tù nhân và các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ bất hợp pháp phải bắt đầu làm việc mỗi ngày trước 7 giờ sáng.
Trong những trường hợp thông thường, những người bị giam giữ sẽ hoàn thành công việc lúc 9:00 tối, nhưng hầu hết trong số họ đều bị ép làm việc cho đến 11 giờ đêm. Báo cáo của trại lao động được tính dựa trên khối lượng công việc 10 giờ, nhưng hầu hết mọi người sẽ không thể đáp ứng được hạn ngạch”, một phụ nữ Trung Quốc bị buộc vào trại lao động từ năm 2002-2003 cho biết.
Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố đã đóng cửa tất cả các trại cải tạo trên vào năm 2013. Nhưng theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế thì đến thời điểm này, các trại lao động cưỡng bức trên vẫn còn tồn tại. Chính quyền Trung Quốc chỉ thay đổi tên của một số cơ sở và chuyển những người bị giam giữ sang các trại lao động khác.
Vũ Tuấn (theo Vision Times)