Trung Quốc: Sử dụng chất thải y tế để chế tạo tã lót và đồ chơi trẻ em
Theo báo cáo từ đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV vào ngày 15/03 qua, một số công ty ở nước này đã bị phanh phui sau khi bị phát hiện sản xuất thực phẩm trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh. Cụ thể, công ty này đã sử dụng chất thải y tế để sản xuất nhựa và tái chế tã bẩn để sản xuất tã mới!!!
Báo cáo tiết lộ, công ty này đã thu gom các túi chất thải từ mọi nơi, sau đó biến chúng thành các hạt nhựa và bán lại cho các công ty khác với giá thấp. Các nhà máy sản xuất được đặt ở khắp đất nước, bao gồm các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc và Thiểm Tây.
Tuy nhiên, nhiều khán giả tin rằng những gì CCTV tiết lộ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Nhựa bẩn
Các phóng viên của đài CCTV phát hiện ra TNHH tên Hubei Best Hygenic Products, đã sử dụng túi đựng chất thải y tế làm nguyên liệu sản xuất. Những chiếc túi như vậy lấp đầy kho hàng của họ.
Chia sẻ với các phóng viên, một công nhân tại công ty này cho hay, một tấn chất thải có giá khoảng 600 đô la, trong khi nhựa đáp ứng tiêu chuẩn tại quốc gia này có giá khoảng 1200 đô la/tấn.
Chai truyền tĩnh mạch (IV), túi IV, ống tiêm sử dụng một lần, túi máu, v.v… có thể được tìm thấy trong các đống rác thải.
Cuối cùng, chất thải được biến thành các hạt nhựa.
Những hạt này thường được sử dụng để chế tạo các mặt hàng bao gồm đồ chơi trẻ em, chậu rửa, túi nhựa, chai nước và túi dệt.
Một công ty sản xuất túi dệt cho biết, họ sản xuất 100.000 túi mỗi ngày từ các hạt nhựa này và bán chúng khắp Trung Quốc.
Tã lót ‘tái chế’
Trung Quốc là nước có dân số già. Theo thống kê vào năm 2018, Trung Quốc có 249 triệu người trên 60 tuổi – và điều này thường đi kèm với sự tăng cao nhu cầu về các sản phẩm sinh lý.
CCTV cho biết, chỉ riêng năm 2018, 4 tỷ sản phẩm sinh lý dành cho người lớn đã được tiêu thụ.
Tuy nhiên, để cắt giảm chi phí, một số công ty sản xuất những sản phẩm này đã tìm nguồn cung ứng hạt nhựa từ các vật liệu bị ô nhiễm.
Một công nhân ở Shandong Jindeli Health Product cho hay, để che dấu hành vi của mình, công ty này không bao giờ lưu giữ hồ sơ về việc họ mua các hạt nhựa tái chế.
Tại cơ sở sản xuất của các công ty, những chiếc túi chứa tã và miếng lót được phát hiện chất đống trên sàn nhà với ruồi nhặng bâu đầy xung quanh.
CCTV cho hay, các loại tã và băng vệ sinh bẩn được đem xé nhỏ để làm tã mới. Cái gì có thể tận dụng lại từ đống chất thải bẩn sẽ được tái chế lại để làm lõi của tã mới. Nấm mốc, vết bẩn và bụi cũng có thể theo đó mà ẩn nấp bên trong.
Và tất nhiên, các vật liệu trên cũng được sử dụng để làm đệm mút trong nệm giường.
Trứng ‘phụ gia’
Trứng của gà thả vườn luôn là sự lựa chọn phổ biến của nhiều người tiêu dùng, và vì vậy, chúng luôn có giá thành cao hơn so với trứng thông thường.
Nắm bắt được tâm lý này của khách hàng, một số công ty tại TQ đã cho thêm sắc tố canthaxanthin vào thức ăn cho gà công nghiệp. Điều này khiến lòng đỏ trứng gà công nghiệp trở nên đỏ sẫm, y như trứng của gà nuôi thả vườn!
Snack tôm cay nhưng không có tôm
Tại một nhà máy sản xuất snack tôm cay ở làng Cao Xương, thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam, TQ, các nhân viên thừa nhận rằng, mặc dù danh sách thành phần trên bao bì sản phẩm bao gồm tôm và trứng, nhưng thực ra không có tôm hay trứng nào trong snack tôm. Thay vào đó, họ sử dụng các loại gia vị và phụ gia khác nhau trộn với bột để làm cho bánh snack có vị như tôm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở một số khu vực của nhà máy, sàn nhà phủ đầy bụi và bột giống như than. Các băng tải nơi bánh snack đang được chế biến thì đầy dầu mỡ và dơ bẩn. Bột nấu quá chín, cháy đen và khó coi, nằm rải rác trên sàn nhà.
Cộng đồng mạng ‘nổi sóng’
Sau khi đoạn video của đài CCTV được công bố, nhiều người tin rằng, chương trình chỉ mới tiếp cận được một phần nhỏ của các sản phẩm kém chất lượng ở quốc gia này.
“Tất cả những sản phẩm này đều là những vấn đề từ lâu và không có công ty nào được đề cập trong chương trình này là các doanh nghiệp lớn. Có vẻ như các trường hợp mới và các vụ việc liên quan đến các công ty lớn không được phép tiết lộ”, một cư dân mạng bình luận.
Một cư dân mạng khác tỏ ra thất vọng vì chính quyền dường như bất lực trong việc trừng phạt những đối tượng làm sai hoặc điều chỉnh tốt hơn các tiêu chuẩn sản xuất. “Cơ quan quản lý của họ đã đi đâu mất rồi?”
Một cư dân mạng khác tỏ ra bức xúc: “Các anh có đủ can đảm để nói về vắc-xin giả và các sản phẩm y tế kém chất lượng không?” đồng thời chỉ ra những tiết lộ nghiêm trọng hơn vào năm 2018, khi các công ty dược phẩm ở nước này buôn bán và phân phối vắc-xin hết hạn, không đạt tiêu chuẩn cho các cơ quan y tế địa phương. Điều đáng lo ngại là những vắc-xin đó được dùng để tiêm chủng cho trẻ nhỏ.
“Nếu có kiếp sau, tôi không muốn đầu thai ở một đất nước giống như địa ngục này nữa!”. Một cư dân mạng khác cho hay.
Hạo Nhiên
Nguồn: The Epoch Times