Trung Quốc sẽ “chấm điểm công dân” – Viễn cảnh của một xã hội toàn trị
Thông qua hệ thống dữ liệu trực tuyến “Internet Plus”, Trung Quốc đang có kế hoạch kiểm soát mọi mặt trong đời sống của công dân cũng như đưa ra mức điểm đánh giá để hạn chế quyền lợi của những công dân “yếu kém”.
Chính quyền sẽ dõi mọi hoạt động của công dân, lưu lại vào hệ thống dữ liệu khổng lồ và đánh giá mực độ “đáng tin cậy” của họ. Bất cứ điều gì từ chậm trả khoản vay đến chỉ trích Đảng cầm quyền, từ chuyện vượt đèn đỏ đến chuyện không chăm sóc cha mẹ tử tế, tất cả đều có thể khiến họ bị mất điểm.
Và như vậy, điểm số sẽ thật sự trở thành tiêu chí xác định công dân đó là ai – liệu họ có được vay tiền, cho con vào học những trường tốt nhất hay đi du lịch ở nước ngoài; liệu họ có được đặt phòng khách sạn hay đặt bàn trong một nhà hàng loại sang – hoặc thậm chí có được phép hẹn hò hay không.
Đây có thể là viễn cảnh của Trung Quốc vào năm 2020, theo Straits Times.
Thẩm phán cuối cùng
Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển một hệ thống tín nhiệm xã hội sâu rộng, một kế hoạch mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hy vọng xây dựng một nền văn hóa “chân thành” và một “xã hội xã hội chủ nghĩa hài hòa”, nơi “giữ niềm tin là vinh quang”.
Tham vọng của chính quyền là thu thập tất cả các thông tin trực tuyến về các doanh nghiệp và công dân của Trung Quốc vào một nơi duy nhất, sau đó chấm điểm mỗi người về mức độ tin cậy chính trị, thương mại, xã hội và pháp lý của họ.
Chính phủ Trung Quốc chưa công bố chính xác liệu kế hoạch này sẽ triển khai như thế nào – ví dụ, cách tính điểm số hay trọng số của các yếu tố. Nhưng ý tưởng là hành vi tốt sẽ được khen thưởng và hành vi xấu bị trừng phạt cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc là thẩm phán cuối cùng, theo Straitstimes.
Nhà nước cảnh sát
Đây là điều mà Trung Quốc gọi là “Internet Plus”, nhưng các nhà phê bình gọi là một nhà nước cảnh sát của thế kỷ 21.
“Trung Quốc đang tiến tới một xã hội toàn trị, mà tại đó chính quyền kiểm soát và tác động đến cuộc sống riêng tư của các cá nhân”, ông Hác Quần, một tiểu thuyết gia và nhà bình luận xã hội sống tại Bắc Kinh nói.
Ông nhận định: “Điều này cũng giống như Big Brother, người có tất cả thông tin của bạn và có thể gây tổn hại cho bạn theo cách mà anh ta muốn”.
Thách thức rất lớn
Giáo sư Rogier Creemers, một giáo sư luật và quản trị tại Đại học Leiden ở Hà Lan cho rằng ĐCSTQ đang cố làm một việc quá sức. Ông cho rằng việc chấm điểm cho mỗi người dân Trung Quốc về mọi hành vi của họ sẽ không chỉ là một thách thức công nghệ khổng lồ mà còn là hoàn toàn chủ quan và gây cực kỳ phản cảm cho công chúng.
“Từ câu hỏi về tính khả thi công nghệ tới câu hỏi về tính khả thi chính trị, để áp dụng điều này đối với lượng dân số 1,3 tỷ người, đó sẽ là một thách thức rất lớn”, ông nói.
Hơn nữa, kế hoạch này còn đặt ra một thách thức về bảo mật. Ông William Glass, một nhà phân tích tình báo tại hãng bảo mật FireEye của Mỹ, cho rằng một hệ thống thông tin tập trung như vậy vừa dễ bị tổn thương và vô cùng hấp dẫn đối với tin tặc.
Ông nói: “Ngay sau khi hệ thống này được thiết lập, các tội phạm mạng và thậm chí các tin tặc giả dạng do nhà nước hỗ trợ, sẽ có động lực rất lớn để xâm nhập vào, nhằm ăn cắp hoặc thay đổi thông tin”.
Theo Daikynguyenvn