Trung Quốc: Hàng ngàn tiểu thương biểu tình phản đối chính quyền tăng tiền thuê lên gấp 5 lần
Gần đây, sự kiện biểu tình đình công của các thương nhân của chợ Luosiwan ở Côn Minh đã thu hút nhiều sự chú ý. Chính quyền vì muốn các hộ kinh doanh trả tiền thuê mặt bằng ngay lập tức, nên đã điều động 2.000 cảnh sát và nhân viên bảo vệ đến trấn áp các thương nhân.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Đại lục, bắt đầu từ ngày 3/11, chợ Luosiwan ở Côn Minh yêu cầu các thương nhân trả tiền thuê 5 năm một lần, và giá thuê tăng theo cấp số nhân. Những người buôn bán tại đây cho biết, hơn 2.000 cảnh sát và nhân viên an ninh đã được điều động đến chợ Luosiwan để cưỡng chế các thương nhân phải trả tiền ngay lập tức nếu không sẽ phải chuyển ra khỏi chợ.
Báo cáo dẫn lời Tiểu T (biệt hiệu), một thương nhân tại chợ cho biết, rất nhiều thương nhân đã ngừng buôn bán trong một ngày để bảo vệ quyền lợi của họ. Các thương nhân trước đó cũng đã tổ chức kháng nghị, bày tỏ ý kiến lên ban quản lý chợ nhưng không có kết quả. Sau đợt dịch năm nay, hoạt động kinh doanh mới chỉ hồi phục đôi chút vào tháng 4 và tháng 5, nếu so với năm ngoái, về cơ bản thành quả kinh doanh của các thương nhân chỉ bằng một nửa hoặc 60% so với năm ngoái.
Tiểu T cho biết, giá hợp đồng trước đây của anh là khoảng 280.000 nhân dân tệ (khoảng 924 triệu vnd) cho tiền thuê nhà trong 5 năm, còn giá gia hạn thuê cửa hàng hiện tại là 1,6423 triệu nhân dân tệ đến 1,8152 triệu nhân dân tệ trong 5 năm. Anh cho biết, cửa hàng của anh có diện tích 28 mét vuông, tiền thuê theo hợp đồng mới tăng gấp 5-6 lần, hơn nữa lại yêu cầu trả một lần.
Tiểu T bất đắc dĩ nói, đầu năm nay làm ăn khó khăn, năm nay lại có dịch bệnh, căn bản là một năm không làm được gì cả thì làm sao có nhiều tiền như vậy để trả. Giá tiền này là không thể chấp nhận được. Chúng tôi không biết phía chợ thu phí dựa vào cái gì mà cao một cách vô lý như vậy. Hiện chợ mới chỉ đăng ký theo từng hộ, thời gian thanh toán cụ thể vẫn chưa được thông báo.
Được biết, cuộc đình công do các thương nhân khởi xướng đã bắt đầu vào ngày 3/11. Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã dẫn lời một người biết chuyện cho biết, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra vào ngày 5/11. Hai bên đã đụng độ một phen, tuy nhiên, các quan chức Côn Minh đã điều hàng ngàn cảnh sát với sự phối hợp của hàng ngàn an ninh chợ, nhanh chóng trấn áp cuộc biểu tình. Hiện tại hầu hết các thương nhân buộc phải mở cửa kinh doanh, nhưng các hộ kinh doanh ở tầng 1 và tầng 2 của giai đoạn 1 được yêu cầu gia hạn hợp đồng thuê vẫn đang kiên quyết kháng nghị.
Một thương nhân ở địa phương đã xác nhận tin tức này, anh nói với RFA rằng, cuộc biểu tình của những người buôn bán ở tầng 1 và tầng 2 đã diễn ra được 2 ngày, mà những hộ kinh doanh chưa hết hạn buôn bán vẫn đang mở cửa. Về nguyên nhân kháng nghị, thương nhân này cho biết là do chợ không chỉ tăng giá thuê mà còn yêu cầu họ phải trả tiền thuê một lần trong 5 năm, lý do là chợ đang cần tiền gấp để trả nợ ngân hàng.
Theo một tài liệu công khai do một thương nhân đăng trên Weibo tiết lộ, đầu năm 2021 là thời điểm kết thúc hợp đồng cho thuê giữa bên chợ và người thuê, người thuê lẽ ra đã phải ký hợp đồng gia hạn thuê vòng tiếp theo, nhưng cho đến nay, chính sách của tập đoàn Tuấn Phát (Junfa) vẫn chưa đưa ra thông báo.
Tập đoàn Tuấn Phát là một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chợ Luosiwan được phát triển và xây dựng bởi Công ty Trung Hào vào năm 2009. Sau khi Công ty Trung Hào phá sản, nó được mua lại bởi Tập đoàn Tuấn Phát. Vào năm 2017, tập đoàn này thành lập Công ty TNHH Thương mại Tuấn Áo Côn Minh, và chợ Luosiwan chính là do công ty Tuấn Áo Côn Minh quản lý.
Theo tiết lộ nội bộ của tập đoàn Tuấn Phát, chính sách này (chính sách ký hợp đồng gia hạn thuê vòng tiếp theo) rất khó được đưa ra vì giá thuê khó xác định. Bởi vì là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thuần túy nên phương thức tư duy của họ là tối đa hóa lợi nhuận của việc khai thác chung cư một lần duy nhất, mua bán một lần rồi làm dự án tiếp theo.
Các thương nhân nói trên cho biết, theo phương thức tư duy này, Tuấn Phát muốn tối đa hóa tiền thuê và nhận được chi phí đầu tư và lợi nhuận càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, việc vận hành chợ theo phương thức này sẽ luôn làm tăng chi phí hoạt động của các tiểu thương, đồng thời khiến nhiều tiểu thương không chịu nổi gánh nặng mà buộc phải rút khỏi thị trường. Các tiểu thương là người kinh doanh chủ chốt và họ là toàn bộ nền móng của thị trường. Nếu không có sự chống đỡ của họ, chắc chắn chợ sẽ đi về hướng suy bại.
Ông La, một nhân viên truyền thông địa phương tiết lộ rằng, sự kiện đình công thực sự là một “di chứng của thù hận”. Ông La chỉ ra rằng, chợ Luosiwan là công trình thành tựu do Cừu Hòa xây dựng khi ông ta còn là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vân Nam, kiêm Bí thư Thành ủy Côn Minh, đồng thời là một trong những dự án đầu cầu chiến lược chính thức của Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ nhân dân tệ.
Ông chủ đầu tư vào dự án là Lưu Vệ Cao, một doanh nhân do Cừu Hòa đưa về từ Túc Thiên, tỉnh Giang Tô. Cừu Hòa đã từng sử dụng hàng ngàn công an và quản lý đô thị để cưỡng chế phá bỏ chợ Luosiwan cũ, nơi có hàng chục ngàn thương nhân, và gây ra một sự kiện khốc liệt.
Đến nay việc tranh chấp cưỡng chế phá dỡ này vẫn đang lên men. Đồng thời, tình hình sau khi dự án chợ luosiwan đi vào hoạt động cũng không mấy lý tưởng, đặc biệt là việc Cừu Hòa thất thủ cách đây 5 năm đã trực tiếp khiến dự án và nhà đầu tư Lưu Vệ Cao bị ảnh hưởng.
Sau đó, các quan chức Côn Minh đã tiến hành xây dựng lại, đá Lưu Vệ Cao ra khỏi cuộc, và cho phép công ty bất động sản địa phương Vân Nam Tuấn Áo Côn Minh tiếp quản độc lập, sau đó lại giới thiệu nhà đầu tư địa phương Vân Nam Quân Tước tham gia dự án, nhưng hoạt động vẫn gặp nhiều khó khăn chồng chất.
Theo thông báo từ phía công ty Vân Nam Tuấn Áo gửi cho Cục Thương mại Côn Minh cho thấy, công ty này sẽ trả các khoản vay ngân hàng và lãi suất lên tới 7,1 tỷ nhân dân tệ vào năm tới, vì vậy họ muốn tăng giá thuê mặt bằng của thương nhân.
Chính quyền quận Quan Độ của thành phố Côn Minh phụ trách điều phối vấn đề này tuyên bố rằng, chợ quyết định tăng giá bắt đầu từ ngày 6 tháng này, nhưng sau khi gặp sự cố, tiến trình xử lý tiếp theo chỉ có thể để bộ tuyên truyền đưa ra công bố.
Theo báo cáo, trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã chính thức xây dựng cái gọi là dự án đầu cầu ở tỉnh Vân Nam và Quảng Tây để mở rộng sức ảnh hưởng kinh tế của mình ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển hướng sản xuất sang Đông Nam Á và mục tiêu đạt thành tích lớn của các quan chức đã khiến hầu hết các dự án trở thành ‘bong bóng xà phòng’, thậm chí trở thành một trò lừa bịp kiểu châu Á. Mà theo đó là một lượng lớn người dân đã bị cưỡng chế di dời hoặc phải nộp chi phí cao.
Vụ việc đã gây chú ý trên mạng Trung Quốc. Phóng viên của Soundofhope nhận thấy rằng, một số lượng lớn các tin tức đăng tải việc chính quyền điều cảnh sát đến đàn áp các cuộc biểu tình của các thương nhân đã bị xóa. Mà những bài viết không đề cập đến việc chính quyền điều động cảnh sát vẫn có thể bị kiểm tra như bình thường.
Minh Huy
Theo soundofhope.org