Trung Quốc: Điều gì khiến Vương Kỳ Sơn nói rằng toàn Đảng có thể sụp đổ?
Ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh, việc bắt buộc công khai tài sản của các quan chức cao cấp trong Đảng chính là một mặt trận lớn trong cuộc chiến chống sự sụp đổ toàn diện của Đảng…
Ông Vương Kỳ Sơn đã đạt được quyền thẩm định nhân sự cho Đại hội 19 trong một buổi họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào giữa tháng 3, theo tờ Tranh Minh (Hồng Kông) gần đây đưa tin. Ngoài ra, ông này còn yêu cầu những cá nhân được tuyển lên làm Ủy viên Trung ương, Ủy viên dự khuyết và Ủy viên Ban Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ kỳ thứ 19 phải thực hiện bắt buộc việc kê khai tài sản cũng như quyền cư trú nước ngoài và quốc tịch nước ngoài của vợ/chồng, con cái.
Trong buổi họp ông Vương Kỳ Sơn đã phát biểu rằng: “Cần phải thực hiện một cách rành mạch. Không thể tiếp tục tránh né, thỏa hiệp hay bao bọc thêm nữa”. Ngoài ra, ông này còn nói rằng: Nếu như các Ủy viên Trung ương, Ủy viên dự khuyết và Ủy viên Ban Kỷ luật Trung ương không thể làm được như vậy, không phải là muốn cả hệ thống Đảng sụp đổ hay sao?
Việc bắt buộc công khai tài sản của các quan chức cao cấp trong Đảng chính là một mặt trận lớn trong cuộc chiến chống sự sụp đổ toàn diện của Đảng. Ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh chuyện này, đủ thấy tính trọng yếu của nó đối với tình trạng ĐCSTQ hiện nay thế nào.
Thật ra, công khai tài sản quan chức đã được thực hiện tại rất nhiều quốc gia. Tính đến năm 2017, đã có 97 nước và vùng lãnh thổ phát triển và đang phát triển đưa việc “công khai tài sản quan chức” vào hệ thống pháp luật. Vì sao tại Trung Quốc, việc lập hệ thống công chức kê khai tài sản lại khó thực thi đến vậy?
Trong những năm gần đây, mỗi khi bàn đến việc “kê khai tài sản quan chức” thì đều vấp phải sự phản đối kịch liệt từ trong chính nội bộ ĐCSTQ. Những người phản đối phần lớn là thuộc phe cánh của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Theo thông tin được biết, 4 người đã từng và đang nắm giữ các chức vụ Thường ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ thuộc phái Giang là Tăng Khánh Hồng, Chu Vĩnh Khang, Trương Đức Giang và Trương Cao Lệ đã viện lý do việc công khai tài sản cá nhân sẽ khiến Trung Quốc diễn ra “đại phê phán” và “hỗn loạn xã hội”, 3 lần liên tiếp ngăn cản việc thực thi kế hoạch này.
Theo truyền thông Hồng Kông, ông Tăng Khánh Hồng và gia quyến sở hữu khối tài sản khoảng 45 tỷ nhân dân tệ. Trong một buổi sinh hoạt chính trị của cán bộ đã nghỉ hưu, Tăng Khánh Hồng từng phát biểu rằng: “Cá nhân tôi không có ý kiến gì về việc kê khai tài sản hay quyền di trú. Tuy nhiên, nếu nhìn từ khía cạnh kỷ luật Đảng, việc thực hiện hệ thống kê khai sẽ làm cho trong Đảng và xã hội diễn ra tình trạng đại hỗn loạn, mất ổn định toàn diện cũng như sẽ tạo thành những đợt đại phê phán không cần thiết”. Những lý luận như thế này rất hay được dùng để ngăn chặn việc thực hiện hệ thống kê khai tài sản.
Có thể nhận thấy rằng, việc “kê khai tài sản quan chức cao cấp” trước Đại hội 19 sẽ là trận chiến quan trọng giữa phe của chính quyền đương nhiệm Trung Quốc và phe của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Liệu chính quyền đương nhiệm Trung Quốc sẽ thắng hay chúng ta sẽ nhìn thấy sự sụp đổ toàn diện của ĐCSTQ theo dự đoán của ông Vương Kỳ Sơn?
Theo Trithucvn