Trung Quốc ‘cháy nhà… lòi bất ổn xã hội’
Bắc Kinh cáo buộc một số phần tử Hồi giáo cực đoan nước ngoài đứng sau cuộc bạo loạn mới đây tại khu tự trị Tân Cương, song thực tế tuyên bố này hoàn toàn không có cơ sở, tờ Aljazeera dẫn lời một số chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, Aljazeera cho rằng, Bắc Kinh không thể đưa ra bất cứ bằng chứng nào chứng minh cho nhận định của mình.
“Tuyên bố của giới chức Trung Quốc có nhiều điều mập mờ. Dù quả quyết hai cuộc tấn công trên là kịch bản của các phần tử khủng bố nước ngoài nhưng họ lại không thể đưa ra dẫn chứng cho thấy sự liên hệ giữa hai vụ việc này. Cụ thể, cuộc tấn công hôm 31/7 được xác định là do một nhóm người thuộc cộng đồng Duy Ngô Nhĩ thực hiện song vụ việc ngày 30/7 lại vẫn chưa xác định được danh tính cũng như nguồn gốc hung thủ”, Aljazeera nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo tờ báo này, các nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ quả thực từng có dịp đến địa bàn hoạt động của Taliban tại Pakistan và Afghanistan. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy mục đích chuyến thăm này là để học cách tấn công chống lại Trung Quốc.
“Thật ngớ ngẩn khi cho rằng hung thủ gây ra các vụ tấn công vừa qua tại Tân Cương được đào tạo ở nước ngoài. Họ đơn thuần cáo buộc mà chẳng thể đưa ra căn cứ nào”, Dru Gladney, một chuyên gia về Tân Cương tại Viện nghiên cứu Thái Bình Dương có trụ sở tại Mỹ quả quyết.
Thậm chí, một số chuyên gia còn cho rằng, phong trào ETIM mà giới chức Trung Quốc đang buộc tội từ lâu không còn hoạt động.
“Lâu lắm rồi tôi không thấy bất cứ dấu tích nào của ETIM. Nhiều vụ khủng bố trong khu vực diễn ra trong vài năm qua nhưng ETIM chưa từng lên tiếng nhận trách nhiệm”, Gardner Bovingdon, giáo sư tại Viện nghiên cứu Trung Á thuộc ĐH Indiana cho hay.
Do đó, Aljazeera khẳng định: “Những chính sách không hợp lý của chính quyền đối với bộ phận dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ mới chính là gốc rễ của vấn nạn bạo loạn triền miên tại khu tự trị Tân Cương”.
Aljazeera dẫn lời một số nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ đang sinh sống tại nước ngoài cho rằng, tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc chỉ là “màn phù phép” nhằm che giấu những rạn nứt trong xã hội.
Những nhà hoạt động này nhận định, nhiều người Duy Ngô Nhĩ đang tỏ ra bất mãn với sự phân biệt đối xử trong thị trường lao động và cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển tại Tân Cương chủ yếu chỉ đem lại lợi ích cho những người dân tộc Hán; đồng thời lôi kéo ngày càng nhiều người Hán tới đây sinh sống.
Bên cạnh đó, những nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ cũng đổ lỗi cho nỗ lực hạn chế văn hóa của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ là nguyên nhân gây ra bạo loạn.
Theo họ, cuộc bạo động hồi tháng trước là hậu quả của chiến dịch hạn chế việc sử dụng mạng che mặt toàn bộ của người Hồi giáo tại khu vực này. Dù chính quyền đưa ra lý do có vẻ hợp lý là lệnh cấm này nhằm ngăn chặn tình trạng những kẻ phạm tội đóng giả người Hồi giáo sử dụng mạng che mặt để tránh bị phát hiện nhưng nhiều người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vẫn tỏ ra rất phẫn nộ.
Hơn nữa, dù ngoài mặt đổ lỗi cho khủng bố nước ngoài nhưng dường như giới chức Trung Quốc cũng ý thức rõ rằng nguyên nhân sâu xa của bạo loạn chính là bất ổn xã hội. Ủy ban thường vụ Đảng ủy khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ngày 5/8 vừa qua triệu tập một cuộc họp nhằm đề ra phương hướng nhằm thúc đẩy phát triển và ổn định lâu dài cho khu tự trị Tân Cương.
Tờ Pepole’s Daily thừa nhận, cuộc họp này cần giải quyết được các vấn đề nhân sinh một cách thiết thực và hiệu quả thì mới có thể hạn chế được những mâu thuẫn xã hội.
Trà My tổng hợp (Theo baodatviet)