Video quay lén tiết lộ: Tù nhân làm việc như nô lệ ở các trại lao động Trung Quốc
Hàng loạt các video do một tù nhân trong trại lao động Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc mạo hiểm quay lại đã phơi bày sự tàn ác của một ngành công nghiệp lợi nhuận cao dựa trên sự bóc lột lao động của các tù nhân.
Gia công hàng xuất khẩu sang Mỹ
Tù nhân ở Mã Tam Gia ai cũng biết là họ đang làm ra điốt cho công ty Goodwork có trụ sở tại Đài Loan. Từ năm 2007, trên trang Minghui.org đã xuất hiện những lời buộc tội về lao động nô lệ ở Mã Tam Gia nhân danh Công ty TNHH Điện tử Goodwork Thẩm Dương. Đây là công ty con của Goodwork, cách Mã Tam Gia 40 phút lái xe.
Theo Minghui.org: “Công ty này đã gửi một lượng lớn điốt đến Trại lao động nữ Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh và nhà tù Dabei để gia công và sản xuất. Sau khi được lắp ráp, những sản phẩm này đã được bán ra thị trường quốc tế. Điều này vi phạm luật thương mại quốc tế và quy định về cải tạo trong Luật Lao động [chính quyền Trung Quốc]. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến vấn đề này”.
Các sản phẩm của Goodwork chủ yếu được bán cho Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan, v.v. Công ty này cung cấp điốt cho Panasonic, Matsushita, Sanyo, Hitachi, Kaga, Diamond, Nidec, Pantene, Compel, Dongyang, Microstar, Jean, Three Sona, tuyến tính, Nokia, v.v.
Lạm dụng tù nhân
Tù nhân phải làm việc 15 giờ/ngày để gia công các điốt. Bữa ăn tằn tiện chỉ có đậu hũ và canh bắp cải là những phúc lợi duy nhất họ nhận được.
Guo Jufeng, kỹ sư điện hiện đang sống ở Đức, kể lại rằng:
“Tôi đã bị bắt 4 lần và bị đưa đến 3 trại lao động ở Trung Quốc. Tổng cộng, tôi đã ở tù 454 ngày, chịu hơn 20 hình thức tra tấn. Tôi đã bị buộc phải xử lý điốt. Mỗi ngày, chúng tôi làm việc hơn 16 giờ”.
“Động tác mà chúng tôi cần làm đi làm lại hơn 10.000 lần là dùng tay trái lấy từ trong hộp một nắm điốt rồi ném chúng lên trên miếng cao su trên bàn. Sau đó, chúng tôi dùng tay phải để chà các điốt cong cho đến khi chúng duỗi thẳng. Sau đó, đặt chúng vào hộp phía bên phải. Chúng tôi được cho ăn đúng giờ và ngủ 6 tiếng, chỉ với mục đích là để chúng tôi có thể tiếp tục làm việc. Chúng tôi làm mà không được trả một xu nào.
Nếu không thể làm việc đúng giờ hoặc nói không làm, chúng tôi sẽ bị tù nhân đứng đầu hành hạ và cai ngục tra tấn điên cuồng”.
Cuộc thi làm thẳng điốt
Ngày 3/5/2014, Minghui.org đăng bài “Cuộc thi làm thẳng điốt tại Trại giam Thường Châu ở tỉnh Giang Tô”, nội dung như sau:
“Các tù nhân thường bắt đầu ngày làm việc lúc 6:10 sáng, làm đến 9 hoặc 11 giờ tối. Họ chỉ có 5 phút để ăn sáng và ăn trưa. Họ được cho thời gian để dùng nhà vệ sinh và uống nước.
Trung tâm giam giữ Thường Châu nhận hợp đồng xử lý điốt quanh năm của một công ty điện tử. Nếu chất lượng điốt kém hoặc bị trả hàng, các tù nhân sẽ bị phạt ngồi trên một tấm bảng từ 7 giờ sáng đến 9 giờ 30 phút tối suốt 1 tuần đến 1 tháng. Khi bị phạt ngồi, họ không được đi tắm và bị tra tấn đến chết. Ngồi lâu như vậy, họ không thể đi lại bình thường.
Theo Minghui.org: “Mỗi tù nhân được yêu cầu đánh bóng 10 kg điốt/ngày, cho dù làm vậy khiến ngón tay chảy máu, các khớp xương bị sưng, móng tay bị bong ra và da bị bong tróc. Các trung tâm giam giữ tổ chức một cuộc thi đánh bóng điốt mỗi ngày. 2 tù nhân làm được ít điốt nhất ngày hôm đó phải tăng thêm 2 ca. Họ phải vừa đứng vừa làm việc, chỉ được ngủ 3-4 giờ. Tù nhân nào cũng làm bạt mạng để hy vọng không nằm trong số 2 người làm chậm nhất. Thực tế là, dù làm việc cật lực vẫn luôn có 2 người chậm nhất”.
Với chỉ tiêu 10 kg điốt/ngày, mỗi ngày tù nhân tạo ra giá trị sản phẩm là 2.510 USD theo giá thị trường. Trong khi đó, nhiều trại lao động và nhà tù không trả cho các tù nhân 1 xu nào, còn Mã Tam Gia trả cho tù nhân 10 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 32.000-35.000 VNĐ), tức là khoảng hơn 1.000 VNĐ/ngày. Rõ ràng, hệ thống các nhà tù và trại lao động ở Trung Quốc đã tạo ra một ngành công nghiệp gia công ít vốn, nhiều lời.
Vấn đề lao động cưỡng bức trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung bắt đầu, nhiều người kêu gọi đưa các vấn đề nhân quyền vào các ràng buộc thương mại.
Olivia Enos, nhà phân tích chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Di sản, nói với The Epoch Times rằng, Mỹ có nhiều loại cơ chế để giải quyết vấn đề lao động nô lệ ở Trung Quốc.
Bà Enos cho biết: “Thứ đầu tiên sẽ được cân nhắc dùng đến là Đạo luật toàn cầu Magnitsky”, tiếp đến là “Đạo luật Trừng phạt chống lại những kẻ thù của Mỹ”.
Bà cho biết đạo luật thứ 2 rất quan trọng. Vì nó có khả năng cấm cửa hàng nhập khẩu của các công ty và thậm chí cả các quốc gia, nói chung là nơi nào sử dụng lao động cưỡng bức. Và Mỹ cũng có thể sử dụng các kênh ngoại giao để ngăn các nước khác hợp tác với nước sử dụng lao động cưỡng bức.
- Video quay cảnh một số tù nhân kiệt sức, nằm dưới bàn làm việc
- Video quay ký túc xá của các tù nhân ở Mã Tam Gia
- Video quay một học viên Pháp Luân Công bị đánh vì phản đối cuộc đàn áp ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia
- Video quay căng tin và bữa ăn của tù nhân ở Mã Tam Gia
- Video quay ở trại lao động Mã Tam Gia cho thấy một học viên Pháp Luân Công đang nằm trên giường sau khi bị tra tấn nặng nề vì phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công
- Video quay ở trại lao động Mã Tam Gia cho thấy một học viên Pháp Luân Công bị trói vào giường sau khi bị tra tấn nặng nề vì phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Xuân Nhạn (Theo The Epoch Times)