Trung Quốc âm mưu gì khi thu thập mẫu DNA người dân tại Tân Cương?
Theo một báo cáo mới của Human Rights Watch (HRW), Trung Quốc đã lặng lẽ thu thập dữ liệu sinh trắc học từ hàng triệu người ở Tân Cương. Theo các chuyên gia phân tích, động cơ đằng sau việc này thật đáng ngờ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định việc chính quyền Trung Quốc đang thu thập DNA và các dữ liệu sinh trắc học khác từ người dân phía tây Tân Cương là “vi phạm nghiêm trọng” các quy tắc quốc tế, theo Fox News.
Các nhóm nhân quyền cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã thu thập mẫu DNA, dấu vân tay, quét mống mắt, và nhóm máu của tất cả cư dân từ 12 tuổi đến 65 tuổi tại khu vực này. Mẫu DNA và nhóm máu đang được thu thập thông qua một chương trình khám sức khoẻ hàng năm miễn phí gọi là “Khám sức khỏe cho mọi người”.
Bà Sophie Richardson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Trung Quốc, cho biết: “Các nhà chức trách Tân Cương nên đổi tên chương trình khám sức khỏe của họ thành ‘Xâm phạm riêng tư đối với mọi người’ vì dường như người dân không được thật sự lựa chọn có tham gia hay không”.
Reuters cho biết các nhân viên chính phủ phải “bảo vệ nghiêm túc các quyền hợp pháp của người dân”, nhưng chương trình này lại không đưa ra bất kỳ lựa chọn nào để người dân có quyền từ chối tham gia.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin việc tham gia các chương trình khám sức khỏe là tự nguyện. Nhưng bà Richardson cho biết nó không phải là tự nguyện. Bà Richardson nói: “Số liệu thống kê sinh học bắt buộc cho toàn bộ dân cư, bao gồm cả DNA, là một vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, và nó thậm chí còn đáng quan ngại hơn nữa khi nó được thực hiện một cách lén lút, dưới hình thức một chương trình chăm sóc sức khoẻ miễn phí”.
Ngoài ra, việc thu thập thông tin sinh trắc học của chính quyền Tân Cương cũng bao gồm những người Tân Cương đã di cư sang các vùng khác ở Trung Quốc. Họ được yêu cầu cung cấp cho các cơ quan chức năng địa phương mẫu đặc điểm sinh trắc học của họ.
Hồi đầu tháng 11, Tân Hoa xã đưa tin, năm 2017 đã có gần 19 triệu người tham gia vào cái gọi là kế hoạch “kiểm tra sức khỏe toàn dân” này.
Ba mục đích đáng ngờ
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Epoch Times tại Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội người Duy Ngô Nhĩ, ông Ilyati cho biết, có ba mục đích trong vấn đề thu thập dữ liệu DNA người dân này.
Thứ nhất, lấy mẫu máu phục vụ cho chế tạo vũ khí sinh học. Ông nói, chính quyền ĐCSTQ luôn xem người Duy Ngô Nhĩ như kẻ thù, chỉ muốn hoặc là triệt để đồng hóa, hoặc là tiêu diệt, “Vì vậy họ muốn truyền nhiễm những bệnh tật cho người Duy Ngô Nhĩ mà hệ thống miễn dịch của người Duy Ngô Nhĩ không thể chống lại được, qua đó tiến hành diệt chủng quy mô lớn”.
Thứ hai, biến toàn thể dân tộc Duy Ngô Nhĩ thành kho nội tạng dự phòng cho cấy ghép nội tạng. “Gần đây các sân bay ở Kashgar Tân Cương mở con đường riêng phục vụ vận chuyển nội tạng (đường màu xanh), nếu không phải nguồn nội tạng rất nhiều thì làm sao lại mở một tuyến riêng tại sân bay phục vụ vận chuyển, việc này cho thấy nguồn nội tàng từ vùng này phải dồi dào, còn Kashgar là nơi người Duy Ngô Nhĩ sinh sống đông nhất”.
Thứ ba là có thể kiểm soát cuộc sống của từng người Duy Ngô Nhĩ. Ông Ilyati nói: “Khi có dữ liệu sinh trắc học, việc tìm kiếm một người bất kể họ đi vào hay ra khỏi biên giới là rất dễ dàng”.
Nhận định của chuyên gia y tế Trung Quốc
Đối với việc ĐCSTQ thu thập thông tin nhóm máu và ADN quy mô lớn đặc biệt nhạy cảm này, ông Trần Bỉnh Trung, cựu Viện trưởng Viện Giáo dục Sức khỏe Trung Quốc của Bộ Y tế trả lời tờ Epoch Times rằng, việc kiểm tra y tế sức khỏe luôn theo những mục cố định, chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới được thu thập thông tin sinh trắc học như vậy: “Chẳng hạn như cần cấy ghép nội tạng, nhưng đây chỉ là tỷ lệ một phần mười ngàn; ngoài ra, cấy ghép tủy thì cũng cần, nhưng chỉ khi có vấn đề về chức năng tạo máu, thường thì người bệnh bạch cầu mới làm”.
Theo ông Trần Bỉnh Trung, việc tăng thêm những mục này trong kiểm tra sức khỏe, vô tình đã tăng thêm chi phí y tế: “Bởi vì làm những chuyện này rất tốn kém, nếu không có chỗ dùng thì làm để làm gì? Vì thế không thể không khiến mọi người nghi ngờ”.
Còn vấn đề dùng với vũ khí sinh học, cần cho nuôi trồng virus, ông Trần Bỉnh Trung cho biết, nghiên cứu loại thuốc mới hoặc loại virus mới được nhắm vào mục tiêu nào đó, làm loại thực nghiệm này có thể cần một số đông người tham gia nghiên cứu, thông thường cần khoảng 1.000 mẫu, vì nếu quá lớn thì sẽ tốn kém rất nhiều chi phí.
Nhưng nếu không do mọi người tự nguyện mà bị cưỡng ép, “không giải thích rõ lý do tại sao mà cứ tùy ý thêm mục vào kiểm tra sức khỏe tổng quát, nghiên cứu khoa học như thế là không thể được thừa nhận, vì không hợp pháp, không tuân thủ nguyên tắc”. “Đây là vi phạm nhân quyền”.
Ông Trần Bỉnh Trung cho biết: “Quét hình ảnh mọi người trên một khu vực rộng lớn là chưa từng thấy trên thế giới”. Chính quyền ĐCSTQ làm như vậy khiến mọi người nghi ngờ có động cơ bí ẩn nào đó.
Tân Cương là nơi làm ĐCSTQ khó chịu
Nhà hoạt động nhân quyền Hồ Giai nói: “Đây là họ tự tưởng tượng ra kẻ thù. Trong quá khứ là biện pháp mà chính quyền nhắm vào nghi phạm hình sự, bây giờ đã trở thành biện pháp cho toàn bộ dân tộc Duy Ngô Nhĩ”.
Ông Hồ Giai cho rằng, biện pháp này sau khi áp dụng với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, chắc chắn sẽ lại áp dụng cho người Tây Tạng, trong đó có người Tây Tạng ở Thanh Hải, Tứ Xuyên, phía Nam Cam Túc, Tây Bắc Vân Nam, cũng sẽ được sử dụng đối với người Hán.
Hồ Giai nói, ưu tiên chống khủng bố của ĐCSTQ thực chất là ưu tiên “duy trì ổn định”, là để duy trì chế độ độc tài của Đảng. “Tất cả mô hình áp dụng ở Tân Cương, trong trạng thái cấp bách nhất định đều có thể áp dụng ở bất cứ nơi nào trong cả nước, bao gồm cả cắt mạng Internet, hoặc thậm chí cắt thông tin liên lạc di động. Tân Cương là một nơi để thử nghiệm trước”.
Theo ghi nhận trong tháng 5/2017 của Tổ chức Quan sát Nhân quyền, công an Trung Quốc đã xây dựng được kho cơ sở dữ liệu ADN trên toàn quốc, dữ liệu đã thu thập được hơn 40 triệu người, bao gồm người bất đồng chính kiến và người sống không cố định. Cơ sở dữ liệu DNA cho phép cơ quan an ninh không chỉ có thể tìm kiếm một cá nhân cụ thể mà còn có thể xác định được họ hàng của họ.
Tuệ Tâm (t/h)
>>> Jerusalem được công nhận là thủ đô của Israel – Phúc báo cho một dân tộc dám đứng lên vì chính nghĩa