Trở về với truyền thống mới là đại trí tuệ
Giữa cuộc sống hối hả xô bồ, hãy lắng lòng để cảm nhận sự thư thả do truyền thống xưa mang lại.
Trong nhịp sống hối hả của xã hội ngày nay, mọi người vì để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất làm việc, khi ra ngoài thường sử dụng các phương tiện giao thông như: xe ô tô, xe lửa, máy bay v.v, lại còn có điện thoại di động, máy tính và các loại mạng xã hội khác nữa, nếu so sánh với người thời xưa khi ra ngoài thường cưỡi ngựa, viết thư để liên lạc, thì ngày nay việc trao đổi thông tin có thể nói là vô cùng phát triển.
Thế nhưng, kết quả điều tra cho thấy, hiện nay rất nhiều người cảm thấy thời gian càng ngày càng ít, một ngày dường như chưa làm được gì thì trời đã tối, lại thường cảm giác thể xác và tinh thần đều mệt mỏi, nhưng lại không thể kể ra được mình đã làm những việc gì khiến tiêu hao thể lực đến thế.
Chứng “bệnh hiện đại” này gây bối rối cho rất nhiều người. Đã có lúc tôi cũng rơi vào cái vòng luẩn quẩn ấy. Những lúc như thế, tôi sẽ nhớ đến một câu nói mà cha tôi đã nói với tôi khi tôi còn nhỏ: “Ngày đi ngàn dặm, đêm đi tám trăm”.
Ngựa Hãn Huyết ngày đi ngàn dặm, chuyên tâm mới có thể đi như gió
“Ngày đi ngàn dặm, đêm đi tám trăm” là câu nói xuất phát từ truyền thuyết về ngựa quý Hãn Huyết từ ngàn năm trước, ngựa Hãn Huyết từng được Hán Vũ đế gọi là “Thiên mã” (Ngựa trời), khi đó Hán Vũ đế vì muốn có được nó, từng xuất một trăm ngàn binh mã chinh phạt Nguyệt Thị.
Theo sử sách ghi chép, ngựa Hãn Huyết có khả năng “ngày đi ngàn dặm, đêm đi tám trăm”, vẫn luôn được người đời xem là ngựa tốt hiếm gặp. Truyền thuyết “ngày đi ngàn dặm, đêm đi tám trăm” cũng từ đây mà có.
Thời còn đi học, ban ngày tôi thường lười biếng ham chơi, không làm xong bài tập thì đành phải “chong đèn thức đêm”, vừa làm vừa than thở bài tập sao nhiều quá. Ngày hôm sau cha tôi lại kể tôi nghe vì sao thời xưa ngựa tốt lại ngày đi ngàn dặm, đêm đi tám trăm. “Ngựa thời cổ đại sở dĩ một ngày có thể đi được nhiều đến như vậy, là vì nó tập trung ý chí, không hề lơ là”. Chuyện cũ đã qua, thế nhưng đạo lý bên trong nó thì vẫn mãi khắc ghi trong lòng, đến giờ vẫn còn có ích.
Trong “Cáo tử thượng” của Mạnh Tử có một đoạn thế này: “Kim phu dịch chi vi số, tiểu số dã, bất chuyên tâm trí chí, tắc bất đắc dã”, tạm dịch: Nay đánh cờ là một tài nghệ, dù nhỏ thôi, không chuyên tâm chú ý, thì cũng không thành.
Trước đây, có một danh thủ đánh cờ tên Thu, vì kỳ nghệ của ông ấy rất cao, thế nên người ta gọi ông là Dịch Thu. Có một lần, Dịch Thu thu nhận hai học trò, để cả hai lên lớp cùng với nhau. Ông muốn hai học trò của mình mau chóng nắm được bí quyết, nên rất cố gắng dạy dỗ.
Một người học trò nghe giảng rất chăm chú, một lòng một dạ chú ý cách giảng giải và phân tích của Dịch Thu, những chuyện khác hoàn toàn không để ý tới. Người học trò còn lại, dù rằng anh ta ngồi ở đó, nhưng thực tế thì lòng dạ lại không yên. Anh ta chốc chốc thì nhìn ngắm rừng cây và đồng ruộng ngoài cửa sổ, chốc chốc lại nghe ngóng tiếng chim nhạn trên trời.
Khi anh ta phát hiện có mấy con thiên nga bay đến, liền nghĩ: “Nếu như có một cây cung, mấy mũi tên, bắn một con thiên nga rồi nấu lên ăn, vậy thì tốt biết bao nhiêu!” Không bao lâu, anh ta không nhịn nổi lại nhìn ra cửa sổ, phát hiện lại có một con thiên nga nữa bay qua, liền lại có ý nghĩ bắn thiên nga nấu ăn, cho đến khi Dịch Thu đã giảng bài xong, anh ta cũng không để ý.
Lúc này, Dịch Thu gọi hai học trò lại đấu một ván cờ, xem bọn họ rốt cuộc đã học được những gì. Mới đầu, người học trò không tập trung kia còn có thể dựa vào căn bản lúc trước học miễn cưỡng ứng phó được một lúc, nhưng dần dần cũng lộ ra chỗ thua kém. Còn vị học trò chăm chỉ thì chơi có thứ tự, công hay thủ đều nhẹ nhàng ung dung, người học trò lơ là kia thì chỉ có thể chống đỡ, không có khả năng tấn công ngược lại.
Dịch Thu thấy thế, liền nói với hai người học trò: “Tuy chơi cờ chỉ là một tài nghệ nhỏ, không tính là bản lĩnh lớn lao gì, nhưng nếu không chuyên tâm chăm chỉ học, thì cũng không học giỏi được!”
Điều khiển điện thoại di động khiến tâm trạng không yên, trở về với truyền thống lại trở nên thoải mái
Con người ngày nay luôn bị những thứ bên ngoài tác động, mọi người đều cắm cúi vào điện thoại, con người không còn yêu thích sách giấy nữa, mà lại yêu thích công nghệ cao, kéo theo đó là tâm trạng bất ổn, làm việc không thể tập trung.
Trong cuộc sống xã hội rực rỡ phồn hoa như hiện tại, mạng internet lại không phải hoàn toàn trong sạch, mà tràn ngập những thông tin về tình dục, bạo lực và phá hoại. Con người dưới sự tác động của dục vọng bị cuốn theo mà không thể tự mình thoát ra được, trong đầu chỉ toàn những thông tin như thế, chắc chắn sẽ dẫn đến thần kinh bị sa sút, đánh mất ý chí. Mà các thiết bị điện tử lại có bức xạ, sẽ gây tác dụng phụ diện đối với cơ thể con người, thường thấy nhất chính là đầu óc mơ màng, không thể tập trung tinh thần làm việc, thường xuyên cảm thấy chán nản mệt mỏi.
Bởi vì con người càng ngày càng ỉ lại vào các công cụ thiết bị hiện đại, gần như chỉ cần rời khỏi điện thoại hoặc máy tính thì sẽ lâm vào cảnh không biết phải sống như thế nào, nhưng nếu sử dụng không có chừng mực thì sẽ dẫn đến rất nhiều tác hại.
Tôi từng lo lắng buổi sáng không dậy nổi, nên buổi tối đã đặt đồng hồ báo thức trên điện thoại, để ở bên cạnh giường, lúc mới đầu cũng có tác dụng, nhưng về sau vì sáng sớm ngủ quá say nên thực sự không nghe thấy tiếng chuông báo thức.
Tai hại nhất chính là tạo thành thói quen phải nghịch điện thoại trước và sau khi ngủ, ngoài việc tốn rất nhiều thời gian ra, đầu óc lại còn thường hay mơ hồ, lên tàu điện ngầm là lại ngủ thiếp đi. Dường như ngủ bao nhiêu cũng không đủ, việc này khiến tôi vô cùng lo lắng.
Dần dần, tôi bắt đầu học theo người xưa nghe tiếng gà gáy thì dậy, mặt trời lên thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi, sống cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Nhưng tôi lại lo lắng không có đồng hồ báo thức thì sẽ dậy trễ hơn nữa, không dùng điện thoại thì sẽ càng bất tiện hơn, quá nhiều suy nghĩ khiến tôi do dự.
Mãi cho đến một ngày khi tôi đọc một quyển sách, từ trong sách tôi phát hiện được rằng:
Người càng ít suy nghĩ phức tạp, càng đơn thuần, làm việc sẽ càng tốt, càng hiệu quả. Lúc ấy tôi dường như nghe được một thanh âm đang cổ vũ tôi trở về với truyền thống, người và trời hợp làm một sẽ có được trí tuệ lớn hơn nữa.
Từ tối hôm đó trở đi, tôi tắt điện thoại, bỏ ra xa, tắt luôn cả chuông báo thức, trước khi đi ngủ tôi yên lặng đọc sách hai tiếng đồng hồ, nửa đêm nằm xuống ngủ, trước khi ngủ niệm thầm trong lòng: thuận theo tự nhiên, sẽ đạt được kết quả tốt nhất.
Sáng sớm ngày hôm sau tự động thức dậy. Ngủ dậy rửa mặt rồi ăn sáng, lại đọc sách một lúc nữa, sau đó ra công viên tập thể dục, bảy giờ rưỡi ra khỏi nhà lên tàu điện ngầm đi làm, trên đường đi tinh thần sảng khoái, không hề buồn ngủ chút nào. Trong lúc làm việc cũng không ngừng tự khống chế bản thân phải tập trung tinh thần cao độ, không được để bất kỳ việc gì ảnh hưởng, cứ thế cả ngày làm việc rất hiệu quả, suy nghĩ lại rõ ràng.
Công việc mà bình thường trong mười tiếng đồng hồ làm không xong, chỉ trong ba tiếng đã hoàn thành. Mặc dù chưa đạt đến “ngày đi ngàn dặm, đêm đi tám trăm”, nhưng so với trước đây đã là sự thay đổi lớn, hơn nữa chứng đau đầu làm phiền tôi rất lâu cũng không cánh mà bay.
Những ngày sau đó cho dù là cuộc sống hay công việc đều càng ngày càng đi vào quỹ đạo. Lần này tôi như được tiếp thêm sức mạnh, tự mình trải nghiệm việc người và trời hợp nhất, trở về với truyền thống mới là trí tuệ cao hơn cả.
Tiểu Minh (Theo Secret China)