Trở thành người thực vật sau vụ tai nạn kinh hoàng, cô gái dùng nghị lực để ‘sống lại’
Trong một lần cùng mẹ đi mua sách cách nhà khoảng 200m, cô bé 6 tuổi Dương Thị Thái không may bị xe khách tông trúng, vụ va chạm đã biến cô thành người thực vật trong một thời gian dài.
Gần 2 giờ chiều ngày 12/08, chị Dương Thị Thái (25 tuổi) chuẩn bị sách và đề cương để dạy trẻ khiếm thị tại Trung tâm Bảo trợ Khiếm thị Nhật Hồng (TP.HCM). Chị vào lớp với bước chân tập tễnh có phần nặng nhọc, đó là di chứng của vụ tai nạn năm lên 6 tuổi.
Bị xe khách tông bất tỉnh, bệnh viện lắc đầu trả về
Bà Nguyễn Thị Lan Anh (51 tuổi, mẹ của Thái) kể, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào một ngày chủ nhật của năm 2003.
Lần đó mẹ đưa Thái đi bộ ra hiệu sách, cách nhà khoảng 200m, để mua sách giáo khoa lớp 1. Đến đầu ngõ, mẹ quên tiền nên quay lại lấy, dặn Thái đứng ở đó đợi. Khi mẹ vừa bước đến cổng thì nghe một tiếng nổ rất to. Quay lại không nhìn thấy con đâu, mẹ hốt hoảng chạy ra thì thấy con nằm bất tỉnh gần chiếc xe khách 24 chỗ đã bị móp phần đầu.
Người dân thôn 6, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, lập tức chạy tới, cùng tài xế phụ giúp đưa Thái đến bệnh viện.
Vụ tai nạn giao thông quá nghiêm trọng khiến hộp sọ trái của Thái bị vỡ, cô bé 6 tuổi nằm ở bệnh viện tỉnh đến ngày 14 thì bị ‘trả về nhà’ trong tình trạng thở oxy. Các bác sĩ đều lắc đầu, ai cũng nghĩ cô sẽ không qua khỏi hoặc phải sống thực vật cả cuộc đời còn lại.
Về nhà, Thái hôn mê liên tiếp 28 ngày. Đến ngày 29 cô bé tỉnh lại nhưng trong trạng thái thực vật, mắt có thể nhìn thấy, có thể hiểu mọi người đang nói gì nhưng cơ thể lại không phản ứng được.
Nỗi tuyệt vọng của cô bé 6 tuổi và tình thương bao la của mẹ
Mẹ rất thương con gái và không ngừng hy vọng một ngày nào đó con sẽ hồi phục. Nhờ sự chăm sóc của mẹ, sức khỏe của Thái dần cải thiện một cách kỳ diệu. Cô có thể bật ra tiếng ‘có, dạ, không’, những từ tưởng chừng đơn giản nhưng với Thái là cả một kỳ tích.
Mẹ thấy con gái có khả năng hồi phục, vui mừng khôn xiết, tiếp tục dạy con bước từng bước một, cho đến khi Thái có thể tự đi.
Nhớ lại khoảng thời gian ấy, Thái lại xúc động: “Những ngày sống thực vật, tôi rất tuyệt vọng. Tôi mới đi học lớp Một được 3 tháng thì lại nằm một chỗ không vận động được. Tôi biết mẹ rất thương con, cứ nghĩ đến mẹ là lòng tôi đau lắm”.
Một năm sau, Thái có thể nói và đi lại, vận động dù không nhanh nhẹn như trước. Cô được mẹ cho đi học lại lớp Một. Nhưng với cái đầu bị lõm một bên và nửa người bên phải yếu, Thái mặc cảm và tự ti vô cùng.
“Ở trường, các bạn toàn gọi tôi là ‘Thái khèo’ vì chân tay co quắp không được bình thường. Trong suốt 4 năm học đầu tiên, hầu hết thời gian trên lớp tôi toàn lủi thủi một mình, phần vì ngoại hình xấu xí kỳ lạ, một phần không dám chơi vì sợ các bạn trêu chọc, một phần là do mình học kém”, Thái kể.
Thái học kém vì tay phải không viết được, nó rất cứng và gần như bị liệt. Kết quả học tập vì thế ngày càng thảm bại, chỉ đủ để qua môn. Mãi đến năm lớp 4, Thái mới có thể dùng tay trái để viết nhưng thành tích của cô vẫn không mấy cải thiện. Ngày nào đi học về, mẹ cũng đều phải giảng lại bài cho cô.
Một lần nghe mẹ nói với người chị và em gái của cô rằng: “Các con phải học giỏi để sau này chăm Thái”. Nghĩ mình là gánh nặng của gia đình, Thái buồn tủi và quyết tâm dùng nghị lực để thay đổi cuộc đời. Cô lấy đó làm động lực để cố gắng học.
Thấy sự quyết tâm của Thái, cô giáo chủ nhiệm lớp 4 cũng giúp đỡ em ôn thi và đưa đón đến trường. Nhà cô giáo cách trường 5km, sáng nào cô cũng qua đón Thái đi học, chiều lại đưa về. Nhìn cô giáo chăm chút và thương mình như vậy, Thái lấy đó làm hình mẫu, nuôi ước mơ làm giáo viên.
‘Tai nạn cướp đi sức khỏe nhưng cho tôi nhiều nghị lực và yêu thương’
Những tưởng cuộc đời cứ thế bình lặng trôi đi nhưng đến năm lớp 10, Thái lại có biểu hiện lạ, liên tục bị run chân tay một cách không kiểm soát. Bà Lan Anh đưa Thái lên bệnh viện Chợ Rẫy khám, bác sĩ phát hiện hộp sọ của Thái đã chết, bị sập và ăn mòn trong não. Thái phải ghép hộp sọ nhân tạo gấp nếu không sẽ liệt toàn thân. Từ đó, Thái phải dùng hộp sọ nhân tạo suốt đời.
“Bao nhiêu lần đối mặt với tử thần là bấy nhiêu lần tôi thấy mình như đã chết đi và được sống lại. Những lúc như vậy, mẹ luôn ở bên động viên tôi: ‘Cố gắng lên nhé con, mẹ sẽ luôn ở bên con, mẹ rất tự hào về nghị lực của con’. Đó là động lực cho tôi tiếp tục sống và sống tốt”, cô gái 25 tuổi chia sẻ.
Sau đó Thái quyết tâm thi đại học. Ngày thi cô được đặc cách ngồi riêng một phòng, đọc đáp án để thầy cô viết hộ. May mắn, Thái đậu trường Cao Đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, ngành Giáo dục đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp bậc Cao đẳng, Thái tiếp tục ra TP.HCM học lên Đại học để trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng nghề giáo.
“Vụ tai nạn đó đã cướp đi sức khỏe của tôi nhưng nó cũng cho tôi nhiều nghị lực và sự thương yêu. Tôi không than phiền hay trách móc cuộc đời bất công mà luôn trân trọng cuộc sống, chỉ biết vươn lên”, Thái mạnh mẽ nói.
‘Khuyết tật không phải là gánh nặng, nó chỉ bất tiện thôi’
Sau khi ra trường, Thái làm việc tại Trung tâm Giáo dục Đặc biệt – Năng khiếu Sài Gòn. Lần đầu làm công việc chính thức, không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng sức khỏe vẫn là vấn đề khiến Thái lo lắng hơn cả. Mỗi lần lên bục giảng, chân tay cô lại co quắp, run rẩy khó khăn trong vận động.
“Sau một giờ đứng lớp, đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống vì quá sức. Nhưng với tôi, việc đứng trên bục giảng, chứng kiến sự tiến bộ của các em học sinh là hạnh phúc. Nhìn các em, tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác”, Thái chia sẻ.
Sau một thời gian, Thái chuyển sang Trung tâm Bảo trợ Khiếm thị Nhật Hồng làm việc. Cô sau đó chuyên tâm soạn sách và đề cương chữ nổi cho trẻ khiếm thị để phù hợp với sức khỏe của mình.
Chia sẻ về công việc hiện tại, Thái không giấu nổi niềm tự hào, bởi với cô đó là kết quả của hành trình dài đầy nghị lực và cố gắng. Ước mơ của một cô học trò lớp 4 nay đã thành hiện thực, dù nhiều lần cô không nghĩ mình có thể sống tiếp để thực hiện nó.
Để có thành quả như ngày hôm nay, Thái luôn lấy mẹ và gia đình làm điểm tựa vững chắc, cố gắng vượt lên chính mình. Thái chia sẻ, dù có là cô giáo gắn sọ nhân tạo cả đời thì cô cũng rất vui vì mình không phải là gánh nặng của gia đình và xã hội. Đối với cô, “khuyết tật không phải là bất hạnh, nó chỉ là bất tiện thôi”. Tay chân của cô có thể không lành lặn, nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn. “Tôi tin nó có thể thay đổi được cuộc đời những em nhỏ cùng hoàn cảnh”.
Xuân Hạ (t/h)