Trí tuệ Vương Dương Minh: Phá giặc trong núi thì dễ, phá giặc trong tâm mới khó
Dương Minh cho rằng: “phá giặc trong núi dễ, phá giặc trong tâm khó’. Chỉ diệt trừ hành vi trộm cắp, thì có gì đáng kể. Nếu như có thể tiêu diệt được kẻ cướp trong tâm, thì đó mới chính là thành tựu lớn nhất của bậc đại trượng phu”.
Vương Dương Minh, còn gọi là Vương Thủ Nhân, là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Triết học của ông không phải triết học không tưởng trong thư phòng, đó là thứ triết học thực tế hữu dụng: áp dụng vào chính trị.
Vương Dương Minh có thể gọi là chính trị gia hàng đầu, những đối thủ tranh đua với ông cho dù mạnh mẽ thế nào cuối cùng cũng chịu thất bại; áp dụng trong chiến tranh, Vương Dương Minh là một nhà quân sự đáng sợ nhất, có sức mạnh vô địch.
Tháng giêng năm Chính Đức thứ 13, Vương Dương Minh trước khi tấn công sơn tặc, đã viết thư cho đệ tử Tiết Khản như sau: “Hôm nay đã đến Long Nam, ngày mai sẽ tiến vào sào huyệt của quân địch, binh lính từ 4 phía đã đổ về theo kế hoạch, những tên cướp ắt sẽ bị triệt hạ.
Tuy nhiên, ‘phá giặc trong núi dễ, phá giặc trong tâm khó’. Chỉ diệt trừ hành vi trộm cắp, thì có gì đáng kể. Nếu như có thể tiêu diệt được kẻ cướp trong tâm, thì đó mới chính là thành tựu lớn nhất của bậc đại trượng phu”.
Giặc ở trong tâm, hoành hành chỉ trong một tấc nhưng lại vi phạm đạo trời, nghịch với tình người, có thể được xem là tai họa của nhân tâm. Cái gọi là “giặc ở trong tâm”, nói chung thì có “giặc danh”, “giặc lợi”, “giặc quyền”, “giặc sắc” v..v…, cũng có các loại giặc như được và mất, vinh và nhục, lợi và hại, sống và chết; lòng người vốn đã có rất nhiều kẻ trộm, vậy chúng ta nên làm thế nào để dẹp yên chúng?
Vương Dương Minh cho rằng có ba cách để phá giặc trong tâm
Thứ nhất là ngồi yên. Cái ngồi yên mà Dương Minh nói, một mặt là bởi lòng người ham muốn theo đuổi vật chất, chỉ mong cầu công danh, tư lợi, quyền cao, sắc đẹp, cho nên muốn thông qua việc ngồi yên mà tìm lại cái tâm đã bị đánh mất; mặt khác, thông qua việc tĩnh tọa để “truy tìm và quét sạch những ham muốn về công danh, sắc đẹp… ra khỏi tâm mình”.
Thứ hai là rèn luyện trong mọi việc. Sở dĩ Dương Minh đưa ra việc rèn luyện trong mọi việc, là bởi vì trong quá trình ngồi yên, có người sẽ lẳng lặng nhìn thấy quang cảnh thì cho rằng đã học được tất cả, trong khi có người thì lại có xu hướng thích ngồi yên không cử động, chỉ mong có thể ngồi yên, bỏ qua mọi chuyện trên đời. Cái gọi là rèn luyện mài giũa trong mọi việc, chính là trong quá trình đối nhân xử thế, biết mài giũa ý chí, diệt trừ lòng tham danh lợi, quyền chức, sắc đẹp.
Thứ ba là lương tri. Nếu như nói ngồi yên là dụng công trong lúc “tĩnh”, rèn luyện trong mọi việc là dụng công trong lúc “động”, còn Lương tri thì lại là một sự kết hợp tĩnh động, cho dù đó là tĩnh hay động, thì đều cần có lương tri. Dương Minh cho rằng: “Nếu như tiêu diệt được giặc trong tâm, từ đó khiến tâm thuần tịnh, thì đó chính là một thành tựu lớn nhất của bậc đại trượng phu”.
Tục ngữ có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, cũng chính là nói thay đổi lòng người là một chuyện khó khăn hơn thay đổi đất nước; giống như Vương Dương Minh đã nói rằng: “Diệt giặc trong núi dễ, diệt giặc trong tâm mới khó”.
Có thể thấy rằng, thực sự thay đổi được tâm của mình không phải là một nỗ lực có thể đạt được trong ngày một ngày hai, mà điều đó cần phải rèn luyện mỗi ngày, không ngưng nghỉ, giống như gương đồng khi xưa vậy, phải không ngừng lau chùi sạch sẽ thì mới sáng tỏ, vì vậy mới có câu nói “Tâm sáng như gương”.
Cảnh giới cao nhất của việc tu tâm chính là đạt được “tâm sáng như gương”. Đó cũng chính là điều mà Vương Dương Minh mong cầu học được: “Tri hành hợp nhất minh tâm kiến tính”, tức là hiểu biết đi đôi với thực hành, sẽ thấy được tâm tính chân thật của chính mình.
Nếu bạn cảm mọi việc đều tệ hại, có lẽ bạn nên nhìn vào tâm của mình, hãy lục tìm những thói xấu trong nội tâm, vượt lên chính mình.
>>> Triết gia Vương Dương Minh: Phiền não đều bởi tâm, tự tại cũng do tâm
Học tập không thành, sự nghiệp thất bại, có người đổ lỗi những chuyện này cho hoàn cảnh xung quanh. Dường như chỉ cần thay đổi hoàn cảnh khách quan và cải thiện các điều kiện bên ngoài, thì sẽ như nước chảy thành sông mà hướng về cuộc sống viên mãn vậy. Tuy nhiên, nếu vấn đề nằm ở chính bản thân, mà cứ bắt bẻ hoàn cảnh bên ngoài thì cũng không có ích lợi gì cả.
Phàm là người muốn dưỡng thân, thì trước tiên phải tự dập tắt sự nóng giận; người muốn bảo vệ được gia đình, thì trước tiên phải từ bỏ ước vọng xa vời.
“Giám tâm lục” là một phần quan trọng trong cuốn “Tiểu song ưu ký”. Trong “Giám tâm lục” viết rằng: “Cố gắng ban đầu còn lúc sau lười biếng, đó là giặc trong lập nghiệp; Chậm rãi ban đầu, lúc sau vội vã, đó là giặc trong giải quyết vấn đề; Nóng vội thiếu kiên nhẫn, tạo ra giặc về đức hạnh; Khắt khe dò xét, chính là giặc nơi công cộng”.
Chúng ta phòng ngày phòng đêm, chấp nhặt tất cả mọi thứ, nhưng lại chọn lựa trốn tránh tâm của chính mình. Có lẽ chỉ khi chúng ta diệt trừ được “giặc” trong tâm mình, thì vấn đề mới có thể được giải quyết triệt để.
Cố gắng ban đầu lúc sau lười biếng, đó là giặc trong lập nghiệp
Các thành tựu trong sự nghiệp, học tập và gia nghiệp, đều luôn đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ từ đầu đến cuối. Trong “Kinh Thi” ghi rằng: “Mọi chuyện đều có sự bắt đầu, nhưng ít khi tiếp tục được đến cùng”. Vào chặng cuối của sự nghiệp mà còn có thể duy trì sự nỗ lực hay lý tưởng ban đầu là rất hiếm.
Khi bắt đầu sự nghiệp, người ta thường thiếu kinh nghiệm, nên luôn có ý chí mạnh mẽ và dũng cảm thực hiện những bước đầu tiên dưới sự chiếu rọi của lý tưởng. Tuy nhiên, theo sự tăng tiến của sự nghiệp, các vấn đề chi tiết phát sinh càng ngày càng nhiều, những khó khăn thực tế hết cái này đến cái khác liên tục xuất hiện, khiến người ta khó mà ứng phó được, trở nên bất lực. Đây thực sự là một biểu hiện thiếu phương pháp làm việc.
Nếu như bạn không thể đối mặt với những khó khăn, điều chỉnh chiến lược kịp thời, càng gặp khó khăn càng mạnh mẽ hơn, thì bạn sẽ dễ dàng thay đổi lý tưởng của mình và từ bỏ con đường đã đi. Nhưng những người không thể làm việc có đầu có đuôi, thì cho dù họ có thay đổi hướng khác đi nữa thì cũng sẽ không làm nên được gì cả. Có thể thấy rằng giặc “cố gắng ban đầu lúc sau lười biếng” trong lập nghiệp đã giết chết biết bao nhiêu người có lý tưởng cao cả.
Từ tốn ban đầu lúc sau vội vã, đó là giặc trong giải quyết vấn đề
Sở dĩ có rất nhiều người đầu voi đuôi chuột là do họ chưa tìm được đúng phương pháp làm việc. Phương pháp làm việc kỵ nhất chính là chậm rãi ban đầu lúc sau vội vã.
Chậm rãi ban đầu lúc sau vội vã, chính là trước khi làm việc thì từ tốn chậm rãi, lan man lê thê, không chuẩn bị sẵn sàng, đến lúc thật sự làm việc thì mới vội vã gấp rút xử lý. Nói tóm lại thì điều này thực sự là một tâm thái phóng túng.
Lữ Khôn thời nhà Minh từng nói rằng: “Lúc nhàn rỗi không buông lơi, khi bận rộn ắt có thể dùng đến”. Khi mà mọi chuyện còn chưa bắt đầu có sự chuẩn bị trước, học cách xem xét các liên kết phức tạp giữa mọi sự mọi vật, không bỏ lỡ những chi tiết nhỏ, thì khi sự việc thật sự bắt đầu diễn ra mới có thể dễ dàng xử lý.
Nóng vội thiếu kiên nhẫn, tạo ra giặc về đức hạnh
>>> Giấc mơ ứng nghiệm của Vương Dương Minh – Đời người hóa ra đều được an bài từ trước
Nguyên nhân gốc rễ của việc chậm rãi ban đầu lúc sau vội vã là do tính tình nóng vội thiếu kiên nhẫn. Tên giặc “nóng vội thiếu kiên nhẫn” không chỉ làm cho mọi chuyện bất thành, mà còn dễ dàng làm tổn hại đến việc tu luyện đạo đức của chúng ta.
Một người nóng vội, có lẽ chỉ ảnh hưởng đến một người. Tuy nhiên, nếu sự nóng vội này lan rộng đi, thì sẽ tạo thành một bầu không khí ngột ngạt trong xã hội hiện đại. Doanh nghiệp hấp tấp, vồn vã vì lợi nhuận, nên đã làm nảy sinh ra một loạt các vấn đề nghiêm trọng như sữa độc, trứng độc, dầu ăn từ cống, công trình thối nát v.v.
Như vậy, vấn đề đạo đức do sự nóng vội thiếu kiên nhẫn tạo ra, đã dẫn tới các vấn đề pháp lý, vấn đề môi trường, và cuối cùng là vấn đề sống còn của toàn bộ nhân loại.
Xã hội được hợp thành từ các cá nhân, nếu như mỗi người có thể bớt tính nôn nóng đi một chút, thì bầu không khí đạo đức của xã hội có thể truyền mãi về sau vô thời hạn.
Khắt khe dò xét, chính là giặc nơi công cộng
Những người nóng vội dễ dàng cư xử ăn nói với người khác một cách khắt khe giận dữ. Bởi vì lòng không yên, cho nên họ tỏ ra khắt khe dò xét với người khác, một khi họ bắt được những sai lầm nhỏ của người khác, sẽ liền làm lớn chuyện lên, thậm chí là mở miệng chửi mắng. Điều này chắc chắn không phải là phép tắc đúng mực ở nơi công cộng.
Một người với ánh nhìn dò xét xem thường người khác, trong mắt người khác họ giống như vua chúa thiên hạ vậy, không ai dám đắc tội. Vì vậy, những người như vậy dường như có một sự uy nghi. Nhưng những người chỉ biết dùng biểu cảm khuôn mặt để đánh giá người khác như vậy, về cơ bản mà nói chỉ là những người tu vi chưa đủ mà thôi. Họ chỉ giống như một bình nước chỉ đầy một nửa, tự mãn đắc ý, không biết tự xem xét lại bản thân. Theo thời gian, những người xung quanh đều sẽ nhìn thấy được điều này ở họ, rồi họ còn có thể tìm được người bạn tri kỷ nào nữa không?
Nghiêm ngặt với bản thân, khoan dung với người khác xưa nay luôn là phương pháp ứng xử xã hội đúng đắn
Nếu muốn sự việc thành công, nhiều khi điều cốt yếu không nằm trong chính sự việc đó, mà là do bản thân người thực hiện sự việc. Cố gắng ban đầu lúc sau lười biếng, chậm rãi ban đầu lúc sau vội vã, nóng vội thiếu kiên nhẫn, khắt khe dò xét, liệu rằng có bao nhiêu người không thể vượt qua những chướng ngại đó? “Diệt giặc ở núi thì dễ, diệt giặc trong lòng mới khó”, điều đáng quý của con người chính là có thể đối đầu với khó khăn mà bước tiếp.
>>> Câu chuyện luân hồi của Dương Vương Minh: Kiếp người ngắn ngủi, hãy sớm tu hành
Tuệ Tâm, theo One Site World