Trên “tầu tốc hành” rời Eurozone, Hy Lạp xích gần Nga?
Ngày 5/7, gần 2/3 cử tri Hy Lạp bỏ phiếu phản đối các điều kiện mà chủ nợ đặt ra gắn với một khoản cứu trợ mới dành cho nước này.
Đây là sự kiện đỉnh điểm của một tuần lễ hoảng loạn chứng kiến Athens vỡ nợ trước IMF, tê liệt tài chính và phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn.
Theo nhà báo Emma Ashford của CNN, quyết định của cử tri Hy Lạp sẽ làm tồi tệ hơn những bất ổn kinh tế mà nước này đã phải hứng chịu lâu nay. Và mặc dù giới chức Athens lập luận, một cuộc bỏ phiếu “Không” đơn giản chỉ là một sự ủy nhiệm để họ tiến hành đàm phán sâu hơn, thì đông đảo dư luận vẫn tin rằng cuộc bỏ phiếu sẽ đặt Hy Lạp vào một con tàu tốc hành rời khỏi Eurozone (được gọi là Grexit). Và trong khi tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng đang lan tỏa khắp châu Âu thì những chỉ dấu an ninh của một “Grexit” cũng gây lo ngại không kém những chỉ dấu về tài chính. Trước hết, gần như chắc chắn là một Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ đẩy nước này tiến gần hơn tới Nga, làm sâu sắc thêm những phân rẽ vốn có trong nội bộ NATO. Quan hệ Hy Lạp – Nga đã được cải thiện sau chiến thắng bầu cử của đảng cánh tả Syriza hồi tháng 2, và các nhà lãnh đạo Hy Lạp không giấu giếm thực tế rằng họ coi Moscow có thể là một nguồn cung cấp tài chính thay thế nếu đàm phán với châu Âu thất bại. Mối quan hệ gắn bó truyền thống của Syriza với Nga càng được tăng cường thông qua một loạt chuyến thăm lẫn nhau mới đây giữa Moscow và Athens. Điển hình, trong chuyến công du mới đây tới Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã nói về mối quan hệ song phương, ngụ ý Hy Lạp “sẵn sàng tới những vùng biển mới để tiếp cận những bến cảng an toàn mới”. Các quan chức Nga bác bỏ thông tin họ đã cung cấp viện trợ tài chính cho Hy Lạp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga mới đây đã thông báo một dự án đường ống dẫn khí 2,77 tỷ USD ở Hy Lạp, và Moscow còn đưa ra lời mời không chính thức với Hy Lạp tham gia Ngân hàng Phát triển Mới của khối BRIC. Có thể nói, tác động ban đầu của một Grexit sẽ là tạo cho Nga một cơ hội tuyên truyền tuyệt vời. Các đài truyền hình Nga sẽ nhắc đến bằng chứng về một EU nói riêng và một nền văn minh phương Tây đang rệu rã. Và quan hệ thân thiết hơn giữa Nga và Hy Lạp còn có thể có những tác động an ninh lâu dài đối với EU và NATO. Cấm vận mà EU áp đặt lên Nga vì xung đột ở Ukraina đã được mở rộng từ ngày 22/6 nhưng thời hạn này cũng chỉ đến tháng 1 tới. Trước kia, giới chức Hy Lạp đã phản đối mạnh mẽ cấm vận nhằm vào Moscow. Và nay, cho dù có rời khỏi Eurozone thì Hy Lạp có thể vẫn là một thành viên châu Âu nên họ không có gì nhiều để mất nếu phủ quyết bất kỳ một sự gia hạn trừng phạt nào nữa nhằm vào Nga trong tương lai. Hy Lạp còn giữ một vị trí quan trọng về chiến lược ở đông nam châu Âu và trên Biển Aegean. Các mối quan hệ thân thiết hơn giữa Hy Lạp và Nga làm tăng khả năng Athens có thể cho phép tàu thuyền của Nga sử dụng các cảng biển của Hy Lạp. Viễn cảnh này sẽ khiến NATO vô cùng lo lắng, vì nó cho phép Nga mở rộng ảnh hưởng quân sự không chỉ ở Crưm và Biển Đen, mà còn củng cố được chỗ đứng mạnh mẽ hơn ở Địa Trung Hải. Không chỉ có vậy, một Grexit và mối quan hệ Athens-Moscow gắn bó có thể khiến Hy Lạp rút hẳn khỏi NATO và chuyển sang hợp tác chặt chẽ hơn với Nga về an ninh. Từng có tiền lệ: Hy Lạp rút khỏi NATO từ năm 1974 đến 1980. Nếu điều này lặp lại thì NATO sẽ mất các căn cứ mang tính chiến lược và gánh nặng ngày càng lớn về hỗ trợ các nhu cầu an ninh phía nam của Khối sẽ được đặt lên vai Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 7/7, các lãnh đạo châu Âu sẽ họp khẩn để quyết định tương lai của Hy Lạp. Kết quả trưng cầu dân ý ngày 5/7 đã đẩy họ vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Họ có thể đưa ra một thỏa thuận cứu trợ hào phóng hơn trong nỗ lực giữ Hy Lạp ở lại khối Eurozone, hoặc bắt đầu một tiến trình chia rẽ đầy nguy hiểm và tốn kém. Làm như vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ phải chấp nhận không chỉ một cuộc khủng hoảng tài chính mà còn cả những tác động an ninh đáng lo ngại của một thành viên EU và NATO đang trượt sang quỹ đạo của Moscow. Thanh Hảo |
Theo VietnamNet