Trẻ em Trung Quốc sẽ không còn được thừa hưởng tín ngưỡng từ thế hệ đi trước
ĐCSTQ ngày càng đàn áp tôn giáo hung hãn hơn. Ở một số vùng, đảng này đang buộc những người trí thức như bác sĩ, luật sư và giáo viên phải tuyên bố mình là người vô thần. Ngoài ra, trẻ em cũng bị cấm không được tiếp thu các truyền thống tôn giáo và tín ngưỡng của cha mẹ.
Cam kết tuyên bố trở thành người vô thần
>>> ĐCSTQ cấm học sinh Tây Tạng thực hành tôn giáo
Nhiều nơi ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã phát “Thư cam kết” cho các giáo viên và chuyên gia y tế, yêu cầu họ cam kết sẽ không bao giờ tin theo bất kỳ loại tín ngưỡng tôn giáo nào và sẽ luôn tuân phục ý thức hệ của đảng.
Tibetan Review đã trích dẫn thư của chính phủ gửi các giáo viên ở Nhạc Thanh. Trong thư nói rằng họ nên “tuân thủ đúng hướng chỉ đạo chính trị, thúc đẩy chủ nghĩa vô thần, thiết lập vững chắc quan điểm tôn giáo theo chủ nghĩa Mác, không tin vào bất kỳ tôn giáo nào, và không dạy bất kỳ kiến thức tôn giáo nào cho học sinh”. Còn lá thư gửi các chuyên gia y tế thì yêu cầu “khám phá, ngăn chặn, báo cáo kịp thời các vi phạm pháp luật và kỷ luật liên quan đến tôn giáo cho cảnh sát hoặc phòng hành chính, bao gồm cả gia đình, con cái, họ hàng, bạn bè và hàng xóm của mình”.
Được biết, tại thành phố Ôn Châu, các nhà điều tra chính phủ đã quan ngại về số lượng lớn các nhà thờ Thiên chúa giáo và muốn ngăn chặn những người trí thức bị ảnh hưởng bởi Kitô giáo. Vì vậy, ĐCSTQ đã ra tay gửi “Thư cam kết” cho bác sĩ và giáo viên trong vùng. ĐCSTQ bắt các bệnh viện phải điều tra, trừng phạt các bác sĩ hoặc nhân viên y tế có niềm tin tôn giáo trong bệnh viện.
Radio Free Asia trích dẫn lời của một Kitô hữu đến từ Chiết Giang: “[Chính quyền ở Ôn Châu] Quận Âu Hải đã đưa ra một đoạn video ngắn được đề cập trong các cuộc họp tại các trường học. Trong đó nói rằng các giáo viên không được theo bất kỳ tín ngưỡng tôn giáo nào, và đặc biệt các giáo viên không được truyền giáo trong trường học. Giờ đây, tất cả các trường đều yêu cầu giáo viên không theo bất kỳ tôn giáo nào, bởi vì có một nhóm điều tra từ chính quyền trung ương ở Chiết Giang tiến hành thanh tra từ giữa tháng 9 đến khoảng 10/10”.
Nhắm vào thế hệ măng non
Trung Quốc cũng đang thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn trẻ em thể hiện đức tin. Tháng 2/2018, chính phủ ban hành lệnh cấm trẻ vị thành niên không được đến các địa điểm tôn giáo. Một số tổ chức Kitô giáo bị ép buộc phải đặt tấm bảng ghi dòng chữ “Cấm trẻ vị thành niên” ở trước nhà thờ. Ở Tây Tạng, trẻ em bị cấm không tham gia vào bất kỳ hoạt động Phật giáo nào trong kỳ nghỉ hè.
Tuy nhiên, cuộc đàn áp tàn bạo nhất cấm trẻ vị thành niên thể hiện đức tin đang được tiến hành ở tỉnh Tân Cương, chống lại cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Một số báo cáo cho thấy, ĐCSTQ còn hà khắc đến mức tách trẻ em khỏi cha mẹ để kiên quyết ngăn chặn từ sớm tình trạng trẻ em tin theo tín ngưỡng Hồi giáo.
Nhà nghiên cứu về văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ tại Đại học Washington tên là Darren Byler đã phát biểu khi được tờ Japan Times phỏng vấn: “Nền tảng tri thức của cả một nhóm dân tộc đang bị xóa bỏ. Những gì chúng ta đang chứng kiến giống y như tình trạng của một thuộc địa định cư mà ở đó, cả một thế hệ đang dần biến mất”. ĐCSTQ tuyên bố rằng các biện pháp họ đề ra là nhằm ngăn chặn chủ nghĩa ly khai dân tộc ở Tân Cương và mang lại ổn định, hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về cơ bản, ĐCSTQ đang hành động chẳng khác gì thực dân châu Âu phiên bản mới. Thực dân châu Âu từng kéo quân xâm lược khắp thế giới, phá hủy các nền văn hóa khác và làm tổn thương trẻ em bản địa bằng cách tách chúng ra khỏi các di sản của tổ tiên. Dù ĐCSTQ muốn thể hiện mình là người tốt như thế nào đi chăng nữa, thì việc buộc người dân phải từ bỏ di sản văn hóa và tôn giáo thật sự không phải là một việc làm tốt đẹp.
>>> Học viện Larung Gar – Phần tiếp của câu chuyện đàn áp tín ngưỡng tại Trung Quốc
>>> Đàn áp tín ngưỡng ở Trung Quốc: Chính quyền phá hủy nhà thờ bằng thuốc nổ
Xuân Nhạn, theo Visiontimes