Tranh bảo vật quốc gia bị hư hỏng nặng do vệ sinh bằng nước rửa chén
Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm – vừa báo cáo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về việc bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của cố danh họa Nguyễn Gia Trí đã bị hư hỏng nặng trong quá trình vệ sinh.
Được biết, bức tranh đã bị hư hại về tinh thần, không khí, phần linh hồn của tác phẩm khoảng trên 30% sau vệ sinh. Hư hỏng xảy ra do tranh bị tác động vào bề mặt làm mất đi lớp sơn bề mặt nên sự uyển chuyển tinh tế liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng đã không còn sự uyển nhã, huyền ảo của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí.
Cũng theo văn bản này, hư hại về bề mặt vật chất của tác phẩm khoảng 15% do các mảng vỏ trứng bị mài mòn, trơ ra; mảng dát vàng bị mài mòn; nét và mảng hình tiếp giáp bị lộ, trơ.
Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm kiến nghị tác phẩm là “bảo vật quốc gia”, cần được lưu giữ, bảo quản ở chế độ đặc biệt chứ không thể bảo quản sơ xài như vậy được.
Được biết, bức tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Công tác tháo dỡ, vệ sinh bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” được thực hiện từ khoảng cuối tháng 12/2018 đến tháng 2/2019.
Theo phản ánh, trong giai đoạn này, chỉ có một số người thợ trực tiếp vệ sinh tranh chứ không có sự giám sát của các họa sĩ và nhà chuyên môn.
Ông Lưu Minh Phụng một thợ sơn mài ở TP.HCM là người chịu trách nhiệm trực tiếp về tác phẩm. Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, ông này đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh, khiến bức tranh bị hư hỏng.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín sau khi nắm được thông tin đã phân tích rằng, bột chu chỉ được sử dụng để đánh bóng tác phẩm sau khi bề mặt tranh đã được “toát” (phủ một lớp sơn cánh gián mỏng) và trong khoảng 10 năm, lớp “toát” này (nếu có) sẽ bay đi. Trong khi bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc đã được hoàn thành cách đây 30 năm.
Cũng theo họa sĩ Nguyễn Xuân Việt – học trò của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908-1993), vì bức tranh này có khổ lớn, nếu “toát” lên bề mặt sẽ tạo một khối trơn nhẵn lớn nên cụ Nguyễn Gia Trí đã cho các học trò mài nhẹ lên bề mặt sơn, tạo độ đậm – nhạt kỹ lưỡng. Điều đó tạo nên tổng thể bức tranh hài hòa.
Bởi vậy, khi đội vệ sinh của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chà xát bột chu – chất có tính bào mòn cao trực tiếp lên tranh và đánh đều bề mặt đã phá hỏng tác phẩm cả về mặt chất liệu lẫn dụng ý nghệ thuật.
Cục đề xuất Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM đã ra chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật lập dự án tu sửa tác phẩm thận trọng, khoa học, khắc phục hư hại một cách tốt nhất. Bảo tàng cần làm thử nghiệm trước một số vị trí trên tranh, giao việc tu sửa tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt hoặc họa sĩ khác có chuyên môn, uy tín trong nghề.
Cục cho rằng lãnh đạo và cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã tùy tiện trong công tác bảo quản – ứng xử với hiện vật, đặc biệt là bảo vật quốc gia, yêu cầu họ rút kinh nghiệm sâu sắc. Cục Di sản Văn hóa cũng cần sớm tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ban hành văn bản hướng dẫn, bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia.
Trước đó, giới hội họa từng xôn xao về việc bức sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc (khổ 200×540 cm) bị hư hỏng sau tu sửa. Tác phẩm được danh họa Nguyễn Gia Trí sáng tác khởi đầu từ năm 1969 (giai đoạn đất nước còn chiến tranh) và hoàn thành năm 1989. Họa phẩm mô tả không khí ngày xuân thanh bình với hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc mặc trang phục truyền thống, trảy hội xuân trong khung cảnh chùa chiền, cây cối.
Bức tranh là tâm huyết, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật sơn mài, có kích thước lớn nhất và là một trong những sáng tác cuối cùng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Anh Thư (t/h)
Xem thêm:
- Người đức cao ma quỷ chẳng dám gần, kẻ vô đức quỷ mị dễ ngụ trong thân
- Thuyết vũ trụ song song không chỉ là khoa học viễn
- Rudolf Steiner: Người có công năng đặc dị từng đối địch với Đức Quốc xã