Trận không chiến Palmdale – Sự cố bẽ mặt lớn của Không quân Mỹ
Không quân Mỹ năm 1956 đã trải qua một sự cố bẽ mặt ngay trên bầu trời nước Mỹ, khi 2 chiếc tiêm kích tối tân F-89D của họ phóng “mưa rocket” nhưng không thể hạ được một chiếc “máy bay ma”, ngược lại còn gây hậu quả nghiêm trọng dưới mặt đất.
Cuộc rượt đuổi có một không hai trên bầu trời
Vào thập niên 1950, Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ liên tục tăng nhiệt, để đối phó “một cuộc xâm lược” từ Liên Xô, Hải quân Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu về tên lửa phòng không và tên lửa không đối không. Để thử nghiệm những tên lửa này, họ sử dụng máy bay không người lái (UAV) F6F-5K Hellcat để làm mục tiêu tập bắn, chúng chủ yếu xuất phát từ căn cứ Không quân Hải quân Point Mugu ở Ventura County.
Sáng 16/8/1956, một máy bay không người lái F6F-5K Hellcat sơn màu đỏ tươi cất cánh trên đường băng hướng ra Đại Tây Dương để làm bia tập bắn theo kế hoạch. Tuy nhiên, một sự cố kỹ thuật xảy ra khiến chiếc UAV bất ngờ chuyển hướng sang trái và bay lên cao theo hướng Đông Nam về phía thành phố Los Angeles trước sự bất lực của các sĩ quan điều khiển.
Tại căn cứ không quân Oxnard, 2 tiêm kích phản lực F-89D Scorpion của Phi đội tiêm kích đánh chặn số 437 lập tức xuất kích. Đây là những máy bay phản lực đầu tiên có thể bay trong mọi điều kiện thời tiết, được xem là loại tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ thời điểm đó.
Hai chiếc F-89D đuổi kịp máy bay Hellcat ở phía Đông Bắc thành phố Los Angels tại độ cao hơn 9,1 km. Nhưng ngay lập tức chiếc UAV chuyển sang hướng Tây Nam, hướng về thung lũng Santa Clara River, cho đến khi bay lòng vòng với tốc độ chậm trên thành phố Santa Paula.
Phi công F-89D chờ đợi chiếc UAV ra khỏi khu đông dân cư để tiêu diệt, đồng thời cầu nguyện nó không đâm vào các tòa nhà phía dưới. May mắn là chiếc Hellcat tiếp tục bay về phía Đông Bắc qua thành phố Fillmore, sau đó ra vùng ngoại ô, bay thẳng đến thung lũng Antelope.
Lúc này, phi công tiêm kích Mỹ có cơ hội khai hỏa rocket cánh gấp không điều khiển (FFAR) Mk 4 để diệt mục tiêu. Cả 2 chiếc F-89D xuất kích lúc đó đều không được trang bị pháo và không mang theo tên lửa có điều khiển AIM-4 Falcon. Bù lại, mỗi tiêm kích F-89D được trang bị tới 104 rocket, đủ sức bắn hạ UAV mục tiêu chỉ với một phát bắn trúng.
Do UAV cơ động thất thường nên phi công quyết định sử dụng máy tính để tính toán đường đạn, thay vì dùng phương pháp thủ công. F-89D được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực Hughes E-6 và radar AN/APG-40 hiện đại. Phi công chỉ cần bám sát mục tiêu và khai hỏa. Trên lý thuyết, dù chiếc Hellcat bay theo hình zigzag, máy tính cũng tính toán được đường đạn để tấn công.
Tuy nhiên, phi công bấm nút phóng rocket 2 lần đều không thành công, do lỗi thiết kế trong hệ thống kiểm soát hỏa lực khiến rocket không được phóng đi. Không vấn đề gì, họ chuyển sang phương án B là ngắm bắn thủ công, nhưng bất ngờ phát hiện máy bay không có kính ngắm. Trước đó, để tích hợp hệ thống E-6 mới, các kỹ sư đã tháo bỏ hệ thống kính ngắm thủ công trên máy bay.
Lúc bấy giờ, các phi công không có bất kỳ thiết bị ngắm bắn nào để xử lý vật thể đang liên tục thay đổi đường bay.
Sau một hồi lượn quanh thung lũng Antelope, chiếc UAV chuyển hướng sang phía Nam, quay trở lại thành phố Los Angeles. Khi nó băng qua khu vực nông thôn phía bắc thành phố, các phi công quyết định phóng 42 quả rocket. Vài quả sượt qua phần bụng chiếc Hellcat nhưng không quả nào phát nổ.
Chiếc UAV tiếp tục hướng về thị trấn Newhall, các tiêm kích phóng tiếp 64 quả rocket nhưng vẫn trượt mục tiêu. Lúc này, nó lại đổi hướng, bay theo hướng Tây Bắc về thành phố Palmdale. Phi công F-89D quyết định khai hỏa nốt 30 rocket còn lại nhưng vẫn không hạ được chiếc Hellcat.
Sau khi phóng hết 208 tên lửa, tiêm kích đánh chặn cũng cạn nhiên liệu và buộc phải quay trở lại căn cứ Oxnard. Chiếc Hellcat cuối cùng cũng hết nhiên liệu khi bay đến Palmdale. Nó rơi xuống một khu vực gần sân bay thành phố và phát nổ, tạo thành một cột khói lớn.
Trong quá trình rơi, nó cắt đứt ba dây cáp điện Nam California, lộn nhiều vòng trước khi lao xuống đất, vỡ tan thành từng mảnh.
Thảm họa dưới mặt đất
Phi công không bắn trúng mục tiêu nhưng lại gây ra thiệt hại lớn dưới mặt đất. 193 quả rocket bắn trượt đã phát nổ trên mặt đất, gây cháy trên diện tích 60 hecta ở vùng nông thôn. Tại công viên quốc gia Placerita Canyon, 1 rocket phát nổ tạo hàng loạt vụ cháy. Ở thung lũng Soledad Canyon, 141 hecta rừng bị thiêu rụi. Khu vực Newhall không bị tên lửa rơi trúng nhưng chịu ảnh hưởng bởi khói.
Một số rocket gây hỏa hoạn khắp thành phố Palmdale. Một mảnh đạn văng xuyên cửa sổ của gia đình Edna Carson, làm thủng trần, chọc thủng bức tường và rơi xuống bếp của ngôi nhà. Nhiều mảnh vỡ khác xuyên qua bãi đỗ xe của gia đình JR Hingle, bay vào phòng khách và suýt trúng người vợ.
Tại Placeria Canyon, 2 người đàn ông vừa xuống xe để ăn trưa thì chiếc xe bị trúng rocket nổ tung.
500 lính cứu hỏa đã mất tới 2 ngày để dập lửa, trong khi một đội rà phá vật liệu nổ được huy động để xử lí 13 rocket chưa phát nổ ở Palmdale. Rất may là không có ai bị thương nghiêm trọng hoặc thiệt mạng trong sự cố.
Vụ việc sau này nổi tiếng với cái tên “Trận không chiến Palmdale”. Đây là một nỗi xấu hổ lớn của Không quân Mỹ, khi hai chiếc tiêm kích đánh chặn tối tân nhất của họ lúc bấy giờ đã không thể bắn hạ một máy bay cánh quạt không người lái lỗi thời từ Thế chiến thứ 2.
Theo VnExpress