Trần Hưng Đạo (P2): Vì sao Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh phong ông là 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất thế giới?
Trên thế giới mỗi quốc gia đều có những vị tướng chống giặc, giữ nước với công trạng hiển hách, nhưng vì sao Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh lại phong Trần Hưng Đạo là 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới?
Đẩy lùi đội quân hùng mạnh một thời
Vào thế kỷ thứ 13 Trên Thảo Nguyên Trung Á xuất hiện một thế lực đáng sợ, quân Mông Cổ từ những bộ lạc du mục nhỏ đã hợp nhất dưới quyền lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn và trở thành một đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Sử sách có ghi lại rằng vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó.
Tại Châu Á quân Mông Cổ tấn công Trung Quốc khiến Nhà Tống đại bại, phải bỏ kinh thành rồi tháo chạy hết lần này tới lần khác. Trận đánh cuối cùng giữa quân Mông Cổ và quân Tống là trận Nhai Môn trên biển, quân Tống có 20 vạn người nhưng phần lớn trong số đó là hoàng thân quốc thích và quân phục dịch chạy trốn giặc Mông Cổ.
Thần phụ chính Lục Tú Phu thấy tình thế tuyệt vọng bèn ôm vua Tống còn nhỏ nhảy xuống biển tự vẫn. Người tống nhìn thấy cảnh này đều khóc than rồi lần lượt nhảy xuống biển chết theo vua. Khung cảnh thật bi thương, 7 ngày sau hàng trăm ngàn xác người nổi đầy khắp mặt biển. Đây được xem là một trong những sự kiện bi thương nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cuối cùng vào năm 1279, Trung Quốc hoàn toàn bị Mông Cổ thôn tính.
Tại Châu Âu, sau một thời gian tung hoành chiếm hết Trung Á, vó ngựa Mông Cổ dồn dập tiến vào Châu lục này, các thành phố lớn như Moscow đều bị đốt cháy. Liên quân Châu Âu được thành lập để chống lại quân Mông Cổ cũng bị đập tan. Nhiều nước xin được cầu hòa và cống nạp cho quân Mông Cổ.
Sau khi đánh tan nhà Tống, Triều Nguyên của người Mông Cổ được thành lập. Quân Nguyên tiếp tục mưu đồ tràn xuống phía Nam, thế nhưng khi đến đây vó ngựa của đại quân Nguyên Mông Cổ giày xéo khắp nơi từ Á sang Âu đã bị chặn đứng bởi một vị tướng huyền thoại.
Giáo sư Lưu Trung Khảo từng nói: “Nếu như trời sinh thiên tài này ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên đồ hộ 100 năm”. Người đó chính là Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Gặp thất bại vẫn vững chí, luôn đặt vận nước lên đầu
Tháng 12/1284, đại binh Thoát Hoan của nhà Nguyên tiến đánh Chi Lăng, lúc này quân của Trần Quốc Tuấn bị yếu thế nên đưa quân lui về Vạn Kiếp. Vua Trần thấy thế giặc mạnh gấp nhiều lần quân ta nên lập tức cho mời Trần Quốc Tuấn về Hải Dương dò ý xem thế nào: “Thế giặc to như vậy mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát nhà cửa bị phá hại, hay là Trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?”
Ông liền đáp: “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã rồi sau hãy hàng!” Vua nghe thấy vậy liền yên lòng.
‘Cây bút’ đại tài khơi dậy sĩ khí chống giặc
Trần Quốc Tuấn trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 30 vạn quân sĩ, và thảo bài ‘Dụ chư tì tướng hịch văn” hay còn gọi là ‘Hịch tướng sĩ’ để khuyên răng binh lính và tướng sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống giặc Mông Nguyên.
Hịch tướng sĩ với những câu nói hùng hồn, lẫm liệt trở thành áng thiên cổ hùng văn chống giặc phương Bắc của Đại Việt. Trong đó có đoạn: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng.”
Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng “cột đá chống trời”, ông đã soạn 2 bộ binh thư: “Binh thư yếu lược” và “Vạn kiếp tông bí truyền thư” để dạy bảo các tướng cách cầm quân đánh giặc. Trong binh thư của ông đã chỉ rõ cách đánh quân Nguyên Mông. Chẳng hạn “dĩ đoản binh chế trường Trận”, theo đó răng dạy chỉ bảo tướng sĩ lẽ thắng bại tiến lui.
Bản ‘Hịch tướng sĩ’ Viết bằng giọng văn thống thiết hùng hồn, mang tầm tư tưởng của một bậc “đại bút”. Làm quật dậy sĩ khí chống giặc trong lòng mỗi quân lính, đồng lòng đồng sức, trăm người như một.
Kế sách chống giặc của Trần Quốc Tuấn
Khi đánh giặc ông đã nghiên cứu kỹ sở trường, đường đi nước bước của quân địch, sau đó đưa ra kế sách cụ thể cho quân lính, cụ thể như: lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, vườn không nhà trống, dùng đoản binh phá trường trận…
Quân Nguyên khi xâm lược có thói quen đánh vào kinh thành, vì nơi đây là đầu não tập trung đa phần quân chủ lực. Khi tiến đánh thì cũng tiêu diệt được quân chủ lực đối phương, đồng thời còn cướp bóc được lương thực và nhu yếu phẩm. Thế nhưng khi đánh Đại Việt thì quân Đại Việt lại chủ động rút khỏi kinh thành thực hiện “vườn không nhà trống”.
Kế sách này khiến cho quân Mông Nguyên dù chiếm được kinh thành vẫn không gặp được quân chủ lực của Đại Việt, kinh thành lúc đó lại trống không nên quân địch không thể cướp bóc được gì. Quân Nguyên đã quen với sách lược đánh nhanh thắng nhanh, nhưng quân chủ lực của ta lại rút đi nhằm bảo toàn lực lượng, khiến chúng không thể đánh nhanh thắng nhanh được, dẫn tới việc lương thảo thiếu trầm trọng, binh lính mệt mỏi, bệnh tật.
Trần Quốc Tuấn lại sắp xếp các toán quân nhỏ không ngừng tập kích bất ngờ để phá hủy kho lương thực và tiêu hao sinh lực của địch. Quân Nguyên mất phương hướng, vừa không gặp được quân chủ lực Đại Việt để đánh, vừa không biết quân chủ lực rút về đâu để đuổi theo. Lâu ngày quân sĩ lại mệt mỏi vì phải liên tục chống đỡ các cuộc tập kích của các cánh quân nhỏ. Dần dần quân Nguyên lương thực cạn, quân sĩ mệt mỏi không muốn tiếp tục cuộc chiến nữa, sĩ khí không còn lúc này Trần Quốc Tuấn mới điều động đội quân chủ lực của Đại Việt nhắm thẳng vào quân Nguyên đánh.
Trước sức mạnh tấn công của Đại Việt, quân Nguyên vô cùng hỗn loạn, thế trận liền vỡ, tinh thần hoang mang không hiểu các cánh quân ở đâu hiện ra nhiều không kể xiết. Do tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh lâu ngày, quân Nguyên không thể thắng được sĩ khí của Đại Việt nên đại bại rút chạy về nước.
Thượng sách giữ nước
Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng tài đức. Là tướng nhân, ông thương dân, thương quân, chỉ cho quân dân còn đường sáng. Là tướng nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi, bỏ thù nhà mà cứu lấy vận nước. Là tướng dũng, ông sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm để đánh giặc, lập lên chiến thắng oanh liệt nghìn đời.
Hai tháng trước khi Trần Quốc Tuấn mất, vua Anh Tông đến thăm lúc ông đang ốm có hỏi: “Nếu chẳng may ông mất đi, giặc phương Bắc lại sang xâm lấn thì kế sách làm sao?”
Ông đã trăn trối những lời cuối cùng, thật thấm thía và sâu sắc cho người đời sau trong việc dựng nước và giữ nước: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy.”
Mùa thu tháng 8/1300, Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn qua đời. Sau khi ông mất vua phong tước Hưng Đạo đại vương. Triều đình lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, Chí Linh – Thái Ấp của ông lúc sinh thời. Công lao sự nghiệp của ông lớn không kể xiết. Vua coi như bậc trượng phu, trăm họ kính trọng gọi ông là Hưng Đạo Đại vương, lập đền thờ ở khắp nơi, đến ngày này vẫn còn hương khói.
Lịch sử xưa nay khó tìm đâu được một người như Trần Quốc Tuấn, ông xứng đáng với cái tên Đức Thánh Trần mà người đời ca tụng. Là một vị quân vương lẫy lừng của một triều đại, ông dùng khí phách của một anh hùng để làm nên chiến thắng vĩ đại, đem lại bình yên cho dân tộc, tạo nên thời đại ‘Đông A’ hào hùng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ở ông tài và đức đều ngời sáng, để lại cho đời sau một tấm gương mẫu mực trong việc dựng nước và giữ nước. Với những lý do như thế cũng dễ hiểu khi ông được phong làm 1 trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới.
Theo Ngẫm Radio