Trả lại bãi biển cho người dân
Sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấm cấp phép cho các dự án ven biển, thậm chí phải thu hồi nếu đã cấp vì bờ biển cần thông thoáng, giới chuyên gia, các nhà làm du lịch và hàng triệu người dân đang chờ ngày các bãi biển hồi sinh.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc cấm cấp phép cho các dự án ven biển, thậm chí phải thu hồi nếu đã cấp vì bờ biển cần thông thoáng, giới chuyên gia, các nhà làm du lịch và hàng triệu người dân đang chờ ngày các hồi sinh.
Ủng hộ quan điểm và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính, cho rằng VN nên mạnh dạn tổ chức quy hoạch lại vùng kinh tế biển, từ du lịch đến khai thác bờ biển đánh bắt thủy hải sản để tận dụng tối đa lợi thế từ biển mà không phải quốc gia nào cũng may mắn có được.
“Nếu VN coi ngành công nghiệp không khói là thế mạnh, cần mạnh dạn quy hoạch lại bờ biển theo hướng phát triển bền vững để thu hút du lịch về lâu dài hơn là cái lợi trước mắt. Để làm được điều này, hãy thu hồi giấy phép cho các dự án đã cấp phép, cả Chính phủ và chính quyền địa phương phải chấp nhận hy sinh”, TS Hiếu nói.
Mỹ đã từng trả giá
Lấy ví dụ các dự án ven biển Nha Trang, TS Hiếu cho rằng việc các nhà đầu tư “quây rào” không cho người dân vào là sai và khuyến nghị các địa phương cần cẩn trọng hơn trong việc thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Thông tin từ Bộ TN-MT, 7 địa phương nằm ven biển như: Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, hiện có 780 dự án ven biển. Trong số này, hơn 260 dự án có khả năng bị thu hồi với tổng diện tích trên 19.000 ha và có 15 dự án đã bị thu hồi với diện tích hơn 700 ha.
Ông Hiếu cũng dự trù trước khả năng lãnh đạo nhiều địa phương có thể e ngại làm mất lòng nhà đầu tư nếu rút giấy phép khi đã cấp. Nhưng ông cho rằng, không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá và việc rút phép các dự án nằm ngay trên bờ biển là tôn trọng các nhà đầu tư khác và tạo niềm tin cho du khách thế giới…
Kể câu chuyện cho phép tư nhân hóa bờ biển tại Santa Monica và Ventura County (Califonia, Mỹ), TS Hiếu nói đây là bài học kinh nghiệm mà VN nên tham khảo. Tại hai vùng biển này, chính quyền địa phương từ lâu cho phép người dân và các tài phiệt xây nhà, khu nghỉ dưỡng sát biển, sở hữu luôn vùng biển đó, lấy biển làm “của riêng” và không cho người dân bên ngoài vào.
“Điều này khiến cư dân quanh vùng phản ứng mạnh mẽ và chính phủ Mỹ thừa nhận đó là chính sách tư nhân hóa vùng biển sai lầm của mình. Và để sửa sai, chính quyền địa phương cho giải tỏa và chấp nhận đền số tiền lớn cho các đại gia mua đất ven biển nơi đây để họ di dời nhưng không thể giải tỏa tất cả, vì rất khó”, TS Hiếu cho biết.
Còn theo KTS Lê Công Sĩ, hiện có nhiều dự án đầu tư thực chất là xí phần. Lợi dụng chính sách ưu ái của địa phương… để xin đất, sang tay kiếm lời. “Chủ trương của Thủ tướng đưa ra là đúng đắn. Cần xem xét lại việc cấp dự án, những dự án chậm trễ là do từ chủ đầu tư hay quản lý lỏng lẻo của chính quyền. Tôi cho rằng lợi ích công cộng, lợi ích của người dân phải được đặt lên hàng đầu”, KTS Sĩ nói.
Thất bại lớn của các địa phương có biển
Cách làm du lịch biển ở thành phố Sète (Pháp) được nhiều chuyên gia đề cập như một cách làm du lịch hết sức nhân văn và thu về hàng triệu euro mỗi năm từ dịch vụ tại đây.
Sở hữu một bờ biển tuyệt đẹp ven biển Địa Trung Hải ngay miền nam nước Pháp, chính quyền thành phố Sète đã có luật nghiêm không cho phép xây dựng bất kỳ nhà hàng, khách sạn, resort, quán xá ven biển. Quan điểm chung chính quyền này đưa ra là bờ biển thuộc sở hữu toàn dân và bình đẳng đối với mọi du khách. Và những công trình xây dựng đều phải được thực hiện sâu trong đất liền, cách bờ biển một con đường và lùi vào sâu trong mấy chục mét nữa. Ở các nước có du lịch biển phát triển cũng tương tự. Các resort, khách sạn được xây dựng ở phía trong để không gian bãi biển làm khu vực chung.
Trong khi tại VN, khắp các bãi biển đẹp trải dài từ nam tới bắc đều đang rơi vào tình trạng xé lẻ bởi hàng ngàn dự án du lịch ven biển. Nhiều dự án đã triển khai và đưa vào hoạt động, nhưng cũng có hàng loạt dự án chỉ chiếm đất và treo ở mặt tiền biển 5 – 7 năm. Dọc đường ven biển Xuyên Mộc, Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) tan hoang bởi các dự án bất động. Rất dễ dàng nhận ra những dự án kiểu này khi được bao bọc bởi những bờ rào kẽm gai và cả tường xi măng thô cứng bong tróc dưới mưa nắng. Các biển hiệu mục nát, có cái đã sụp vỡ, trơ ra thân sắt gỉ.
Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án khu nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel do Công ty TNHH Winvest Investment VN làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã 7 năm, chiếm diện tích hơn 300 ha đất và 600 ha mặt nước biển đến nay cũng đang nằm im. Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành buồn bã khi chỉ trong vòng 20 năm đưa vào khai thác du lịch đã trở nên vô cùng chật hẹp. Mặt tiền bãi biển giao hết cho các chủ đầu tư đến nỗi suốt hàng chục cây số không có một lối đi cho người dân hay du khách không lưu trú trong resort ra được bãi biển.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, một người từng thực hiện tư vấn thiết kế cho nhiều dự án ven biển, sông, nói ngay rằng, chủ trương này tốt quá và lẽ ra phải được thực hiện từ rất lâu rồi. Tốt nhất nên có một con đường ngăn cách giữa bãi biển và các dự án bất động sản du lịch, resort để khi đó chủ đầu tư không thể vô tư xem bãi biển như sân vườn nhà mình rồi ngăn cấm người dân vào vui chơi, tắm biển như tình trạng gần đây. “Địa phương cũng không có quyền bán, cho thuê bãi biển vì nơi đây là công cộng. Các nước đều như vậy hết, không có nơi đâu xé bãi biển để cho doanh nghiệp thuê cả”, KTS Sơn nói.
KTS Mai Thế Nguyên cho biết ở châu Âu, dọc bờ biển thuộc công cộng, trong phạm vi 100 m từ mặt nước biển vào đất liền không được xây dựng gì cả, dành cho giao thông và cho mọi người. Nay nhà nước lấy lại diện tích bãi biển cho dân là đúng, không có lý do gì để tư nhân lấy bãi biển để kinh doanh, kiếm lợi, làm cản trở đi lại của người dân.
N.Nga – Đ.Sơn – T.Tâm |
Theo Thanh Niên