TQ muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt kết nối Việt – Trung – Châu Âu
Trong cuộc gặp gỡ mới đây với Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhà lãnh đạo lập pháp Trung Quốc cho biết, nước này mong muốn được tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt kết nối Việt – Trung Quốc – Châu Âu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 8 – 12/7.
Đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đến thăm tại Bắc Kinh hôm qua (11/7), Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, liên thông mậu dịch giao thương trên tinh thần cầu thị, linh hoạt.
Tăng cường hợp tác lĩnh vực đường sắt Việt Nam – Trung Quốc – Châu Âu
Ông Lật cho hay, Trung Quốc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt kết nối Việt – Trung – châu Âu nhằm tạo thuận lợi để hàng hóa Việt Nam sang châu Âu. Ông cũng đề nghị Việt Nam đẩy mạnh thực hiện Bản ghi nhớ về kết nối giữa khuôn khổ ‘Hai hành lang, một vành đai’ với sáng kiến Vành đai và Con đường.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước thời gian qua có nhiều tiến triển tích cực, kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 106,3 tỷ USD. Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Việt Nam…
Video: Tham vọng đường sắt cao tốc của TQ (Nguồn :BBC)
Được biết, tuyến đường sắt trên đã được đưa vào hoạt động từ tháng 3. Các chặng đi Hà Nội – Bắc Kinh hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, về đường liên vận với Châu Âu thì tàu thường không cố định ngày giờ hoạt động, số toa phụ thuộc vào lượng hàng hoá. Có ngày có 3 – 4 chuyến tàu hàng, có ngày không. Hiện tàu hàng này không chỉ đưa và nhận hàng hóa Trung Quốc, một số khách hàng Việt Nam còn gửi và nhận hàng đi châu Âu và ngược lại trên tàu này (qua Trung Quốc).
Việt Nam là nước ‘nghèo’ nhất đầu tư đường sắt cao tốc?
Khi tuyến đường sắt kết nối Viêt – Trung – Châu Âu đang đi dần vào ổn định thì mới đây Bộ GTVT lại đề xuất phương án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam đạt tốc độ 350 km/h với tổng vốn đầu tư hơn 58,7 tỉ USD (tương đương khoảng 1/4 GDP toàn nền kinh tế).
Trước thông tin trên, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê, nguyên thứ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định nếu đề xuất đầu tư của Bộ GTVT được chấp thuận, VN sẽ là nước ‘nghèo’ nhất trên thế giới đầu tư đường sắt cao tốc bởi Việt Nam chỉ vừa thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp để chạm tới nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.587 USD/năm, GDP của cả nền kinh tế ước đạt 240,5 tỉ USD vào năm 2018.
Nguy cơ vỡ nợ công nếu đầu tư tuyến đường sắt Bắc – Nam
Vốn đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam 58,7 tỉ USD lớn gấp 50 lần chi ngân sách trung ương dành cho phát triển hạ tầng giao thông bình quân những năm qua. Trong khi đó nợ luỹ kế của Việt Nam đang ngày càng tăng.
Tổng mức vay của ngân sách Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ lên tới hơn 425 nghìn tỷ đồng, trong đó phần vay để bù đắp bội chi là 224 nghìn tỷ đồng còn vay để trả nợ gốc là trên 200 nghìn tỷ đồng, nếu đầu tư thêm tuyến đường sắt trên thì Việt Nam có thể phải đi vay thêm vốn từ nước ngoài.
“Nguồn vốn đầu tư đường sắt cao tốc rất lớn và bối cảnh nợ công áp trần cho thấy rủi ro tài chính khi thực hiện tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam là không nhỏ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Vũ Tuấn (t/h)