TP.HCM thất thoát gần 1.000 tỉ đồng nước sạch mỗi năm
Mỗi ngày, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có khoảng 490.000m3 nước sạch bị thất thoát (chiếm 30,66% tổng công suất cấp nước sạch của TPHCM), tương ứng mỗi năm thất thoát khoảng 178.000.000m3, trị giá gần 1.000 tỉ đồng.
Điều gây bức xúc là lượng nước thất thoát này lại được ngành cấp nước TPHCM tính vào giá thành nước sạch để người dân gánh chịu. Hằng năm, ngành cấp nước TPHCM vẫn thu về lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng từ việc kinh doanh nước sạch.
Lãng phí gần 1.000 tỉ đồng nước sạch
Trong khi TPHCM còn đến hơn 1 triệu người dân không được sử dụng nguồn nước sạch để dùng trong sinh hoạt ăn uống, thì mỗi ngày có đến hàng trăm nghìn mét khối nước bị thất thoát một cách lãng phí. Hiện nay, tổng công suất cấp nước sạch trên địa bàn TPHCM của Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) đạt 1,6 triệu m3/ngày. Trong đó, lượng nước sạch bị thất thoát tính đến 30.6.2015, chiếm tỉ lệ 30,66%, tức tương ứng khoảng 490.000m3/ngày. Nếu lấy mức giá nước sạch thấp nhất mà Sawaco đang bán cho người dân 5.300 đồng/m3 x 490.000m3/ngày thì có thể thấy mỗi ngày thành phố thất thoát, lãng phí 2,6 tỉ đồng; và số lượng nước thất thoát mỗi năm hơn 178.000.000m3, trị giá gần 1.000 tỉ đồng.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho tỉ lệ thất thoát nước sạch vẫn còn cao là do hệ thống đường ống cấp nước được đầu tư xây dựng cách đây hàng chục năm nên hiện đã cũ mục dẫn đến đường ống bị xì, bể hoặc do các công trình thi công lắp đặt công trình ngầm làm hư hỏng, rò rỉ đường ống cấp nước, gian lận nước sạch… Mặc dù, những năm qua, Sawaco đã triển khai nhiều dự án, kể cả một số dự án sử dụng nguồn ODA nhằm giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch, song tỉ lệ giảm thất thoát nước sạch vẫn còn khiêm tốn. Chẳng hạn: Vào cuối năm 2013, tỉ lệ thất thoát nước sạch tại TPHCM là 34,03% thì đến cuối 6.2015 tỉ lệ này cũng chỉ mới giảm xuống 30,66%.
Vì sao trút nước thất thoát lên người dân?
Hiện nay, Sawaco xây dựng lộ trình tăng giá nước sạch 2015-2019. Theo phương án dự kiến, giá nước sạch trên địa bàn sẽ tăng trung bình khoảng 10,5%/năm, còn tính cả lộ trình từ năm 2015 đến 2019 thì tổng cộng mức tăng khoảng 50%. Ông Bạch Vũ Hải – Phó TGĐ Sawaco cho rằng, lộ trình tăng giá nước mới có thêm mức giá cho đối tượng sinh hoạt hộ nghèo và với khách hàng này giá nước trong định mức (4m3/người/tháng) năm 2015 không tăng so với giá sinh hoạt hộ dân cư năm 2014; đồng thời, những năm tiếp theo luôn thấp hơn đối tượng sinh hoạt hộ dân cư. Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt (người nhập cư, công nhân, sinh viên, các cơ sở chữa bệnh…), Sawaco áp dụng giá ưu đãi.
Việc tăng giá nước này theo Sawaco là cần thiết để đầu tư phát triển nguồn, mạng, gắn đồng hồ mới, tăng tỉ lệ hộ dân được xài nước sạch, chống thất thoát nước… Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là hàng trăm nghìn mét khối nước sạch thất thoát mỗi ngày lại được tính vào giá nước bán cho người dân. Lý giải việc này, ông Bạch Vũ Hải – Phó TGD Sawaco – cho biết, căn cứ thông tư liên tịch 75 của liên bộ: Tài chính – Xây dựng – NNPTNT thì tỉ lệ nước hao hụt cụ thể do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định phù hợp với điều kiện thực tế về thực trạng kỹ thuật, trình độ quản lý và được đưa vào mức khoán tính trong giá nước tiêu thụ.
Rõ ràng khi tính tỉ lệ thất thoát nước sạch vào giá thành nước bán cho người dân là chưa công bằng, sòng phẳng. Việc thất thoát nước sạch không phải do người dân gây ra và người dân cũng không được sử dụng hay hưởng lợi gì từ hàng trăm nghìn mét khối nước sạch thất thoát mỗi ngày. Lượng nước sạch thất thoát cao như hiện nay có một phần nguyên nhân quan trọng xuất phát từ việc quản lý yếu kém của ngành cấp nước TPHCM, nhưng vì sao lại trút những chi phí vô lý này lên người dân? Trong khi đó, ngành cấp nước của TPHCM hàng năm lại thu lợi nhuận khá lớn từ việc kinh doanh cung cấp nước sạch. Lợi nhuận hằng năm mà Sawaco thu về trong năm 2014 là 160 tỉ đồng.
Tại kỳ họp hội đồng nhân dân TPHCM mới đây, đại biểu Nguyễn Tấn Tài phải thốt lên rằng, cử tri TPHCM phản ứng rất gay gắt, nói vì sao đổ thất thoát nước sạch lên đầu người dân? Nhiều cử tri còn yêu cầu thanh tra toàn diện việc cấp nước, quản lý cấp nước ở TPHCM hiện nay.
Công nhân thường chịu mức giá nước sạch cao hơn định mức
Ghi nhận tại một số khu nhà trọ, đa phần các chủ nhà trọ thường thu tiền nước của công nhân theo mức khoán cao hơn hoặc chấp nhận mức giá sử dụng vượt định mức. Chị Nguyễn Thị An (làm việc tại KCN Tân Bình, thuê nhà ở gần đường Lê Trọng Tấn) cho biết: “Để hưởng được mức giá nước ưu đãi không dễ, vì ngành cấp nước đòi hỏi phải có hợp đồng thuê nhà 12 tháng trở lên có công chứng, rồi giấy tạm vắng tạm trú, bản cam kết… Do vậy, cả công nhân tụi em và chủ nhà thấy phiền phức quá nên thỏa thuận trả cho chủ hàng tháng khoảng 70.000 đồng/người; còn chủ nhà tự thanh toán với ngành cấp nước”.
Theo Lao Động