TP.HCM: Bệnh viện quá tải vì trẻ mắc bệnh tay chân miệng quá nhiều
Các phòng của khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đang quá tải bệnh nhi tay chân miệng. Bệnh viện phải sắp xếp cho 2-3 bé chung một giường, thậm chí phải nằm hành lang.
Từ đầu tháng 10, số bệnh nhân tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 bắt đầu tăng. Theo ghi nhận của PV, trưa 26/10, tại dãy hành lang của khoa Nhiễm – Thần kinh, hàng dài phụ huynh xếp hàng chờ làm thủ tục nhập viện.
Bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, cho biết bình quân mỗi ngày có trên 200 bệnh nhi tay chân miệng khám ngoại trú và 40-50 ca điều trị nội trú. Hiện 51 trẻ nội trú, tăng so tuần trước 5-10 ca.
Cạnh khu nhập viện, các bác sĩ liên tục khám cho các bệnh nhi mới nhập viện. Hơn 50 nhân viên y tế luân phiên làm việc hết công suất mỗi ngày. Hành lang không rộng nên nhiều phụ huynh chưa đến lượt khám phải ở bên ngoài, bế con ngồi chờ.
Chị Phạm Ngọc Tuyền đang chăm sóc con là bé Nguyễn Ngọc Hoài Châu, 18 tháng tuổi, mắc bệnh, chia sẻ:
“Đây là lần đầu con tôi mắc tay chân miệng. Ngày đầu bé cứ vài giờ lại sốt một cơn. Ngày thứ hai, lòng bàn tay, bàn chân và miệng nổi mụn nước khiến bé đau đớn, quấy khóc, bỏ ăn nên gia đình đưa từ Tiền Giang lên bệnh viện Nhi Đồng khám, bác sĩ cho nhập viện luôn”, chị Tuyền cho biết.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở TP.HCM, tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, bệnh tay chân miệng cũng có dấu hiệu diễn biến phức tạp.
ThS.BS Mai Ngọc Vũ, Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết: Tại bệnh viện, thời điểm tháng 9, tháng 10 dịch tay chân miệng bùng phát với số lượng nhiều hơn so với các năm trước. Mặc dù năm nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc tay chân miệng nặng ở độ 3, 4 ít hơn các năm trước, nhưng số lượng bệnh nhân mắc bệnh lại tăng lên, gây ra tình trạng quá tải trong bệnh viện.
Được biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Theo lời khuyên của bác sĩ, đối với trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như trẻ sốt cao liên tục, li bì, giật mình khi ngủ, ngồi không vững, run tay chân, trẻ quấy khóc vô cớ, khóc liên tục thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Từ Thức (t/h)