Toyota và Honda tạm ngừng xuất khẩu ôtô sang Việt Nam
Quy định xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp khiến hai hãng xe Nhật tạm dừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam.
Nghị định 116 có hiệu lực ngay sau khi Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu đối với sản phẩm ô tô nhập từ các nước ASEAN từ mức 30% về mức 0% kể từ ngày 01/01/2018. Việc thực hiện giảm thuế suất của Việt Nam chậm hơn 2 năm so với các nước khác trong khối ASEAN.
“Thị trường Việt Nam giảm sút rõ rệt vào năm ngoái vì khách hàng chần chừ mua xe để đợi thuế nhập khẩu giảm vào cuối năm 2017”, Chủ tịch Toyota Thái Lan, ông Michinobu Sugata trả lời phóng viên tại Bangkok.
Thực tế, doanh số bán ra ở Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10/2017 giảm 10% xuống còn 245.000 chiếc. “Chúng tôi dự đoán năm 2018 thị trường sẽ tăng mạnh, nhưng do những rào cản phi thuế quan của Chính phủ Việt Nam nên chúng tôi không thể xuất khẩu sang Việt Nam được nữa”, vị Chủ tịch cho hay.
Nghị định 116 tạo ra những rào cản cho xe nhập khẩu, ngay cả chính hãng. Hai điểm khó khăn nhất là các hãng xe cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cung cấp (VTA); và mỗi lô hàng đều phải lấy ra một xe để kiểm định.
Điều kiện giấy VTA khó khả thi bởi lẽ có nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, giống như việc Cục đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu.
Ngoài ra, nếu trước đây, một loại xe về nước chỉ phải kiểm định chiếc đầu tiên thì theo quy định mới, mỗi lô xe về cảng đều phải chọn ra một xe để kiểm định, dù xe ở mọi lô đều cùng một loại. Việc này khiến chi phí của hãng tăng lên, đồng thời thời gian “giam xe” cũng lâu hơn trước khi giao cho khách.
Từ khi nghị định được ban hành, chính phủ của những thị trường xuất khẩu xe hơi lớn như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đều bày tỏ lo ngại rằng những quy định mới có thể là bất khả thi. Đồng nghĩa các hãng xe không thể bán sản phẩm ở Việt Nam.
Trước đó, liên quan đến một số nội dung tại Nghị định, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng và cho rằng những vướng mắc mới có thể sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, tốn kém chi phí, người tiêu dùng bị ảnh hưởng
Hồng Liên (t/h)