Tổng thống Venezuela ký sắc lệnh soạn thảo Hiến pháp mới
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa ký sắc lệnh thành lập hội đồng lập hiến để tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới, hành động được cho là sẽ trì hoãn được cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 của quốc gia ở Nam Mỹ này.
Hãng tin Sputnik (Nga) ngày 2/5 cho biết, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ký sắc lệnh thành lập hội đồng lập hiến để tiến hành soạn thảo Hiến pháp mới thay thế Hiến Pháp 1999 cho đất nước Nam Mỹ hiện đang chìm trong khủng hoảng kinh tế – chính trị.
Tổng thống Maduro ký sắc lệnh này vào ngày 1/5 và yêu cầu phải được thực thi ngay lập tức. Ông dẫn lại các điều 347, 348 và 349 của Hiến pháp Venezuela mà theo ông là các cơ sở pháp lý cho phép tổng thống có quyền lực triệu tập thành lập hội đồng này.
Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại trung tâm thủ đô Caracas nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5, ông Maduro nhấn mạnh đất nước cần một hiến pháp mới để tái lập hòa bình và ngăn chặn các phe đối lập tiến hành một cuộc đảo chính. Theo ông, điều này cho phép những lực lượng chính trị và xã hội mới quyết định tương lai của đất nước.
Dự kiến hội đồng soạn thảo hiến pháp sẽ có 500 thành viên, gồm đại diện của tầng lớp người lao động và các hội đồng địa phương, nhưng sẽ không có sự tham gia của Quốc hội. Hãng tin ABC News dẫn nhận định của một số nhà quan sát cho rằng đa số đại biểu tham dự hội đồng vẫn sẽ là người thân chính phủ.
Ngay lập tức, phe đối lập lên án hành động khiêu khích, một bước tiếp theo của “cú đảo chính” do Tổng thống Maduro tiến hành, chống lại Quốc Hội vốn đang được các chính trị gia phe đối lập chiếm đa số. Đồng thời họ tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình quy mô lớn.
Lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles và ông Julio Borges, Chủ tịch Quốc hội Venezuela đồng thời là Phó Chủ tịch liên minh các đảng phái đối lập – Bàn tròn Đoàn kết dân chủ (MUD), đã đăng đàn kêu gọi người biểu tình chống đối quyết định của ông Maduro về việc thành lập hội đồng.
Ông Capriles cũng đồng thời cáo buộc Tổng thống Maduro đang cố tìm cách phá hoại Hiến pháp của Venezuela, còn ông Borges thậm chí kêu gọi quân đội nên can thiệp, hãng tin ABC News cho biết. Phe đối lập cũng cáo buộc chính phủ của ông Maduro đang muốn trì hoãn cuộc bầu cử địa phương tới đây và cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 khiến khủng hoảng tại Venezuela thêm trầm trọng.
Trong khi đó, David Smidle, nhà xã hội học ĐH Tulane (Mỹ), cho rằng sắc lệnh của ông Maduro là một quyết định “thông minh”. Nếu được khởi động thành công, một tiến trình chính trị minh bạch như việc thành lập hội đồng soạn thảo hiến pháp sẽ trì hoãn được các cuộc bầu cử khi Venezuela đang khủng hoảng và giảm được sức ép trong nước lẫn quốc tế.
Ngay từ sáng sớm 2/5, người biểu tình bắt đầu chuẩn bị phong tỏa các xa lộ chính và trục phố lớn khắp nơi trên cả nước, để chuẩn bị một cuộc biểu tình “cực lớn” diễn ra vào ngày 3/5. Trước đó ngày 1/5, các cuộc biểu tình của cả phe ủng hộ và phe chống chính phủ đã diễn ra cùng lúc tại thủ đô Caracas với hàng trăm ngàn người tham gia.
Các cuộc biểu tình quy mô lớn liên tiếp diễn ra từ đầu tháng 4 khiến đường phố thủ đô Caracas thường xuyên bị phong tỏa. Tới nay đã có ít nhất 33 người chết và 400 người bị thương trong các cuộc biểu tình và bạo loạn.
TinhHoa tổng hợp