Tốc độ lây nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng cao gấp đôi thế giới
Hệ số lây nhiễm cơ bản – R0 tại Đà Nẵng là 5.0, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính R0 toàn cầu chỉ từ 1.4 đến 2.5.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chủng Covid-19 mới tại Đà Nẵng có đột biến dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao. Chỉ số lây nhiễm ở đợt dịch lần này là 5-6, nghĩa là cứ 1 người có thể lây nhiễm cho 5 đến 6 người khác. Trong đợt dịch lần trước, chỉ số lây nhiễm chỉ từ 1.8 đến 2.2, tương đồng với chỉ số chung của thế giới.
Tính đến nay, bệnh viện Đà Nẵng đã ghi nhận 186 ca Covid-19, gồm 19 nhân viên y tế, 77 bệnh nhân, 90 người nhà, người chăm sóc bệnh nhân nhiễm và 18 trường hợp lây nhiễm xuất phát từ bệnh viện ra cộng đồng.
Bệnh viện đã tiếp nhận 7.200 bệnh nhân nội trú, 36.800 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú trong tháng 7.
“Tâm dịch lớn nhất là ở cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, với 800.000 người đi qua khu vực này và 42.000 người từng đến đây chữa bệnh”, ông Long nói.
Dịch có nguy cơ lan rộng vì hệ số lây nhiễm quá cao
Từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1/2020, các nhà khoa học trên thế giới đã gấp rút ước tính “hệ số lây nhiễm cơ bản”– R0 của virus. Một số báo cáo kết luận R0 vào khoảng 2-3. WHO ước tính R0 ở mức thấp hơn, từ 1.4 đến 2.5. Một số nguồn khác dự đoán R0 ở mức trên 3.5.
Riêng hệ số lây nhiễm tại bệnh viện Đà Nẵng được ước tính lên đến 5.0. Con số này được đánh giá là hệ số lây nhiễm khá cao, nguy cơ dịch lan rộng là rất dễ xảy ra nếu không khống chế kịp thời.
Nhiều bệnh nhân F1, F2, cụm gia đình nhiễm Covid-19
Ngày 10/8, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp tục phong tỏa. Ngày 11/8, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện cách ly xã hội dù đã hết hạn lần một.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung – Phó giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, thành phố yêu cầu khi nào không còn ca dương tính trong bệnh viện, cộng thêm 14 ngày cách ly sau đó, thì được mở cửa trở lại. Hiện bệnh viện có khoảng 700-800 nhân viên y tế, gần 200 bệnh nhân không nhiễm Covid-19, và gần 300 bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Tính đến chiều ngày 11/8, trên toàn Đà Nẵng ghi nhận 279 ca nhiễm Covid-19.
Đợt dịch này, quyền Bộ trưởng Long đánh giá tỷ lệ F2 bị nhiễm Covid-19 cũng khá nhiều. Trong vòng 1 tháng tính từ đầu tháng 7, nhà chức trách xác định có khoảng 1,4 triệu người đến – đi từ Đà Nẵng và các bệnh viện ở đây.
Từ ngày đầu tiên 25/7 ghi nhận “bệnh nhân 416” đến nay, Đà Nẵng thực hiện cách ly hơn 20.000 người F1, F2. Lấy 48.236 mẫu, trong đó 45.228 mẫu cho kết quả âm tính.
Trong khi dân số toàn thành phố Đà Nẵng là 1,34 triệu người, tỷ lệ số ca nhiễm Covid-19 chiếm không nhiều (chỉ 0,02 %), số người cách ly chiếm khoảng 1,4%. Tuy nhiên, số người nhiễm trong đợt dịch này khá đa dạng và có nhiều hình thức khác nhau so với giai đoạn trước.
Ông Long nhận định, 40% bệnh nhân Covid-19 được ghi nhận liên quan Đà Nẵng hiện nay không xuất hiện triệu chứng, họ vẫn mang mầm bệnh và có thể lây lan. Chưa kể nhiều bệnh nhân được ghi nhận là F1 – tiếp xúc gần ca nhiễm, không có triệu chứng nên hành trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người.
Do đó, các chuyên gia nhận định: Hiện vẫn chưa thể xác định chính xác được R0 trên toàn thành phố Đà Nẵng.
Đặc điểm các hộ gia đình ở Việt Nam là sống chung nhiều thế hệ, nên nguy cơ người già, trẻ em bị nhiễm virus trong cùng một nhà rất cao.
Tỷ lệ ước tính trong đợt dịch hiện nay trẻ em bị lây nhiễm là 2,7%, người già trên 60 tuổi là 30,6%.
Tỷ lệ tử vong 3,95%
Chiều 11/8, Việt Nam ghi nhận 16 bệnh nhân Covid-19 tử vong gồm cả người già và thanh niên, chiếm khoảng 3,95% so với tổng số 405 ca lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố, tất cả đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ này được đánh giá là không cao.
Trên thế giới, Mỹ, Brazil và Ấn Độ vẫn là 3 vùng dịch lớn nhất thế giới, với tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao. Tại Mỹ, số người chết vì Covid-19 đã vượt 160.000. Theo thống kê của Reuters, trung bình một phút, quốc gia này ghi nhận thêm một ca tử vong. Tỷ lệ tử vong trên 100.000 người ở Mỹ là 47,9, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
Tính đến ngày 11/8, Brazil ghi nhận hơn 3 triệu người mắc và khoảng 100.000 bệnh nhân qua đời do Covid-19. Tỷ lệ tử vong trên 100.000 bệnh nhân, là 45,7.
Các chuyên gia nhận định: Để khống chế các ca tử vong là rất khó. Dịch bệnh có đặc thù diễn biến âm thầm, do vậy cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng kịp thời, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan.
Đặc biệt, người dân phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống dịch như đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, hạn chế tập tru ng đông người….
Việt Anh (t/h)