Toàn cảnh một năm ngày MH370 mất tích qua ảnh (kỳ 2)
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 239 hành khách và phi hành đoàn đột ngột biến mất cách đây đúng một năm (8.3.2014) được xem là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử ngành hàng không. Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay này hiện cũng chiến dịch quy mô và tốn kém bậc nhất trong lịch sử hàng không dân dụng thế giới.
Bước đột phá? Ngày 24.3.2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo, tìm thấy dữ liệu vệ tinh mới của MH370 cho thấy, chiếc máy bay bị rơi ở phía Nam Ấn Độ Dương và toàn bộ 239 người có mặt trên chuyến bay có thể đã chết.
Tuyên bố trên đã thổi bùng lên sự giận dữ và đau khổ của người thân những hành khách bị mất tích. Nhiều gia đình Trung Quốc biểu tình trước cửa Đại sứ quán Malaysia tại Bắc Kinh và chỉ trích chính phủ Malaysia chưa làm hết sức mình để tìm kiếm các nạn nhân và đưa ra những thông tin thiếu tin cây. Bế tắc: Chiến dịch tìm kiếm MH370 vẫn ở trong tình thế “ngõ cụt” khi nhiều vật thể được tìm thấy và trục vớt đều không liên quan đến chiếc máy bay. Nhiều lần người ta tìm thấy các vật thể trôi nổi ở vùng tìm kiếm chiếc máy bay nhưng khi vớt lên thì chủ yếu chỉ là những mảnh rác. Bí ẩn chưa có lời giải: Ngày 3.4.2014, gần một tháng sau khi chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airliens biến mất, các nhà chức trách vẫn vật lộn với câu hỏi, làm cách nào và tại sao chiếc may bay lại mất tích. Thủ tướng Malaysia Najib Razak (phải) tuyên bố, cuộc tìm kiếm sẽ không dừng lại cho đến khi nào tìm được câu trả lời còn Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng cho rằng, đây là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử loài người.
Không có tín hiệu hộp đen: Ngày 5.4.2014, tàu Haixun 01 của Trung Quốc bất ngờ phát hiện tín hiệu âm thanh có tần số 37,5 kHz – trùng khớp với tần số âm thanh từ các hộp đen ghi âm buồng lái và dữ liệu chuyến bay của MH370 ở Ấn Độ Dương. 2 ngày sau, một tàu cứu hộ khác của Australia cũng thu nhận được hai tín hiệu âm thanh có tần số tín hiệu trùng với tần số thiết bị định vị của hộp đen máy bay phát ra. Ngay sau đó, đội tìm kiếm quốc tế đã lùng sục ở khu vực này suốt nhiều tuần. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn không thể tìm thấy bất cứ bằng chứng nào liên quan đến MH370 tại đây. Australia chuyển khu vực tìm kiếm sang phía Nam: Vào tháng 10.2014, các nhà chức trách Australia đã chuyển khu vực tìm kiếm sang phía Nam, nơi công ty vệ tinh của Anh là Immarsat tìm thấy manh mối máy bay kết nối với vệ tinh. Công ty này tính toán và đưa ra giả thiết rằng, có thể chiếc máy bay đã rơi xuống khu vực phía Tây vùng Perth của Australia, dọc theo hành lang phía Nam Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, tung tích chiếc máy bay vẫn “bặt vô âm tín”.
Malaysia ra tuyên bố “tai nạn”: Cuối tháng 1.2015, Cục hàng không dân sự Malaysia chính thức tuyên bố việc mất tích của chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines là một tai nạn và các hành khách và phi hành đoàn có mặt trên chuyến bay được xem như “đã chết”. Tuyên bố được xem là cơ sở để thực hiện các quy định về bồi thường dành cho gia đình các nạn nhân xấu số. Tuy nhiên quan chức Malaysia cho biết, họ cũng không loại trừ khả năng chiếc máy bay vẫn có thể được tìm thấy.
Trong một nỗ lực nhằm cải thiện an toàn bay toàn cầu sau sự biến mất của chuyến bay MH370, các tổ chức hàng không dân dụng quốc tế gần đây đề xuất một biện pháp mới yêu cầu các máy bay thương mại cứ 15 phút phải báo cáo vị trí một lần. Biện pháp này được Hệ thống cảnh báo tai nạn và an toàn hàng không toàn cầu đưa ra, nhằm đảm báo việc theo dõi một chiếc máy bay thuận tiện, chặt chẽ.
Phẫn nộ và nỗi đau khôn nguôi: Một năm đã qua đi kể từ ngày chiếc máy bay mất tích, các gia đình nạn nhân Trung Quốc có mặt trên chuyến bay MH370 vẫn tiếp tục phản đối việc xử lý chậm trễ và các nỗ lực yếu kém của các nhà chức trách Malaysia.
Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp diễn: Những đội tìm kiếm chiếc máy bay MH370 cho đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Một trong số đó liên quan đến khu vực tìm kiếm. Sự rộng lớn của Ấn Độ Dương đang có tác động đến các kế hoạch và quy trình tìm kiếm. Tính đến thời điểm hiện nay, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang là cuộc tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng thế giới với sự tham gia của 26 quốc gia đóng góp máy bay, tàu biển, tàu ngầm và vệ tinh. Chi phí của cuộc tìm kiếm tính đến nay đã hết khoảng 60 triệu USD. Số tiền này chủ yếu được cả hai nước Malaysia và Australia chi trả. |
Theo Dân Việt