Mashambas – Tòa nhà chọc trời có thể tạo ra cuộc cách mạng xanh chống đói nghèo ở châu Phi
Không chỉ độc đáo vì có thể dễ dàng tháo lắp và di chuyển tới một địa điểm khác, tòa nhà Mashambas chiến thắng cuộc thi thiết kế uy tín eVolo còn có thể tạo ra một cuộc cách mạng xanh chống đói nghèo ở châu Phi.
Tòa nhà cao tầng đạt giải nhất cuộc thi thiết kế eVolo
Hằng năm, cuộc thi Thiết kế Nhà chọc trời eVolo lại thu hút các kiến trúc sư, sinh viên, kỹ sư, nhà thiết kế và các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới tham dự. Đây là cuộc thi có những giải thưởng uy tín nhất thế giới với kiến trúc cao tầng, là nơi mà các thí sinh có thể thỏa sức sáng tạo với những ý tưởng táo bạo, có phần điên rồ.
Cuộc thi thiết kế thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa kiến trúc cao tầng, tòa nhà cao tầng (yếu tố con người) và thiên nhiên, về mối quan hệ hài hòa, bền vững giữa con người và thế giới tự nhiên. Từ đó đưa ra nhiều giải pháp cho tương lai.
Năm 2017, người chiến thắng đã được vinh danh với ý tưởng thiết kế tòa nhà chọc trời Mashambas (Mashambas skyscraper), có nghĩa là vùng đất có thể trồng trọt (cultivated land) trong tiếng Swahili), là nơi mà người dân trong làng có thể cùng nhau trồng trọt, tận dụng và giúp đỡ nhau chăm sóc, thu hoạch mùa vụ.
Đây là một tòa tháp nông trại có thể cung cấp lương thực cho cả một thị trấn hay ngôi làng hàng trăm người ở Sahara (châu Phi), nơi mà vấn đề lương thực, thực phẩm là vấn đề cấp thiết mỗi ngày.
Điểm độc đáo của nông trại chọc trời này chính là nó có thể dễ dàng tháo lắp và di chuyển tới một địa điểm khác.
Hai nhà thiết kế người Ba Lan có tên Pawel Lipiński và Mateusz Frankowski chính là chủ nhân của ý tưởng táo bạo, sáng tạo nhưng lại không hề xa rời thực tế.
Tầng thượng của tòa tháp chính là nơi phát triển của các loại rau, củ, quả nhờ phân bón và nước tưới. Những tầng phía dưới có thể là các vườn trẻ mẫu giáo, phòng khám hay thậm chí là nơi đậu của drone (máy bay tự động không người lái).
Các drone này sẽ giúp phân phát thực phẩm tới những khu vực xa xôi, hẻo lánh. Tầng dưới cùng sẽ là một chợ mở cho các nông dân có thể trao đổi và buôn bán các sản phẩm mà mình làm ra.
Ý tưởng này đã được đánh giá rất cao và nhận giải thưởng cao nhất vì ý tưởng cách mạng xanh, giúp cho những khu vực nghèo nhất, có diện tích đất nông nghiệp ít hay thời tiết khắc nghiệt có thể được cung cấp lương thực đầy đủ.
Lipiński và Frankowski viết: “Được chăm sóc, bón phân và nước đầy đủ, các nông trại nhỏ này sẽ có thể sản xuất nhiều thực phẩm hơn không hề thua kém các nông trại hiện đại”.
Khi người dân cải thiện được mùa màng, họ sẽ đẩy lùi được đói nghèo. Họ cũng sản xuất nhiều sản phẩm hơn để có thể cung cấp, chia sẻ cho mọi người. Khi nông trại phát triển thịnh vượng, nghèo đói sẽ bị xóa bỏ trong cộng đồng nhà thiết kế viết.
Theo bản báo cáo mới nhất của World Bank, mặc dù nạn đói ở châu Phi đã bị xóa bỏ từ 56% xuống còn 43 % từ năm 1990 đến 2012. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người đang chịu nạn đói hoành hành do sự ô nhiễm và môi trường, khí hậu tác động.
Không những thế, các nhà khoa học còn dự đoán đây sẽ là giải pháp tuyệt vời cho không chỉ người dân châu Phi mà là toàn thế giới. khi mà trong tương lai không xa (2050) con người có thể phải đối mặt vấn đề lương thực khan hiếm do biến đổi khí hậu.
Tuy mới chỉ là ý tưởng và chưa được ứng dụng thực tế, tuy nhiên nhà thiết kế tin tưởng rằng nó hoàn toàn có thể là giải pháp hữu hiệu cho người dân ở sa mạc Sahara và có thể là toàn thế giới trong tương lai không xa.
Theo soha