Công ty Mỹ muốn xây tòa nhà treo lơ lửng trên không đưa cư dân đi khắp thế giới
Một công ty Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới được “neo” dưới một thiên thạch cách Trái đất 50.000km và cư dân có thể tận hưởng khung cảnh thay đổi liên tục bên ngoài trong 24 giờ.
Theo Daily Mail, công ty kiến trúc Clouds Architecture Office ở New York tự tin vào kế hoạch xây tòa nhà chọc trời độc đáo bậc nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, Analemma Tower sẽ được xây dựng từ trên trời xuống đất, thay vì xây dựng trên mặt đất như thông thường.
“Analemma Tower là một ví dụ điển hình của việc sử dụng chiến lược thiết kế hành tinh, tạo nên tòa nhà cao nhất thế giới từ trước đến nay”, đại diện công ty nói.
Trong bản thiết kế, công ty sử dụng một hệ thống cáp treo cỡ lớn, một đầu móc vào tiểu hành tinh còn đầu kia giữ cho tòa nhà chọc trời không rơi xuống đất.
“Vì tòa nhà này treo lơ lửng trong không khí nên nó có thể được xây dựng ở bất cứ đâu trên thế giới, sau đó được đưa đến địa điểm lắp đặt”, Clouds Architecture Office chia sẻ trên trang web.
“Theo kế hoạch ban đầu, Analemma Tower có thể được xây dựng ở Dubai, nơi có các chuyên gia thiết kế nhà chọc trời với chi phí chỉ bằng một phần năm ở New York”.
Mặc dù kế hoạch táo bạo này vướng phải những thách thức như việc tìm kiếm một thiên thạch phù hợp để neo giữ tòa nhà, Clouds Architecture Office tin rằng, ý tưởng này sẽ sớm trở thành hiện thực.
“Năm 2015, Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu đã khởi động chiến dịch thu hút đầu tư, khai thác tiểu hành tinh. NASA đặt mục tiêu bắt giữ một tiểu hành tinh vào năm 2021 để chứng minh tính khả thi”, trang web của công ty kiến trúc Mỹ đưa tin.
Nếu được xây dựng, tòa nhà chọc trời sẽ di chuyển theo hình số 8, dựa trên quỹ đạo tiểu hành tinh trong vòng 24 giờ, đưa cư dân qua các thành phố lớn ở Bắc và Nam bán cầu như New York, Havana, Atlanta và Panama.
Ở đỉnh tòa nhà Analemma Tower, quãng thời gian ban ngày tăng thêm 40 phút do tác động từ độ cong của Trái đất.
Trong bản thiết kế, Cloud Architecture Office không chỉ muốn xây dựng tòa nhà chọc trời khổng lồ, mà còn cả một thành phố trôi nổi trên bầu trời.
Một khu vực rộng lớn bên trong tòa nhà sẽ được thiết kế làm chỗ nghỉ cho cư dân, khiến họ cảm thấy như ở nhà. Văn phòng làm việc được đặt ở phần dưới trong khi nơi nghỉ ngơi nằm ở nửa trên.
Cư dân sống tại đây cũng được tận hưởng khu vườn nhân tạo và khu vực ăn uống, giải trí.
Cloud Architecture Office có kế hoạch tận dụng tối đa vị trí đặc biệt của tòa nhà, với những tấm pin Mặt trời đặt ở tầng cao nhất để tạo nên nguồn năng lượng từ ánh sáng Mặt trời.
Nguồn nước sạch được lọc từ đám mây và nước mưa, đảm bảo độ tinh khiết cao nhất. Các kiến trúc sư cũng tính đến việc thiết kế cửa kính có độ dày khác nhau, phù hợp với sức ép và nhiệt độ ở độ cao nhất định.
Tuy vậy, cư dân nhiều khả năng sẽ không được phép ra ngoài hóng mát vì điều kiện khắc nghiệt ở trên cao. “Ở độ cao 32.000 mét, không khí rất loãng, nhiệt độ -40 độ C sẽ khiến cư dân không thể ra ngoài mà không có đồ bảo hộ”, Clouds Architecture Office cho biết.