Tin mừng: Giá gạo Việt Nam xuất khẩu vươn lên cao nhất thế giới
Khoảng nửa tháng nay, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục biến động theo hướng tăng cao. Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đạt mức cao. Đáng chú ý, giá giao dịch gạo 5% tấm của Việt Nam trên thị trường thế giới đang dẫn đầu, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, hơn Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn.
Thông tin trên được Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải. Theo đó, loại gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang ở mức 478-482 USD/tấn. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012 giá mặt hàng này của Việt Nam vượt mặt Thái Lan. Các loại gạo khác cũng có mức giá tăng trưởng ấn tượng.
Một thương lái thu mua lúa tại tỉnh Đồng Tháp cho biết, mặt hàng tăng giá mạnh nhất là lúa IR504 bán tại ruộng. Tuần trước loại lúa này có giá từ 5.500-5.600 đồng/kg thì tuần này đã nhích lên 5.700 đồng/kg. Trong khi đó, lúa khô IR504 vụ Đông Xuân được các chủ vựa bán lại với giá 7.500 đồng/kg.
Các loại lúa thơm như OM5451 có giá 5.800 đồng/kg, Jasmine 85 giá 6.500 đồng/kg (lúa tươi)… so với 10 ngày trước, giá này đã tăng 500 đồng/kg. Một chủ vựa lúa ở Cần Thơ chia sẻ, cách đây 10 ngày, ông bán 250 tấn lúa Jasmine 85 trữ từ vụ Đông Xuân với giá 7.500 đồng/kg, lãi 1.000 đồng/kg so với lúc mua vào. Đến nay, giá lúa này đã lên đến 8.200 đồng/kg.
Theo thông tin từ nhà báo Vũ Kim Hạnh, trong 7 tháng đầu năm, VN xuất gần 4 triệu tấn, giảm 1,5% khối lượng nhưng tăng 11% về giá trị, so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang, nhận định: “Giá gạo Việt nay tốt hơn so với gạo Thái. Đúng là tin vui trong lịch sử 30 năm của ngành xuất khẩu gạo”
Lý giải nguyên nhân giá gạo tăng phi mã, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng là do thị trường xuất khẩu đang tốt, cùng với việc Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực từ ngày 1/8 đã có tác động tích cực đến ngành hàng lúa gạo.
“EU là thị trường đẳng cấp, gắn tên gạo Việt Nam với thị trường này thì hữu xạ tự nhiên tăng hơn”, ông nói.
Cũng theo ông Bình, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu về lúa gạo của thế giới đã và đang tăng lên: “Khi người dân hạn chế ra ngoài vì lo ngại dịch bệnh thì các bữa ăn ở nhà sẽ nhiều hơn và sẽ tiêu thụ nhiều lương thực hơn”.
Đợt tăng giá này quả là pha ‘hồi sức cấp cứu’ đối với người nông dân miền Tây, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn, thiếu nước ngọt, và bị cấm xuất khẩu một đoạn thời gian trước đó. Nhà báo Vũ Kim Hạnh nói:
“Nghe tin này tôi có 3 điều mừng: Không còn đua trối chết với số lượng (lượng xuất nhiều mà thu về chẳng bao nhiêu); Nông dân miền Tây dỡ khổ, dù hạn mặn và bị cấm xuất khẩu một đoạn (vì họ đã biết “đối xử” tốt hơn với thị trường như chủ động chọn giống chất lượng cao, giảm phân thuốc hóa học) và thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ít nhiều đã có tác dụng (dù vị trí gạo VN ở EU còn xa lắc so với Thái, để vận dụng được EVFTA, thì còn rất nhiều điều, không dễ chút nào).”
Theo đó, dù gặt hái được thành công bước đầu, nhưng có thể khẳng định rằng chặng đường phải đi của gạo Việt Nam ra thế giới vẫn còn rất dài và gian nan.
Từ Thức (t/h)