Tìm thấy thị trấn cổ nhất châu Âu
Các nhà khảo cổ học ở Bulgaria tin rằng, họ vừa phát hiện ra thị trấn thời tiền sử, có thể là khu đô thị lâu đời nhất châu Âu, tồn tại trong khoảng thời gian 5.000 năm trước Công Nguyên.
Thị trấn vừa được phát hiện là nơi sinh sống của khoảng 350 cư dân. Các chuyên gia khảo cổ cho biết, chìa khóa cho sự tồn tại và gắn kết của thị trấn trên là muối, khi đó có giá trị quy đổi như vàng sau này. Ngoài ra, thị trấn cổ nhất châu Âu cũng sở hữu những tòa nhà 2 tầng, tường pháo đài và những mảnh vụn của cánh cửa khổng lồ chia cắt thị trấn với thế giới bên ngoài. Những tàn tích của thị trấn cổ được phát hiện ở gần thị trấn Provadia ngày nay, ven khu nghỉ mát Biển Đen của thành phố Varna, Bulgaria.
Thị trấn này tồn tại trong khoảng thời gian 4.700 – 4.200 năm trước Công nguyên, sớm hơn một thiên niên kỷ trước sự bắt đầu của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một địa điểm khai thác muối cạn ở mỏ muối rộng nhất Đông Nam châu Âu. Các cư dân thị trấn khai thác và đóng muối thành từng viên để sử dụng và phục vụ kinh doanh. Chuyên gia khảo cổ Vasil Nikolov, thuộc viện Khảo cổ Quốc gia Bulgaria cho biết: “Muối từng là mặt hàng có giá trị thời cổ đại bởi không chỉ đóng vai trò thiết thực trong cuộc sống, nó còn được sử dụng làm vật quy đổi chung từ thiên niên kỷ thứ 6 cho đến những năm 600 trước Công Nguyên, sau đó được thay thế bởi sự ra đời của tiền tệ”. Ngoài thị trấn đầu tiên, thành phố Varna còn là nơi phát hiện kho báu gồm 3.000 đồ vật bằng vàng được khám phá gần 40 năm trước tại một nghĩa địa. Các nhà khảo cổ xác nhận, đây chính là kho báu bằng vàng cổ xưa nhất thế giới. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing