Tìm thấy con đường hành hương Chúa Jesus từng đi qua vào 2.000 năm trước
Mới đây, các nhà nghiên cứu Israel đã tìm thấy Con đường Hành hương ở thành cổ Jerusalem, nơi hàng triệu người Do Thái đã hành hương đến thánh địa Jerusalem 2.000 năm trước. Đây cũng được cho chính là con đường mà Chúa Jesus đã từng đi qua.
Phát hiện tình cờ
Phát hiện này xảy ra khá tình cờ sau 2 phát hiện thú vị khác liên quan đến hồ bơi Shiloah cổ được nói đến trong Kinh Thánh và kênh thoát nước trung tâm của thành phố cổ.
Vào năm 2004, khi một đường ống nước thải ở giữa khu phố Silwan phía đông nam Jerusalem bị vỡ, các công nhân đã được cử đến để khắc phục sự cố rò rỉ. Ở Jerusalem, bất cứ khi nào công nhân xây dựng đi sửa chữa một thứ như thế, họ phải đi cùng với một nhóm các nhà khảo cổ.
Trong quá trình sửa chữa, các công nhân vấp phải một số bậc thang bằng đá có niên đại từ thế kỷ thứ nhất gần hồ bơi Shiloah. Đây là hồ bơi cổ xưa mà những người hành hương Do Thái sẽ ngâm mình trước khi đến đền thờ.
Việc phát hiện ra hồ bơi Shiloah đã dẫn đến một phát hiện đáng chú ý khác đó là kênh thoát nước trung tâm của thành phố Jerusalem cổ đại. Kênh này là đường hầm mà du khách đến Thành phố David ngày nay có thể đi bộ qua, bắt đầu từ đáy hồ Shiloah, sau khoảng 45 phút sẽ đến Bức tường phía Tây.
Tuy nhiên, cả 2 khám phá này cũng chỉ là phần mở đầu cho một phát hiện đáng chú ý hơn. Đó chính là con đường cổ xưa, được khai quật bên dưới ngôi làng Silwan và phía trên kênh nước nổi tiếng hiện nay.
Các nhà nghiên cứu gọi nó là “Con đường Hành hương” và tin rằng đây chính là con đường mà hàng triệu người Do Thái đã đi 3 lần một năm khi đến thánh địa Jerusalem.
Theo Doron Spielman, phó chủ tịch Quỹ Ir David (Elad), hầu như tất cả những người hành hương Do Thái sẽ vào thành phố bằng con đường này. Vì vậy đó cũng là con đường mà Chúa Jesus gần như chắc chắn đã đi qua trong thời kỳ Đền thờ thứ hai, cùng nhiều học giả và các nhà lãnh đạo nổi tiếng của Do Thái thời kỳ đó.
Một minh chứng cho mối liên hệ lâu dài của người Do Thái với thành cổ Jerusalem
“Nơi đây là trái tim của người Do Thái, giống như dòng máu chảy trong huyết quản của chúng tôi vậy”.
“Để hiểu về Jerusalem, bạn cần phải đứng ở đây. Chúng tôi đã bị lưu đày vào năm 70 [SCN], cầu nguyện 3 lần một ngày rồi lập nên một đất nước. Hơi thở cuối cùng của người Do Thái là ở đây, ngay bên dưới chân chúng tôi”, ông Spielman nói.
Video phóng sự về Con đường Hành hương mới được phát hiện ở Jerusalem
Con đường nói trên có tổng chiều dài 600m và rộng 8m, nối từ phía Nam thành cổ Jerusalem tới chân Núi Đền (Temple Mount). Theo Cơ quan Cổ vật Israel (IAA), quá trình khai quật cho thấy con đường này được xây dựng sau thời vua Herod, dưới sự bảo trợ của quân La Mã ở Jerusalem. Con đường được lát bằng những phiến đá lớn có từ thời Đế chế La Mã. Tính đến thời điểm hiện tại, Ir David đã khai quật được khoảng 250m trên con đường.
IAA cũng cho biết trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều chứng tích phản bác quan điểm cho rằng cư dân ở khu vực này là những người nghèo. Tại buổi lễ công bố khánh thành con đường trên, nhiều đồ vật xa xỉ khai quật được tại địa điểm này, bao gồm những chiếc bàn đá được trang trí đẹp mắt với nhiều hoạ tiết chạm khắc xung quanh, được trưng bày.
Thành phố của David đã thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử. Nơi đây đã giúp chúng ta hình dung được cuộc sống của người Do Thái từng diễn ra như thế nào. Giờ đây đi bộ trên con đường này, bạn có thể mường tượng ra những đoàn người đông đúc nối đuôi nhau hành hương về thánh địa Jerusalem cách đây 2.000 năm trước. Cho đến nay, chỉ có một vài cửa hàng nằm dọc con đường được phát hiện, nhưng với trí tưởng tượng của mình, bạn có thể nghe thấy tiếng giao thương hàng hóa từng diễn ra tấp nập tại đây – nơi người ta đổi da thuộc lấy quần áo, đổi hạt giống lấy mật ong, đổi tiền xu để lấy rượu,…
Con đường Hành hương này có ý nghĩa lớn hơn nhiều đối với Israel so với việc mở một địa điểm du lịch mới, Ze giápev Orenstein, giám đốc các vấn đề quốc tế của Ir David cho biết.
Ông nhấn mạnh rằng, nó chứng minh mối liên hệ lịch sử và lâu dài của người Do Thái với Jerusalem, không chỉ ở những nơi mà người Do Thái cư trú ngày nay mà là toàn bộ thành phố này.
Hồng Liên (t/h)