Tim người có cửu khiếu, chớ để mê mờ trong trụy lạc!
Cơ thể người có cửu khiếu và đều thông với tim. Tinh thần theo năm tháng mà hao mòn, thì tính mạng cũng theo thời gian mà giảm sút. Đây chính là cửu khiếu bị thế gian giả dối che mờ.
Trong “Lễ ký – Đại học” viết rằng: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị. Thử vị tu thân tại chính kỳ tâm”. Tạm diễn nghĩa: Nếu tâm trí không để vào đó, thì dẫu nhìn mà chẳng thấy, dẫu để tai mà chẳng nghe, dẫu ăn mà chẳng biết mùi vị. Như vậy mới nói sửa mình cốt ở chỗ làm cho cái tâm mình ngay thẳng.
Con người có cửu khiếu, bảy khiếu dương, hai khiếu âm. Cổ nhân coi hai mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai và miệng gọi là thất khiếu. Nhưng mà có một loại gọi là cửu khiếu, chính là ngoài bộ bảy “thanh khiếu” này ra (hai mắt, hai tai, mai mũi, miệng), cơ thể người còn có hai cái “trọc khiếu” tiền âm và hậu âm. Chúng đều thông lên tim.
Trong “Thái Bình quảng ký” có một câu chuyện kể về ông lão Ích Châu, cũng nói về quan hệ của tim và cửu khiếu này. Những năm cuối Đường triều Võ Tắc Thiên, có một ông lão người Ích Châu, mang theo một bình thuốc vào thành bán, tiền bán được bèn đem hết cứu tế cho những người nghèo đói xung quanh, bản thân ông lão không ăn một cái gì, hằng ngày chỉ uống một chút nước trong. Phàm là có người bệnh mua được thuốc của ông, không bệnh nào là không trị khỏi.
Ông lão chữa bệnh thì mỗi khi gặp được người quen biết, nhất định sẽ nói cho người ta biết rằng:
“Cơ thể người tựa như một quốc gia. Tim người chính là đế vương; bên cạnh tim là dãy phủ tạng, chính là phụ thần trong cung; cửu khiếu bên ngoài cơ thể, chính là thần tử ngoài cung. Cho nên, tim có bệnh, trong ngoài cũng không thể cứu nó, cái đó giống như vua trước mặt làm xằng làm bậy, thần tử không thể cải chính. Nếu muốn khiến thân thể không có bệnh, trước hết trai tim của anh phải ngay chính, không để tâm theo đuổi lung tung, không để lòng có tư tưởng cuồng vọng, không để tâm có quá nhiều dục vọng, không để tâm mê loạn hồ đồ; bởi vậy, tim trước hết cần phải không có bệnh.
Tim không có bệnh, như vậy thì tạng phủ – tức phụ thần trong cung, cho dù có bệnh cũng không khó để trị liệu, cửu khiếu bên ngoài cơ thể cũng sẽ không có nhân tố mắc bệnh”.
Ông lão còn dặn dò:
“Huống hồ thuốc cũng có phân chia vua – tôi, còn có “Tá” (phụ tá) và “Sử” (sai khiến). Nếu muốn trị bệnh, dùng “tá” thuốc làm “sử” thuốc, đem “sử” thuốc” làm “tá thuốc”, thì một chút cũng không có tác dụng, hơn nữa còn quấy nhiễu chính mình, làm sao có thể chữa khỏi bệnh đây?
Loại này giống như thống trị một quốc gia. Ta bán thuốc thường rất lo lắng như vậy. Ta hay gặp một số người tim không còn ra tim, tạng phủ cũng không còn tác dụng, cửu khiếu hết thảy đều bất chính, tất cả đều bị bệnh, thế cho nên khiến thầy thuốc dù giỏi cũng đều sợ chạy mất, thuốc dù tốt cũng không có tác dụng gì. Những người này lại còn không biết mình đã bị bệnh nguy kịch. Thật là đáng buồn! Kẻ sĩ, bậc quân tử nhất định phải nhớ kỹ!”.
Trong “Quản tử – Thuật học” có viết: Tim ở thân thể, cũng như bậc quân vương; cửu khiếu cũng giống như các bậc quan chức vậy. Tim ra lệnh như thế nào thì cửu khiếu sẽ tuân theo như vậy.
Giới tu luyện thì cho rằng, cửu khiếu của con người vốn là trong sáng ngay thẳng, nhưng khi rơi xuống cõi phàm trần u mê liền không còn nhận thức rõ nữa. Cho nên Đạo gia cho rằng “nhân chi cửu khiếu đô vi tà”, cửu khiếu của con người nếu bất chính, có thể sinh ra tai họa vô tận, mà quan trọng nhất là tai, mũi, miệng. Nếu 3 cái này có thể thận trọng kiêng dè, thì ắt sẽ không có tai họa.
Người ta thường nói rằng, người có đức thì mắt không nhìn thấy cảnh tượng gian ác, lỗ tai không nghe thấy âm thanh ác, miệng không nói chuyện xấu ác. Nếu gặp được việc đứng đắn liền thẳng thắn đàm luận mà không động tâm, nếu gặp phải chuyện ác ý xằng bậy thì tâm bất động, mắt không nhìn, miệng không nói chuyện. Đây chính là gặp thiện thì động, gặp ác thì tĩnh.
Nhưng mà lòng người, vẫn cố tình ham muốn hưởng thụ vật chất làm trọng, lại không lấy công đức làm trọng. Nếu khuyên anh ta làm việc thiện tích công đức, thì anh ta liền keo kiệt tiền tài, vắt chày ra nước; nhưng đi giữa phong nguyệt tửu sắc, thì lại tiêu tiền như nước, ném một cái là vạn kim cũng không hối tiếc. Khuyến khích anh ta tu tâm tích đức, liền bị phỉ báng là mê tín. Nhưng có người rủ anh ta chen chân sòng bạc, thì hô sao làm vậy. Đúng là mê mờ không nhận ra!
Cơ thể người có cửu khiếu, khiếu đều thông với tim. Tinh thần theo năm tháng mà hao mòn, thì tính mạng theo thời gian mà giảm sút. Đây chính là cửu khiếu bị thế gian giả dối che mờ. Có câu thành ngữ nói “tâm thuật bất chính”, là để ám chỉ những người tâm địa bất chính, rắp tâm bất lương.
Vậy nên, hãy mau mau thông tỏ, chuyên cần tu dưỡng công đức, trong chốn người đời mê lạc giả dối mà có thể tu chân, thanh trừ dục vọng, trở về con đường quang minh rộng rãi ban đầu.
Bảo An, dịch từ kannewyork.com